Nguồn gốc ngày lễ
Từ khi chấp nhận Cơ Đốc giáo cho đến năm 1700, Nga sử dụng lịch Byzantine - loại lịch có từ năm 5508 trước Công nguyên. Người Nga ban đầu ăn mừng năm mới vào tháng 3 nhưng dịp lễ này đã chuyển sang ngày 1/9 vào thế kỷ XV. Vào dịp này, một buổi lễ trọng thể thường diễn ra trên Quảng trường Nhà thờ của Điện Kremlin ở Moscow, cùng với một buổi lễ nhà thờ với sự tham gia của sa hoàng, tộc trưởng, các giám mục và thành viên của giới quý tộc.
Vào tháng 12/1699, Peter Đại đế đã ban hành hai sắc lệnh, trong đó giới thiệu một hệ thống niên đại mới và ra lệnh năm mới sẽ được tổ chức vào ngày 1/1.
Biểu tượng cây thông
Peter Đại đế yêu cầu trang trí các con đường ở Moscow và những ngôi nhà của giới quý tộc bằng cây linh sam và cành thông. Sa hoàng đã mượn truyền thống từ những người châu Âu sống ở Khu phố Đức của Moscow (hiện được gọi là quận Lefortovo).
Người dân nơi đây được yêu cầu chúc mừng nhau, đốt lửa trên đường phố, bắn súng trường và đốt pháo. Màn bắn pháo hoa thường diễn ra tại Quảng trường Đỏ. Ở thời điểm đó, lễ đón năm mới ở Nga kéo dài 7 ngày.
Năm 1982, cây linh sam đầu tiên được dựng lên cho công chúng xem trong một gian hàng giải trí ở Công viên Yekaterinhof của St. Petersburg. Các thành viên của giới quý tộc, thương nhân và nhà sản xuất đã tổ chức các lễ kỷ niệm từ thiện cho trẻ em.
Kẹo, trái cây, ruy băng và nến ban đầu được dùng để tô điểm cho cây thông Noel nhưng sau đó những đồ trang trí đặc biệt cho năm mới đã xuất hiện, thường liên quan đến Giáng sinh. Mọi người bắt đầu trang trí cây của họ bằng những chiếc chuông nhỏ, tượng thiên thần và người chăn cừu. Qua một thời gian, đồ trang trí Giáng sinh bằng thủy tinh bắt đầu đến từ Đức và vào cuối thế kỷ XIX, việc sản xuất quả cầu thủy tinh bắt đầu tại một nhà máy gần thị trấn Klin của Nga.
Ảnh: TASS.
Hậu quả của Cách mạng tháng Mười Nga
Vào tháng 1/1918, Hội đồng Nhân dân của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga đã thông qua một sắc lệnh giới thiệu Lịch Gregorian Tây Âu. Nhà thờ Chính thống Nga từ chối sự thay đổi và tiếp tục tuân theo Lịch Julian.
Đây là lý do tại sao các Kitô hữu Chính thống giáo Nga tổ chức lễ Giáng sinh vào ngày 7/1, tương ứng với ngày 25/12 theo Lịch Julian. Đồng thời, một ngày lễ không chính thức mới đã xuất hiện - Tết truyền thống - được tổ chức vào ngày 14/1.
Trong những năm đầu tiên của Liên Xô, truyền thống đón Giáng sinh và Năm mới vẫn tiếp tục. Các bữa tiệc năm mới đặc biệt dành cho con cái của các quan chức nhà nước và đảng đã được tổ chức tại Đại Cung điện Kremlin. Tuy nhiên, vào giữa những năm 1920, một chiến dịch chống lại thành kiến tôn giáo đã được phát động trên khắp đất nước. Kết quả là ngày lễ Giáng sinh bị cấm vào năm 1929.
Lễ mừng năm mới ở Nga
Một cây linh sam thực sự lần đầu tiên được lắp đặt trên Quảng trường Nhà thờ trong các bức tường của Điện Kremlin vào tháng 12/1996, theo sáng kiến của Tổng thống Nga lúc bấy giờ là Boris Yeltsin. Lễ kỷ niệm chính - bữa tiệc mừng năm mới trên toàn nước Nga, còn được gọi là bữa tiệc "tổng thống" - diễn ra tại Đại Cung điện Kremlin. Hơn 5.000 trẻ em từ khắp các vùng của Nga tham dự bữa tiệc hàng năm này.
Vào đêm giao thừa, Tổng thống Nga gửi lời chúc mừng đến cả nước. Sau đó, vào lúc nửa đêm, các kênh truyền hình và đài phát thanh phát đi tiếng chuông đồng hồ của Tháp Spasskaya ở Điện Kremlin, sau đó là quốc ca.
Kì nghỉ lễ
Ngày chính thức của kỳ nghỉ năm mới ở Nga đã thay đổi nhiều lần. Ngày 1/1 được tuyên bố là ngày không làm việc vào năm 1948, trong khi ngày lễ Giáng sinh 7/1 trở thành ngày không làm việc vào năm 1990. Năm 1992, ngày 2/1 cũng được tuyên bố là ngày nghỉ.
Từ năm 2013, dịp Tết chính thức kéo dài từ ngày 1-8/1.
Bích Thảo (Theo TASS)