(ĐSPL) - Nếu chỉ nói phong thủy thì chưa nói lên điều gì về học thuật, mà phải nói đến Thuật Phong thủy thì mới trở thành môn khoa học nghiên cứu về tương tác của thủy khí động học…
Để hiểu rõ hơn về phong thủy và thuật Phong thủy, TS Vũ Thế Khanh (Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ UIA, gọi tắt là UIA) sẽ đưa những giải thích rõ hơn để chúng ta hiểu được về phong thủy và thuật phong thủy.
Phong thủy là âm Hán Việt, dịch ra là gió và nước, nếu chỉ nói phong thủy thì chưa mang nội dung khoa học gì. Còn khi nói đến thuật phong thủy tức là muốn nói đến nghệ thuật điều khiển và sử dụng tính năng của gió và nước, đó mới là một môn khoa học nghiên cứu hiệu ứng của thủy khí động học. Tại sao công trình lại sinh ra hiệu ứng phong thủy? Bởi nếu không có công trình chặn hướng lưu thông thì gió cứ thổi, nước cứ trôi theo quy luật tự nhiên, không có gì đột biến bất ngờ, nên không gây ra hiệu ứng. Nhưng khi ta đặt công trình (dù to hay nhỏ) thì nó cũng sẽ là vật cản, tạo ra hiệu ứng dòng xoáy và như vậy sẽ tạo ra thế năng Phong thủy. Chính việc muốn cải thiện thế năng phong thủy mới sinh ra thuật phong phủy. Công trình và vật kiến trúc gây ra sự thay đổi các đường sức của dòng chảy, thành các hiệu ứng phản lực và các hiệu ứng này tương tác ngược trở lại theo định luật đối ứng.
Như vậy, hướng, vị trí, cường độ, tính chất các dòng xoáy đối lưu gây nên những tác động có lợi (hoặc bất lợi ) cho chủ nhân (như bị ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, thậm chí có thể bị đột từ vì các luồng gió lạ đột ngột, độc hại...) Thuật phong thủy liên quan đến yếu tố địa lý (địa hình, địa thế, vị trí địa lý), trước hết là do hình thế của đất: Đất chỗ cao chỗ thấp tạo thế năng cho nước. Nước chảy từ trên cao xuống thấp thành dòng năng lượng do chênh lệch thế năng, còn gió sẽ thổi từ nơi có áp suất cao đến nơi có áp suất thấp, khi gặp các vật cản lớn bé, rộng hẹp khác nhau thì cũng tạo ra các xung lực khác nhau.
|
TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ UIA |
Theo TS Vũ Thế Khanh thì với công trình thủy điện, khi ta xây đập để chấn dòng chảy, nước sẽ tự nhiên dâng lên và tạo thành thế năng rất cao. Vật kiến trúc cũng thế, cũng sẽ tạo sự chênh lêch hiệu ứng dòng khí giữa “thượng lưu và hạ lưu” của công trình. Khi một dòng chảy bị một vật ngăn cản sẽ tạo ra một “bước nhảy” về thế năng, bước nhảy càng lớn thì hiệu ứng càng lớn. Chính thế năng đó sẽ chuyển thành động năng của dòng đối lưu thuật phong thủy liên quan đến yếu tố địa hình địa vật xung quanh: Đối với các công trình áp dụng thế “tọa sơn, đạp thủy”, đó là một trong những thế chuẩn, thế thuận (lưng tựa vào núi, chân nhìn về phía dòng sông).
Nếu quay lưng xuống nước thì hở lưng, đầu lại cắm vào vách núi thì bị chặn, rất bất lợi. Trong lịch sử chiến tranh, cũng có trận đánh gọi là “bối thủy”, là trận tử chiến, khiến người lính chỉ còn con đường duy nhất là xông lên, không còn đường lùi (vì sau lưng là sông). Con người có 3 thể: thể hồn, thể vía và thể phách. Nếu khi ta ngồi mà phía sau bị trống trải, cho dù ta không nhìn ra phía sau thì tự cơ thể ta vẫn tự động điều một lực lượng để phòng bị phía sau, như vậy ta không thể tập trung toàn bộ nguồn năng lượng Tâm thức cho phía trước, dẫn đến hiệu ứng thể vía sẽ bị phân tán mất năng lượng. Công trình cũng vậy, nếu ở phía sau trống hoặc bị hở lưng thì những người ở trong ngôi nhà ấy cũng cảm thấy bất an. Vì thế, khi thiết kế công trình cũng cần chú ý đến sự che chắn, vững chãi ở phía sau, còn phía trước phải thoáng đãng, không bị chướng ngại vật cản trở tầm nhìn (gọi là Minh đường sáng sủa).
