Theo Sức khỏe & Đời sống, Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định rõ các ngành và chuyên ngành đặc thù trong lĩnh vực y tế và lý luận chính trị tại các cơ sở đào tạo công lập được Nhà nước đặt hàng sẽ được miễn hoàn toàn học phí. Cụ thể bao gồm:
Các chuyên ngành lý luận chính trị: Chuyên ngành Mác-Lênin, Chuyên ngành Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Các chuyên ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe: Lao, Phong, Tâm thần, Giám định pháp y, Pháp y tâm thần, Giải phẫu bệnh.
Các trường Đại học công lập có đào tạo các ngành/chuyên ngành này bao gồm Học viện Báo chí và Tuyên truyền (các ngành lý luận chính trị), Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, Đại học Y Dược (Đại học Huế), Trường Đại học Y Dược Hải Phòng và các trường Đại học y dược công lập khác trên cả nước có chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước cho các chuyên ngành đặc thù.
Ngoài ra, Luật Khám bệnh, Chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 đã bổ sung thêm hai ngành học thuộc lĩnh vực y tế được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ học phí và chi phí sinh hoạt trong suốt khóa học: Truyền nhiễm và Hồi sức cấp cứu.
Để được hưởng chính sách này, sinh viên theo học các ngành Truyền nhiễm và Hồi sức cấp cứu tại các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước cần nó đáp ứng các tiêu chí về kết quả học tập và rèn luyện để đủ điều kiện nhận học bổng của trường.
Bên cạnh các ngành đặc thù, Nhà nước cũng có chính sách miễn 100% học phí cho sinh viên theo học các ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng có nhu cầu cao trên thị trường lao động. Danh mục này được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định, bao gồm 36 ngành, lĩnh vực đa dạng, tập trung vào các ngành nghề truyền thống, nghệ thuật, kỹ thuật công nghiệp và dịch vụ công ích:
Nghệ thuật - Văn hóa: Kỹ thuật điêu khắc gỗ, điêu khắc, nghệ thuật biểu diễn ca kịch Huế, dân ca, chèo, tuồng, cải lương, múa dân gian dân tộc, dân ca quan họ, diễn viên múa, biên đạo múa, biểu diễn nhạc cụ truyền thống, đờn ca nhạc tài tử Nam bộ, nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, kỹ thuật sơn mài và khảm trai.
Kỹ thuật - Công nghiệp: Công nghệ kỹ thuật đóng mới thân tàu biển, công nghệ sản xuất sản phẩm từ cao su, chế biến mủ cao su.
Nông - Lâm - Ngư nghiệp: Kiểm lâm, kiểm ngư.
Môi trường - Xây dựng: Xử lý rác thải, cấp thoát nước, xây dựng cầu đường.
Năm 2025, nhiều ngành học đặc thù và có nhu cầu nhân lực cao mở ra cơ hội học tập hoàn toàn không tốn kém. Ảnh minh họa
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, sinh viên theo học các ngành sư phạm hệ chính quy tại các trường công lập sẽ được miễn 100% học phí. Danh sách các ngành sư phạm được miễn học phí bao gồm: Sư phạm Mầm non; Sư phạm Tiểu học; Sư phạm các môn học ở THCS (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân, Tin học, Công nghệ, Tiếng Anh,...); Giáo dục Trung học phổ thông (các môn học tương ứng); Giáo dục Đặc biệt; Giáo dục Thể chất; Giáo dục Quốc phòng - An ninh.
Đặc biệt, sinh viên sư phạm còn được Nhà nước hỗ trợ thêm 3,63 triệu đồng/tháng để trang trải chi phí sinh hoạt trong suốt thời gian học tập tại trường.
Một lựa chọn đáng cân nhắc khác cho thí sinh mong muốn được miễn 100% học phí là theo học tại các trường thuộc khối Công an và Quân đội.
Theo quy định của Nhà nước, học viên theo học tại các trường này được đảm bảo toàn bộ chi phí đào tạo.
Trường Đại học Y Dược TP.HCM công bố mức học phí dự kiến áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2025: ngành răng hàm mặt 84,7 triệu đồng; y khoa 82,2 triệu đồng; dược học 60,5 triệu đồng; y học cổ truyền, y học dự phòng 50 triệu đồng; các ngành y tế công cộng, điều dưỡng, gây mê hồi sức, hộ sinh, dinh dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng 46 triệu đồng/năm học.
"Năm 2025 sẽ đánh giá, tính toán và xây dựng lộ trình học phí mới cho giai đoạn tiếp theo. Học phí các năm tiếp theo dự kiến tăng nhưng nhiều khả năng mức tăng không nhiều so với mức hiện tại", Tuổi trẻ Online dẫn lời đại diện Trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết.
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch công bố mức học phí dự kiến năm học 2025-2026 với hai mức 55,2 triệu đồng/năm (các ngành y khoa, răng hàm mặt, dược học, y học cổ truyền); các ngành khối cử nhân 41,8 triệu đồng/năm. Lộ trình dự kiến tăng học phí tối đa 10% cho từng năm.
Trường Đại học Luật TP.HCM công bố mức học phí dự kiến các ngành năm học 2025- 2026: 39,75 triệu đồng/năm học (ngành luật, luật thương mại quốc tế, quản trị kinh doanh); 47,17 triệu đồng (quản trị - luật); 54,93 triệu đồng (ngôn ngữ Anh, chuyên ngành Anh văn pháp lý) 79,5 triệu đồng (luật, quản trị kinh doanh - chất lượng cao); 94,34 triệu đồng (quản trị - luật - chất lượng cao) 199,7 triệu đồng (luật, giảng dạy bằng tiếng Anh - chất lượng cao).
Đến năm học 2026-2027 học phí các ngành tiếp tục tăng với mức thu từ 44,75 triệu đồng đến 219,7 triệu đồng.
Ảnh minh họa
Trong khi Đại học Kinh tế TP.HCM (đào tạo tại TP.HCM) năm học 2025-2026 thống nhất một mức học phí cho các học phần trong một nhóm theo phân loại: chương trình tiên tiến quốc tế: tiếng Việt: 1,065 triệu đồng/tín chỉ; tiếng Anh: x 1,4; thực hành: x 1,2; chương trình tích hợp chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế (ACCA và ICAEW): tiếng Việt: 1,065 triệu đồng/tín chỉ; tiếng Anh: 1,685 triệu đồng/tín chỉ; chương trình tiên tiến: tiếng Việt: 975.000 đồng/tín chỉ; tiếng Anh: x 1,4; thực hành: x 1,2; cử nhân tài năng: tiếng Việt: 975.000 đồng/tín chỉ; tiếng Anh: 1,685 triệu đồng/tín chỉ; Asean Coop: tiếng Việt: 975.000 đồng/tín chỉ; tiếng Anh: 1,685 triệu đồng/tín chỉ; Mode Coop: 3,290 triệu đồng/tín chỉ. Lộ trình tăng học phí mỗi năm (tăng không quá 10%/năm).
Năm 2025, Trường Đại học Ngoại thương dự kiến thu học phí chương trình chuẩn từ 25,5 - 27,5 triệu đồng/năm (năm ngoái 22 - 25 triệu đồng/năm); chương trình khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh 31,5 triệu đồng/năm; chương trình chất lượng cao 49 - 51 triệu đồng/năm; chương trình tiên tiến kinh tế đối ngoại - quản trị kinh doanh - tài chính ngân hàng 73 - 75 triệu đồng/năm...