Đóng

Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi): Điểm nhấn quan trọng về trung học nghề

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) bổ sung nhiều nội dung mang tính cải cách, trong đó nổi bật là việc công nhận chương trình trung học nghề.

Theo báo Hà Nội Mới, ngày 9/7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì phiên họp của Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực góp ý về dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi). Dự thảo được kỳ vọng tạo hành lang pháp lý vững chắc, thúc đẩy phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

Phó Cục trưởng Cục Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên Nguyễn Thị Việt Hương chia sẻ, ban soạn thảo đã quán triệt và tiếp thu nghiêm túc "6 tăng cường" trong quan điểm chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện pháp luật của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, “6 tăng cường” bao gồm: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; tăng cường lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến; tăng cường cơ chế, chính sách kiến tạo phát triển và phục vụ nhân dân; tăng cường cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và kiểm tra giám sát; tăng cường phối hợp; tăng cường bám sát thực tiễn.

“Chúng tôi đã cẩn trọng rà soát lại từng điểm, từng điều trong dự thảo, bám sát các yêu cầu để có thể đưa ra trình hội đồng, với tinh thần phân công công việc "6 rõ": Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền và rõ kết quả, theo yêu cầu của Thủ tướng”, Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Việt Hương cho biết.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Báo Nhà Báo & Công Luận

 

Dự thảo bổ sung nhiều nội dung mang tính cải cách, trong đó nổi bật là việc công nhận chương trình trung học nghề – mô hình tích hợp giữa kiến thức văn hóa phổ thông và kỹ năng nghề nghiệp dành cho học sinh sau trung học cơ sở.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng mở rộng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; quy định cụ thể về giảng viên đồng cơ hữu, nâng chuẩn chương trình đào tạo và hệ thống bảo đảm chất lượng.

Đặc biệt, nhiều quy định đã được điều chỉnh, rút gọn hoặc chuyển sang các luật liên quan nhằm giảm trùng lặp và thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Đưa mô hình trung học nghề vào dự thảo Luật

Tại phiên họp, việc đưa mô hình trung học nghề vào dự thảo Luật chính là một trong những nội dung được quan tâm nhiều nhất. TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT nhận định, dự thảo có nhiều điểm đột phá, trong đó chương trình trung học nghề là bước tiến lớn, vừa góp phần phân luồng hiệu quả, vừa mở rộng cơ hội học tập cho học sinh sau trung học cơ sở.

Tuy nhiên, TS Lê Trường Tùng cũng bày tỏ băn khoăn khi chương trình trung học nghề được quy định tương đương trung học phổ thông về văn bằng nhưng không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp. Theo ông, điều này cần được cân nhắc để bảo đảm sự công bằng và tính thống nhất giữa các hệ đào tạo.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Dung – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình đề nghị, cần quy định rõ tỷ lệ nội dung chương trình trung học nghề, trong đó tối thiểu 2/3 thời lượng nên dành cho văn hóa phổ thông, 1/3 cho đào tạo nghề. Điều này không chỉ giúp học sinh đủ kiến thức thi lên đại học nếu có nhu cầu, mà còn bảo đảm kỹ năng nghề ở trình độ phù hợp.

Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa đánh giá, mô hình trung học nghề có thể giúp gỡ điểm nghẽn về phân luồng và liên thông nhưng cần xác định rõ việc sẽ xây mới hay chuyển đổi các trường trung cấp hiện có. Việc triển khai phải được chuẩn bị đồng bộ về chương trình, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.

Cũng nêu ý kiến về vấn đề trên, GS.TS Đào Đăng Phượng – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương bày tỏ, mô hình trung học nghề nếu triển khai phù hợp sẽ tạo điều kiện để các em vừa có nền tảng văn hóa, vừa phát triển năng khiếu chuyên môn một cách bài bản.

Luật mới cần có tầm nhìn dài hạn, phù hợp xu hướng chuyển đổi số

Báo Nhà Báo & Công Luận đưa tin, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên Trợ lý Bộ trưởng GD&ĐT đề nghị bổ sung điều riêng về phân cấp quản lý, trong đó giao quyền điều phối toàn bộ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cho UBND cấp tỉnh. “Địa phương là nơi nắm rõ nhu cầu nhân lực, cần được chủ động tổ chức lại hệ thống phù hợp với thực tiễn”, ông nói.

Về phía doanh nghiệp, nhiều đại biểu ủng hộ tăng vai trò trong đào tạo, nhưng đề nghị phải có quy định chặt chẽ về điều kiện, năng lực và trách nhiệm khi tham gia giáo dục nghề nghiệp, để đảm bảo chất lượng và quyền lợi người học.

Tham gia góp ý về vai trò doanh nghiệp, TS Lê Đông Phương – nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đại học (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho biết việc mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện để tổ chức đào tạo. Vì vậy, cần có quy định chặt chẽ về điều kiện, năng lực và trách nhiệm của doanh nghiệp khi tham gia vào giáo dục nghề nghiệp.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn. Ảnh: Báo Nhà Báo & Công Luận

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) không chỉ thay thế luật hiện hành, mà cần có tầm nhìn dài hạn, phù hợp xu hướng chuyển đổi số, hội nhập và học tập suốt đời.

Đồng thời, Thứ trường Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh một số điểm then chốt: Chỉ điều chỉnh các trình độ giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (sơ cấp, trung cấp, trung học nghề, cao đẳng); không điều chỉnh các khóa đào tạo nghề ngắn hạn do doanh nghiệp tổ chức.

Cùng với đó, tạo điều kiện công nhận kỹ năng, chứng chỉ, thúc đẩy liên thông, học tập suốt đời. Đẩy mạnh truyền thông, đặc biệt về mô hình trung học nghề – khái niệm còn mới mẻ, dễ gây hiểu nhầm nếu không giải thích rõ ràng.

“Luật phải tạo được niềm tin cho xã hội, là nền tảng để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng, có tư duy nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và cạnh tranh toàn cầu”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Tin nổi bật