Tuy nhiên, đó mới chỉ là hướng nhìn, ngoài ra còn phụ thuộc vào nhiều đặc điểm địa hình, địa vật xung quanh. Về nội thất: Ví như việc người vừa trong phòng mở cửa ra, bị tiếp xúc đột ngột với luồng gió lạ ở bên ngoài, nhiệt độ hoặc áp suất thay đổi đột ngột thì rất dễ bị cảm (dân gian gọi là “trúng gió”). Các nhà thiết kế kiến trúc cũng cần được trang bị kiến thức về thuật phong thủy để thiết kế sao cho công trình có một hệ thống tối ưu để đón luồng khí từ ngoài vào trong phòng một cách khoan hòa. Hiểu một cách nôm na như cơ chế hô hấp của con người vậy; trước khi hít không khí từ môi trường bên ngoài vào phổi, không khí sẽ được lọc và sẽ dần dần được làm ấm lên bởi khoang mũi để tránh cho phổi tiếp xúc trực tiếp với khí lạnh đột ngột từ môi trường bên ngoài. Những “đường dẫn khí” vào công trình hợp lý sẽ tạo sự hài hòa và an bình trong căn nhà, ngược lại nếu không hợp lý thì tạo ra các dòng áp suất biến thiên bất thường, không lợi cho sức khỏe. Hệ thống cửa được ví như “mũi” của con người. Sự bố trí hợp lý hệ thống cửa sẽ tạo ra “đường sức” của dòng khí. Cửa đi, cửa sổ là “trạm đón khách”, nhưng nếu “đường ra” không hợp lý thì công trình trở thành “hũ nút” dòng khí không thể lưu thoát, gây ra “loạn giao thông”.
|
Nhiều người sử dụng bát quái để xây dựng nhà của, kiến trúc. |
Thuật phong thủy có liên quan đến phương hướng: Tục ngữ có câu “Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam” cũng vì vậy. “Lấy vợ hiền hòa” thì gia đình yên ấm, hạnh phúc còn “làm nhà hướng Nam” thì do đặc thù vi khí hậu vị trí địa lý nước ta khiến hướng Nam (hoặc lân cận như Đông Nam, Tây Nam) là hướng thuận lợi nhất để xây dựng nhà cửa. Nhà xoay hướng Nam buổi sáng tránh được nắng chói từ phía Đông, buổi chiều không bị mặt trời nung và nắng xiên gay gắt từ phía Tây; lại có thể đón gió mát về mùa hè và tránh gió lạnh mùa đông. Tuy nhiên, điều này chỉ phù hợp với những vùng đồng bằng mà đón gió ở Biển Đông về, những vùng hướng Đông Nam là chính, còn những vùng địa lý khác thì lại không thích hợp. Dễ nhận thấy rằng vị trí công trình dân dụng không thể đặt cuối hướng gió từ vùng công nghiệp và không được đặt ở cuối nguồn nước thải, hoặc do các nguồn hóa chất độc hại khuyếch tán, xâm thực, nhiều làng mạc vùng quê bị hai yếu tố Phong thủy ô nhiễm này mà dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh ung thư rất cao. Đây hoàn toàn do yếu tố địa lý môi trường, không phải do yếu tố tâm linh siêu hình.
Thuật phong thủy phụ thuộc vào yếu tố hình dạng: Công trình cũng như con tàu, hình dáng bên ngoài nếu nương theo hiệu ứng của thủy khí động lực học một cách hợp lý thì sẽ tạo sự trơn tru, hiền hòa khi vận hành; ngược lại nếu hình dáng bên ngoài không hợp lý thì sẽ bị va đập mạnh hơn, khiến cho sự vận hành gặp trắc trở. Thuật phong thủy có thể áp dụng cho một công trình độc lập, cá thể, nhưng cũng có những vị thế áp dụng cho cả một vùng rộng lớn (tương tự như quy hoạch tiểu khu hoặc quy hoạch toàn vùng trong kiến trúc), thậm chí cho chiến lược của cả một vùng lãnh thổ của quốc gia.
Như vậy, thuật phong thủy phải được giải mã từ cao đến thấp, rồi từ rộng, trung bình đến hẹp. Nghiên cứu về Phong thủy cần có kiến thức tổng hợp thì mới không bị sa đà vào tiểu cục “tham bát bỏ mâm” và tránh bị rơi vào kiến giải mang màu sắc mê tín dị đoan, bởi sự biến hóa của Phong thủy là “thiên hình vạn trạng”. Theo quan điểm biện chứng thì Phong thủy là thực thể hữu hình. Nó là vật chất có thể thấy biết rõ ràng và sự ảnh hưởng của nó có thể nhìn thấy được và đo đếm được. Sự ảnh hưởng đó hoàn toàn thuộc về yếu tố địa lý môi trường.
Thành An