Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Kỳ cuối: Bức tử lòng sông và trách nhiệm... đứng trông trên bờ?

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Như chúng tôi đã thông tin ở các kỳ trước, cát tặc vẫn lộng hành bởi luật ngầm và tự tạo thế giới riêng với nó để thanh trừng đoạt lợi. Cuộc sống của người dân "

(ĐSPL) - Như chúng tôi đã thông tin ở các kỳ trước, cát tặc vẫn lộng hành bởi luật ngầm và tự tạo thế giới riêng với nó để thanh trừng đoạt lợi. Cuộc sống của người dân "vùng cát tặc" vẫn bị đe dọa, các đê bao ngày đêm bị sạt lở, dòng chảy của sông đổi hướng... Chính quyền sở tại thì dường như bất lực, họ thực hiện điệp khúc bắt rồi thả đối với cát tặc, ngày càng gây bức xúc cho xã hội.

Điệp khúc bắt rồi thả

Trong quá trình thực hiện loạt bài, chúng tôi đã lặn lội khắp các dòng sông từ sông Hồng, sông Thái Bình, sông Cầu, sông Luộc... và thực sự đau xót khi "bờ xôi, ruộng mật", nhà cửa của bà con nông dân ngày càng bị cát tặc "ăn mòn" theo từng dòng cát phi pháp. Những chỉ dẫn của Chung "Bảy", Sơn "điếu", Thịnh "đen" và rất nhiều nhân vật đặc biệt từ giới cát tặc mà chúng tôi đã viết trong các kỳ trước đó, càng thấy sự tàn bạo của hàng trăm chiếc "vòi bạch tuộc" đang cắm sâu vào lòng sông để moi rỗng ruột các bờ bãi. Và rồi, liệu rằng, ai sẽ phải chịu trách nhiệm với bao nhiêu tài sản, nhà cửa, ruộng vườn, hoa màu của người dân bị đổ xuống sông, xuống biển vì cái túi tham của giới cát tặc?

Cát, tài nguyên ở dưới sông với "cát tặc" thì chẳng của nhà ai, cứ vét lên mà bán.

Suốt hành trình tìm hiểu về cát tặc, chúng tôi đã gặp không biết bao nhiêu giọt nước mắt đau đớn của những người nông dân khốn khó, bị mất nhà, mất đất, mất cả người thân. Cùng với những giọt nước mắt đó là nỗi lòng, sự bức bối của người nông dân quanh những triền sông. Thế nhưng, có lẽ những tiếng kêu này ai thấu? Chính quyền địa phương thì cho rằng, đó không phải là trách nhiệm của mình, các lực lượng khác thì vẫn khá bàng quan. Do đó, giới cát tặc vẫn đang công khai ngày đêm hủy hoại tài sản của nhân dân và đánh cắp tài nguyên một các phi pháp. Còn những người nông dân, họ vẫn phải sống và "chiến đấu" với cát tặc cho dù "cuộc chiến" đó không cân sức, những người nông dân phải đổ máu... và đau lòng hơn khi họ mất mạng. Câu hỏi ai phải chịu trách nhiệm lại như rơi mãi vào hư không...

Rất nhiều người dân các thôn, xã nơi có dòng sông bị rút ruột mà chúng tôi đã nói ở các kỳ trước, họ đã nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan chức năng huyện và tỉnh, nhưng chẳng thấy hiệu quả gì. Và, họ đã phải lập những "chiến lũy" ngay nơi họ sống và bảo nhau ra giữ không cho "cát tặc làm lở bờ sông quê hương...".

Còn đối với cơ quan chức năng cấp xã, họ không đủ nhân lực và vật lực để chặn cát tặc mà nếu có bắt, cũng như ông chủ tịch một xã của huyện Văn Giang, Hưng Yên thì: "Chúng tôi cũng bắt giữ khá nhiều, nhưng sau đó lại có những cuộc điện thoại can thiệp, rồi lại phải thả". Còn một cán bộ phòng CSGT đường thủy Công an TP. Hà Nội cho biết, từ đầu tháng 4/2014 tới nay, đã có 23 trường hợp khai thác cát trái phép bị CSGT đường thủy xử lý trên sông Hồng và sông Đuống. Trong đó, có tới hơn một nửa số vụ vi phạm thuộc chuyên đề xử lý vi phạm khai thác cát đen trên sông Hồng. Địa điểm các tàu thuyền thường tập trung khai thác cát đen trái phép là quanh khu vực thượng, hạ lưu cầu Thăng Long, huyện Đông Anh, Từ Liêm và quận Tây Hồ.

