
Nguồn gốc ngày Tết Hàn thực
Theo nghĩa chữ Hán, "hàn" là lạnh, "thực" là ăn, "Tết Hàn thực" là tết ăn đồ lạnh. Phong tục cổ truyền này có nguồn gốc từ Trung Quốc theo một câu chuyện ly kỳ truyền tụng nhiều đời.
Chuyện kể rằng vào đời Xuân Thu (770 - 221), vua Tấn Văn Công nước Tấn gặp loạn nên phải bỏ nước lưu vong sống cảnh nay trú nước Tề, mai ở nước Sở.
Lúc ấy, có một hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo phò vua đã giúp đỡ nhiều mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn kiệt, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong, hỏi ra mới biết đem lòng cảm kích vô cùng.
Giới Tử Thôi theo phò vua Tấn Văn Công trong vòng 19 năm trời, cùng nhau nếm mật nằm gai, khổ luyện thành tài.
Tết Hàn thực là phong tục cổ truyền của người dân được tổ chức vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm. Ảnh minh họa.
Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi vương, trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công, nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi.
Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình theo vua phò vua là chuyện nên làm. Ông cho rằng những việc đó đâu có gì đáng nói.
Vì thế, ông về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm Tử Thôi. Nhưng vì là người không tham danh vọng, Tử Thôi nhất quyết không quay về lĩnh thưởng, Tấn Văn Công ra lệnh đốt rừng nhằm thúc ép Tử Thôi quay về. Không ngờ Tử Thôi quyết chí, hai mẹ con cùng chịu chết cháy trong rừng. Hôm ấy là ngày 3/3 Âm lịch.
Nhà vua hối hận cho lập miếu thờ. Hàng năm, cứ đến 3/3 Âm lịch, dân bị cấm dùng lửa nấu ăn, ngay cả việc làm cỗ cúng cũng phải làm từ hôm trước, đây được coi là ngày Tết Hàn thực.
Tết Hàn thực có ý nghĩa gì?
Mặc dù nguồn gốc của Tết Hàn thực là vậy, tuy nhiên ở Việt Nam, ngày này không phải để tưởng nhớ Tử Thôi mà có ý nghĩa dân tộc sâu sắc. Tết Hàn thực của người Việt mang màu sắc dân tộc riêng, được lưu giữ mãi trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm, các gia đình làm bánh trôi, bánh chay cúng ông bà, tổ tiên và kiêng không đốt lửa. Ở nhiều nơi, người dân cũng làm bánh trôi, bánh chay cúng thần hoàng. Những món ăn được nấu trong dịp này làm ra đều được cúng gia tiên với ý nghĩa con cháu một lòng hướng về tổ tiên, nguồn cội.
Tại Việt Nam, Tết Hàn thực đã được hợp nhất với Tết bánh trôi, bánh chay, thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa, lối sống riêng của người Việt. Ảnh minh họa.
Tại Việt Nam, Tết Hàn thực đã được hợp nhất với Tết bánh trôi, bánh chay, thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa, lối sống riêng của người Việt. Tết Hàn thực của người Việt mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tổ tiên, ghi nhớ công ơn của những người đã khuất. Đồng thời, mâm cúng Tết Hàn thực không thể thiếu bánh trôi, bánh chay. Luôn phải có 5 hoặc 3 đĩa bánh trôi, 3 bát bánh chay dâng lên bàn thờ.
Do Tết Hàn thực có ý nghĩa là mọi nhà ăn đồ lạnh nên vào ngày này, những đĩa bánh trôi, bánh chay - mang hương vị thanh trong của đất trời - luôn được các gia đình chuẩn bị dâng cúng lên tổ tiên. Đây là đồ cúng quan trọng nhất làm nên nét riêng cho Tết Hàn thực ở Việt Nam. Vì thế, người dân một số vùng Bắc Bộ nước ta còn gọi Tết Hàn thực là ngày bánh trôi, bánh chay.
Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, tục ăn bánh trôi của dân Việt vào ngày Tết Hàn thực nhiều khả năng được du nhập từ thời Lê. Trong Vân đài loại ngữ, nhà bác học Lê Quý Đôn cũng từng cho biết: "Tục nước ta trọng nhất bánh trôi nước, mỗi năm cứ ngày mồng 3 tháng 3 thì làm bánh ấy. Người phương Bắc cũng có, gọi là Thủy đoàn".
Ngoài ra, vào khoảng thế kỷ XVI, trong Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa có viết: "Trôi nước có hiệu Thủy đoàn, trong đường ngoài bột nổi hòn lênh đênh".
Cho nên, tục ăn bánh trôi bánh chay đã có từ thời ông bà xưa, tựa như một dấu hiệu may mắn thuận theo cội nguồn dân tộc.
Hình dáng của bánh trôi tròn đều, bên trong phần nhân đường phèn hình vuông, gợi lên câu tục ngữ "mẹ tròn con vuông". Bánh chay vỏ trắng tính dương, phần nhân đậu xanh bên trong vàng tươi sáng mang tính âm, âm dương giao hòa. Dùng bánh trôi, bánh chay trong Tết Hàn thực thể hiện mong muốn mùa hè không còn oi bức, thời tiết thuận hòa.
Bởi vậy, ăn bánh trôi vào ngày Tết Hàn thực vừa là một cách tưởng nhớ người đã khuất, vừa là cách chiêu cầu may mắn cho bản thân và gia đình. Người có thời gian thì dậy từ sớm, chuẩn bị bột để làm bánh trôi, bánh chay và dâng cả hoa tươi, quả ngọt lên bàn thờ gia tiên. Còn người bận rộn nơi phố thị cũng không quên sà vào quầy hàng bên đường mua nhanh chóng đĩa bánh trôi, bánh chay ăn lấy "khước" (lấy may).
Tục ăn bánh trôi bánh chay từ xa xưa, như tấm lòng hiếu kính thơm thảo của người đời sau nhớ về cội nguồn. Ấy là tục đẹp sẽ còn mãi với thời gian...