VOV đưa tin, chị N.H.N (quê An Giang) từng làm việc trong ngành spa, nhập cấp cứu tại Bệnh viện JW Hàn Quốc TP.HCM trong tình trạng vùng đùi phải hở toác, rỉ mủ nặng mùi, lộ bó cơ bị hoại tử.
Theo lời kể, chị bắt đầu tiêm filler toàn thân từ hơn 7 năm trước, sử dụng sản phẩm mua qua mạng, được quảng cáo là “collagen châu Âu”, “tiêm đến đâu, đẹp đến đó”. Không có chuyên môn y khoa, chị tự tiêm hoặc nhờ bạn bè tiêm tại nhà.
Nhiều năm sau, khi chị đang du lịch tại Dubai vào đúng thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, cơ thể chị xuất hiện hàng loạt ổ áp xe, sưng đau toàn thân, mưng mủ và sốt cao.
Các bác sĩ tại Dubai chẩn đoán nhiễm virus lạ và phải mổ khẩn cấp để cứu mạng. Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự được xác định là do filler không rõ nguồn gốc tiêm trước đó.
Nữ bệnh nhân đang được chăm sóc chờ phục hồi. Ảnh: VOV
Kể từ đó, chị bước vào hành trình điều trị kéo dài với hơn 60 ca mổ lớn nhỏ tại nhiều quốc gia, nhằm cắt lọc, khâu vá và dẫn lưu mủ. Gia đình cho biết bệnh nhân nhiều lần hoảng loạn tâm lý, mất kiểm soát hành vi, trở nên khép kín vì mặc cảm với các vết sẹo chằng chịt trên cơ thể.
Gần đây, vùng đùi phải tái phát viêm nhiễm. Bệnh nhân từng mổ nạo áp xe tại một cơ sở y tế nhưng vết thương tiếp tục đau đớn nên được đưa đến cấp cứu.
TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung - Tổng giám đốc Bệnh viện JW Hàn Quốc cho biết, bệnh nhân bị hoại tử toàn bộ mô mềm vùng đùi, da bị xé toạc, filler ăn sâu như tổ ong, dính chặt vào từng lớp cơ.
Ekip gồm nhiều chuyên khoa đã mổ khẩn suốt 5 giờ, lấy ra gần 4 lít dịch mủ, mô hoại tử. Sau mổ, bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh mạnh, hút áp lực âm và công nghệ Plasma lạnh hỗ trợ hồi phục.
Theo bác sĩ Tú Dung, filler không rõ nguồn gốc tiêm với liều lượng lớn vào vùng mông, đùi, ngực... có thể gây nhiễm trùng lan tỏa, tắc mạch, hoại tử và thậm chí tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo người dân làm đẹp phải đặt an toàn lên hàng đầu. Mỗi mũi tiêm nếu sai lầm, không chỉ để lại sẹo, mà có thể đánh đổi cả chức năng sống hoặc một phần cơ thể vĩnh viễn.
Báo Tin Tức và Dân Tộc đưa tin, ngày 7/7, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, các bác sĩ của bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép thận đặc biệt cho bé gái 11 tuổi ngụ tại Lâm Đồng. Đây là trường hợp suy thận mạn giai đoạn cuối do hội chứng thận hư kháng thuốc có đột biến gen ức chế khối u Wilms-1 (WT1) hiếm gặp.
Theo thông tin từ bệnh viện, từ đầu năm 2020, bệnh nhi bắt đầu có dấu hiệu sưng mắt hai bên sau khi ngủ dậy. Ban đầu, gia đình cho rằng đây chỉ là hiện tượng bình thường khi trẻ con khóc hoặc ngủ dậy nên chưa đưa trẻ đi khám. Tuy nhiên, tình trạng sưng mắt ngày càng tăng khiến gia đình lo lắng và đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để khám.
Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc hội chứng thận hư kháng thuốc, không đáp ứng điều trị với các thuốc ức chế miễn dịch điều trị thông thường dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Bệnh nhi phải chạy thận nhân tạo chu kỳ 3 lần mỗi tuần tại Bệnh viện Nhi đồng 2, sau đó chuyển qua thẩm phân phúc mạc.
Các bác sĩ thực hiện ca ghép thận cho bệnh nhi. Ảnh: Báo Tin Tức và Dân Tộc
PGS.TS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh - Trưởng Khoa Thận nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: “Nếu không được thay thận, bệnh nhân sẽ phải sống phụ thuộc vào chạy thận hoặc thẩm phân phúc mạc suốt đời, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, khiến trẻ không thể đến trường học tập, vui chơi như bạn bè cùng trang lứa, đồng thời ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình bệnh nhi do bố mẹ phải nghỉ việc đưa trẻ đi chạy thận”.
Trường hợp của bệnh nhi đã được đưa ra hội chẩn tại Hội đồng Ghép thận của bệnh viện. Do tiên lượng xa của ghép thận rất khác nhau trên trẻ hội chứng thận hư kháng corticoid có đột biến gen WT1 và không đột biến gen WT1. Hội đồng đã quyết định phẫu thuật ghép thận cho bệnh nhi, xác định rõ các yếu tố nguy cơ và lên các bước phẫu thuật cụ thể cho bệnh nhi này.