Tù mù xử phạt

"Cuộc chiến" chống cát tặc luôn là dữ dội nhất của những người nông dân, còn chính quyền thì hầu như bất lực. Theo quy định hiện hành thì, nhiều cơ quan có thẩm quyền để bắt và xử phạt các lực lượng khai thác cát trái phép như chính quyền xã, huyện; thanh tra tài nguyên môi trường; cảnh sát đường thủy... Thế nhưng, thực tế việc trấn áp các lực lượng này lại phó mặc cho công an tỉnh. Và, những đoàn công tác có các thành phần "ban bệ" đầy đủ mới có thể công cán được, điều đó khiến lực lượng vừa cồng kềnh vừa bị động đó là còn chưa nói đến công tác quản lý tài nguyên dưới lòng sông của nhiều địa phương còn bị xem nhẹ, không có sự hợp tác của các ban ngành. Với cát tặc, cát ở dưới sông, chả của nhà ai cả, cứ thế mà hút. Mặc cho mặt nước đục ngầu lập lờ càng làm cho cát tặc thiên biến vạn hóa, "tấn công, phòng thủ" với bà con nông dân.

Một điều bất cập lớn từ thực tế cho thấy, ranh giới phân định rạch ròi tại các dòng sông là gần như không thể. Việc cấp phép trên giấy tạo thành một "ma trận" khó phân xử đúng - sai, mặc dù trên các giấy phép đều ghi đủ địa bàn xã, huyện nhưng dòng sông bên lở, bên bồi; xã A cho khai thác còn xã B lại lở; thực địa trên dòng sông không mốc giới phân định; dẫn tới các doanh nghiệp khai thác vượt quy định, thẩm quyền, không những vi phạm địa giới giữa các xã trong tỉnh, mà còn "lấn sân" sang các tỉnh khác. Vòng luẩn quẩn này khiến chính cơ quan chức năng "tù mù" trong việc xử phạt.

Đơn cử, ở địa bàn Hà Nội, các huyện Phúc Thọ, Thường Tín, Phú Xuyên luôn phải đối mặt với các doanh nghiệp tỉnh ngoài lấn sân khai thác cát trái phép. Khi cơ quan chức năng của TP. Hà Nội bắt giữ tàu thuyền tại các vùng giáp ranh, các tỉnh khác lại cho rằng, đó là địa bàn của họ, dẫn đến những tranh chấp khó giải quyết. Chính tình trạng chồng lấn lên nhau cũng là "cơ hội" để các tàu thuyền khai thác trái phép hoạt động tranh chấp với có phép, bởi thực hư trên sông hầu như "không biết đâu mà lần".

Chỉ một khúc sông thuộc 2 tỉnh, các cơ quan chức năng hoàn toàn "tù mù" khi không có sự phối hợp đồng bộ.

Vậy lối đi nào cho việc chống cát tặc? Giải pháp của một vị đầu ngành tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, việc cấp bách cần làm hiện nay là cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các tỉnh; đồng thời, mỗi địa phương phải có sự chỉ đạo tổng thể, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và cơ quan quan trọng nhất vẫn là sở Tài nguyên môi trường, sở Nội vụ; các địa phương cần tiến hành cắm mốc giới phân định cụ thể dòng sông chảy qua địa phận xã, huyện và tỉnh. Bên cạnh đó, các bãi cát nổi ở Hà Nội hết hạn giấy phép cũng cần tiến hành rà soát để cấp phép mới. Có như vậy, việc đấu tranh, xử lý vi phạm mới thuận lợi, đặc biệt là dễ quy trách nhiệm cho từng địa phương. Hơn nữa, để những việc bất cập diễn ra trước mắt không tăng phần nhức nhối, những cuộc điện thoại lạ, những "ô dù" cần phải được đưa ra ánh sáng của pháp luật. Như vậy, việc khai thác cát và tài nguyên không chảy vào túi tham của những kẻ mang tên là... cát tặc.

Những dòng sông ở miền Bắc bị "móc ruột" như thế nào?

Theo thống kê của viện Khoa học Thủy lợi, trên các tuyến sông Hồng, Đáy, Cà Lồ thuộc địa phận Hà Nội có tới 22 điểm khai thác cát. Trong số đó, có tới 14 điểm không phép vẫn hoạt động; 214 bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng, thì 179 điểm không phép... Hoạt động khai thác cát trái phép tập trung trên dọc hai tuyến sông Hồng và sông Đuống tại địa bàn các quận, huyện như Nam, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Long Biên, Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đông Anh, Phú Xuyên. Chỉ tính riêng dọc sông Hồng, các đoạn đi qua nhiều huyện thị của Hà Nội với diện tích khoảng gần 200km2, có 10 doanh nghiệp được cấp phép, khai thác ở gần 80 bãi cát nổi; trong đó có 6 doanh nghiệp được khai thác cát dưới lòng sông. Theo khảo sát của chúng tôi, trên địa bàn các tỉnh như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... có cả chục doanh nghiệp được cấp phép hút cát, với các dòng sông nhỏ, việc cấp phép hay không thì chỉ... doanh nghiệp và cát tặc biết.

Tin nổi bật