Đóng

Thí sinh xét tuyển đại học bằng tổ hợp có Toán và Tiếng Anh bất an, có nhiều phương án để tối ưu cơ hội?

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, đề môn Toán và Tiếng Anh được đánh giá là khó. Việc thí sinh lo lắng đối với các tổ hợp xét tuyển có hai môn này là điều dễ hiểu.

"Em vừa bất an, vừa hoài nghi bản thân"

Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, Nhật Linh (một học sinh lớp 12 ở Vĩnh Phúc) vẫn luẩn quẩn với đề Toán, Anh, lo lắng khi dùng tổ hợp D01 có hai môn này để xét tuyển đại học. Em liên tục truy cập vào các hội nhóm trên mạng xã hội để cập nhật tình hình và đọc chia sẻ của các bạn. Khi thấy các bài viết than "đề tiếng Anh khó ngang IELTS Reading" hay "đề dài, học thuật", Linh lại đọc các bình luận để xem có nhiều bạn làm bài kém hơn kỳ vọng như mình không.

"Em thất vọng nhất với Tiếng Anh", Linh chia sẻ trên VnExpress. "Đặt mục tiêu 9 điểm nhưng có thể em chỉ đạt gần 7".

Môn Toán cũng chỉ ở khoảng 6,5 khiến Linh càng lo, bởi hai trường em quan tâm là Học viện Ngân hàng và Đại học Thương mại có điểm chuẩn năm ngoái theo tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh) ở mức 25-27 điểm.

"Em vừa bất an, vừa hoài nghi bản thân. Không biết liệu đề khó chung hay chỉ một nhóm như em làm bài kém", Linh bày tỏ.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa

Chung tâm trạng trên, em Trần Phạm Hữu Hào, học sinh trường THPT Tam Phú, TP HCM, thi hai môn tự chọn là Hóa và Tiếng Anh, định dùng tổ hợp D01 và D07 (Toán, Hóa, Anh) xét tuyển ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, trường Đại học Giao thông Vận tải TP HCM. Điểm chuẩn theo điểm thi tốt nghiệp của ngành này hai năm qua khoảng 24-25, nên Hào cũng đặt mục tiêu đạt trên 24. Thế nhưng, nam sinh nhẩm tính chỉ đạt khoảng 7 điểm ở cả hai môn.

"Để đạt 24 điểm, em phải đạt 10 Văn. Đó là chuyện không tưởng", Hào lo lắng.

Nhìn nhận phổ điểm tổ hợp D01 có thể giảm chung, song Đỗ Khánh Linh, học sinh ở Hà Nội, lại có mối lo khác. "Em lo bị thiệt thòi khi các trường xét cùng thí sinh theo A00 (Toán, Lý, Hóa) bởi nhiều thầy cô nhận định đề Lý, Hóa dễ đạt điểm cao hơn Văn, Anh", Khánh Linh nói. "Các ngành khối kinh tế em đang hướng tới đều như vậy".

Năm nay, môn Toán và Tiếng Anh xuất hiện trong nhiều tổ hợp xét tuyển đại học.

Đối với môn Toán, ngoài ba tổ hợp quen thuộc như A00, A01, B00, thì môn này còn có trong hàng loạt tổ hợp xét tuyển khác từ A00 đến A18; B00 đến B08; D01 đến D08; D17 đến D35; D84 đến D99.

Môn Tiếng Anh cũng xuất hiện trong nhiều tổ hợp như D01, A01, B08; D07 đến D15… Đặc biệt, Toán và Tiếng Anh là 2 môn trong tổ hợp A01 (Toán - Vật Lý - Tiếng Anh) và D01 (Toán - Ngữ văn - Tiếng Anh) được nhiều trường dùng xét tuyển. 

Vẫn có nhiều phương án để tối ưu cơ hội

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, đề môn Toán và Tiếng Anh, đặc biệt môn Tiếng Anh được đánh giá là khó. Vậy nếu thí sinh sử dụng hai môn này để xét tuyển thì có thiệt thòi? 