Ngày 1/7, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiến hành ghép thận trái từ người cho sống là mẹ ruột của bệnh nhi vào hố chậu phải, đồng thời cắt thận phải tận gốc cho bệnh nhi. Đây là ca ghép thận đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 2 cho trẻ bị suy thận mạn giai đoạn cuối có đột biến gen WT1 hiếm gặp.
Bác sĩ CKII Đặng Xuân Vinh - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, đây là một ca phẫu thuật ghép thận phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của ekip phẫu thuật và các chuyên khoa. Trước đây, những bệnh nhi đã từng được ghép thận không cần phải cắt thận tận gốc nhưng đối với trường hợp bệnh nhi này, ekip phẫu thuật đã tiến hành cùng một lúc cắt thận phải tận gốc và cấu trúc giống mô tinh hoàn (bị loạn sản) bên phải trước để tránh nguy cơ ung thư hóa thận và tuyến sinh dục do đột biến gien WT1, sau đó tiến hành ghép thận mới cho bệnh nhi.
“Nhằm rút ngắn thời gian phẫu thuật, hạn chế nguy cơ biến chứng kéo dài, ekip thống nhất thực hiện cắt bỏ thận phải và tuyến sinh dục bên phải trước, còn thận trái và tuyến sinh dục trái sẽ được xử lý ở giai đoạn sau, khi bệnh nhi đã ổn định sau ghép thận”, bác sĩ CKII Đặng Xuân Vinh thông tin thêm.
Hiện tại, sau 7 ngày ghép thận, bệnh nhi tạm thời ổn định và ăn uống bình thường. Bệnh nhi tiếp tục được theo dõi tại Khoa Thận nội tiết. Dự kiến bệnh nhi sẽ được xuất viện trong thời gian tới. Khi trẻ đến tuổi dậy thì sẽ được dùng hormone testosterone thay thế để giúp trẻ phát triển các đặc tính sinh dục thứ phát và nâng cao chất lượng sống cho trẻ.
Theo Thời báo VTV, mới đây, khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận ông N.P.T (66 tuổi, ở Hà Nội) trong tình trạng nguy kịch: hôn mê sâu, không bắt được mạch và huyết áp, đồng tử giãn đều 5mm, không phản xạ ánh sáng. Trên cơ thể bệnh nhân có nhiều vết cháy ở gối, mu tay, quanh rốn và đầu dương vật – dấu hiệu điển hình nghi do điện giật.
Người nhà cho biết, trước đó khoảng 15 phút, bệnh nhân đang sửa bồn nước trên tầng thượng thì bất ngờ mất ý thức. Dù không ai chứng kiến trực tiếp nhưng các dấu hiệu lâm sàng cho thấy khả năng bệnh nhân ngừng tim do điện giật.
Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã khẩn trương thực hiện cấp cứu ngừng tuần hoàn: ép tim ngoài lồng ngực, tiêm Adrenaline, đặt ống nội khí quản, sốc điện 2 lần. Sau 30 phút cấp cứu tích cực, bệnh nhân đã có mạch trở lại. Tuy nhiên, khí máu cho thấy tình trạng toan chuyển hóa nặng, kali máu cao, bệnh nhân phải duy trì 2 vận mạch do sốc sau ngừng tuần hoàn.
Nhận thấy đồng tử bắt đầu co lại, ekip tiếp tục hồi sức nâng cao: thở máy, lọc máu liên tục và áp dụng hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ não bộ. Hiện tại, bệnh nhân đang được điều trị tích cực.
Bác sĩ thăm khám cho người bệnh. Ảnh: VietnamPlus
ThS.BS Lê Sơn Việt cho biết: "Đây là ca có nguy cơ di chứng thần kinh rất nặng nề sau ngừng tuần hoàn. Tuy nhiên, hiện bệnh nhân đã có tiến triển: đồng tử đã bình thường, xuất hiện phản xạ, ngưng lọc máu và cắt thuốc vận mạch. Chúng tôi sẽ giảm dần thuốc an thần và đánh giá ý thức trong những ngày tới".
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần ngắt hoàn toàn nguồn điện bằng cách tắt cầu dao, aptomat trước khi sửa chữa thiết bị, hệ thống điện. Chỉ thao tác khi tay khô, đứng trên nền khô, dùng dụng cụ cách điện chuyên dụng như găng tay, kìm, tua vít cách điện. Không trèo lên mái nhà, bồn nước hoặc vị trí cao liên quan hệ thống điện nếu chưa đảm bảo an toàn. Thiết bị cũ, hư hỏng hoặc rò rỉ điện cần được kiểm tra, thay thế kịp thời.
Trong tình huống phát hiện người bị điện giật, phải nhanh chóng ngắt điện hoặc dùng vật cách điện để tách nạn nhân, không chạm tay trực tiếp. Gọi cấp cứu 115 ngay, kiểm tra phản ứng và hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực nếu cần và đã được đào tạo kỹ thuật. Nếu nạn nhân còn tỉnh, cần để nằm yên, giữ ấm, không đổ nước lên người bị nạn và hạn chế di chuyển nếu nghi ngờ chấn thương cột sống.