Chia sẻ trên Dân Trí, ThS Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) cho rằng thí sinh lo lắng nhiều cho các tổ hợp môn xét tuyển có toán, tiếng Anh cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, bà khuyên thí sinh nên bình tĩnh theo dõi kết quả thi, bởi nhiều chuyên gia dự đoán điểm chuẩn chung cũng có khả năng giảm.

Song song đó, các em cần xem xét thêm việc đăng ký các phương thức xét tuyển dự phòng như xét học bạ, xét tuyển theo phương thức riêng của các trường, đồng thời tìm hiểu điểm chuẩn của ngành học mình yêu thích.

“Dựa vào nhiều yếu tố phân tích trên, các em nên chọn nguyện vọng phù hợp, vừa sức, tối ưu trúng tuyển vào ngành học mình mong muốn. Năm nay, điểm chuẩn quy đổi về cùng thang điểm ở tất cả các phương thức mà các trường áp dụng nên tính cạnh tranh cũng sẽ không chênh lệch nhiều như các năm”, bà Ngọc Bích chia sẻ.

Phụ huynh, thí sinh nghe tư vấn tuyển sinh đại học 2025 (Ảnh: UEF).

TS Mai Đức Toàn cũng trấn an thí sinh vì vẫn có nhiều phương án để tối ưu cơ hội vào đại học. Ông cho rằng điểm mới của tuyển sinh năm nay là mở rộng tổ hợp xét tuyển, không còn giới hạn tối đa 4 tổ hợp cho một ngành như trước. Đây là hướng đi linh hoạt hơn, tạo điều kiện cho thí sinh lựa chọn tổ hợp có điểm cao nhất để xét tuyển.

Do đó, để tăng khả năng trúng tuyển, chuyên gia tuyển sinh khuyến nghị thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn 3 năm gần nhất của các ngành, các trường đang có nguyện vọng đăng ký.

Ngoài ra, các em hãy đọc kỹ Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và Đề án tuyển sinh của các trường. Mỗi năm có thể có những điều chỉnh nhỏ, đặc biệt là quy chế năm 2025 đã có nhiều điểm mới đáng chú ý nên thí sinh hiểu về các thông tin về mã ngành, mã trường, tổ hợp xét tuyển, phương thức xét tuyển và các điều kiện phụ (nếu có) của ngành/trường bạn quan tâm. Từ đó, các bạn đối chiếu với mức điểm dự kiến của bản thân để chọn tổ hợp và ngành có độ lệch điểm phù hợp. 

Tuy nhiên, ông Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) lại cho rằng, thí sinh xét tuyển tổ hợp có 3 môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh ít nhiều thiệt thòi vì 2 môn Toán, Tiếng Anh đều khó, nhất là môn Tiếng Anh, thông tin từ Vietnamnet. 

Trong đó, tổ hợp có 2 môn Toán và Tiếng Anh sẽ bị thiệt hơn các tổ hợp chỉ có một môn Toán (như Toán, Lý, Hoá) bởi đề thi môn Lý, Hoá dễ hơn nên khả năng tổ hợp có 2 môn này có mặt bằng điểm xét tuyển sẽ cao hơn.

“Dù đề khó là khó chung, nhưng với tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), chỉ có môn Toán được đánh giá là khó. Nên các thí sinh dùng tổ hợp D01 xét tuyển sẽ bị thiệt nếu xét chung với các tổ hợp khác mà không có điều chỉnh chênh lệch điểm chuẩn”, ông Tiến nêu. 

Ông Tiến cho rằng, để đảm bảo công bằng cho thí sinh và giúp trường chọn được các em có học lực tốt, các trường nên tham khảo phổ điểm thi tốt nghiệp THPT của Bộ để phân tích đánh giá và điều chỉnh mức chênh lệch điểm chuẩn giữa các tổ hợp xét tuyển. 

Tin nổi bật