Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, trước khi nhập viện 1 ngày, người phụ nữ 37 tuổi xuất hiện triệu chứng đau bụng dữ dội vùng quanh rốn, kèm theo buồn nôn và nôn. Gia đình đã đưa người bệnh đến cơ sở y tế tuyến dưới thăm khám, sau đó chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ điều trị.
Tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, bệnh nhân được thăm khám, thực hiện chỉ định xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh. Kết quả cho thấy chỉ số mỡ máu và men tụy tăng cao bất thường (mỡ máu cao gấp 37 lần, men tụy tăng cao gấp 2,5 lần bình thường), hình ảnh chụp CT Scanner xác định tình trạng viêm tụy cấp.
Người bệnh được chẩn đoán viêm tụy cấp do tăng mỡ máu, chỉ định điều trị bằng thay huyết tương loại bỏ mỡ máu, truyền dịch, kháng sinh, giảm tiết. Sau 5 ngày điều trị tích cực, sức khỏe người bệnh ổn định, hết đau bụng, các chỉ số xét nghiệm mỡ máu và men tụy trở về ngưỡng bình thường.
Hình ảnh túi huyết tương của bệnh nhân sau khi được thay ra. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Theo Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng – khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, viêm tụy cấp là tình trạng tuyến tụy bị viêm đột ngột, gây ra các triệu chứng đau bụng dữ dội và rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng.
Trong một số trường hợp, viêm tụy cấp có thể diễn tiến rất nhanh, dẫn đến suy đa tạng, nhiễm trùng ổ bụng, sốc nhiễm khuẩn hoặc thậm chí tử vong nếu không được xử trí kịp thời.
Một trong những nguyên nhân phổ biến gây viêm tụy cấp hiện nay là tăng triglycerid máu – tức tình trạng mỡ máu quá cao, đặc biệt thường gặp ở những người ăn uống nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật, lười vận động hoặc có bệnh lý nền như tiểu đường.
Do đó, để phòng ngừa nguy cơ rối loạn mỡ máu và các bệnh lý chuyển hóa, người dân nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, xây dựng chế độ ăn lành mạnh, hạn chế ăn dầu mỡ và duy trì thói quen vận động hàng ngày.
Báo Người Lao Động đưa tin, ngày 3/7, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết sức khỏe bệnh nhi bị thủng dạ dày đã bình phục và được xuất viện sau gần 1 tháng điều trị tích cực.
Trước đó, vào ngày 5/6, bệnh nhi 35 tuần tuổi, nặng 2 kg được bệnh viện tuyến dưới chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị trong tình trạng kém linh hoạt, suy hô hấp nặng.
Qua theo dõi, các bác sĩ nhận thấy trẻ kém đáp ứng điều trị, bụng chướng căng, dịch dạ dày xanh bẩn. Kết quả chụp X-quang cho thấy hình ảnh hơi tự do trong ổ bụng - dấu hiệu đặc trưng của thủng tạng rỗng.
Ngay lập tức, báo động đỏ nội viện được triển khai, ekip Nhi sơ sinh và Ngoại Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã thiết lập đường truyền, thở máy hỗ trợ hô hấp và tiến hành hồi sức tích cực, chỉ định mổ cấp cứu.
Em bé đã bình phục và được xuất viện sau gần 1 tháng điều trị tích cực. Ảnh: Người Lao Động
Sau hơn 90 phút, lỗ thủng dạ dày đã được phát hiện tại đáy vị dạ dày và đã được xử trí khâu kín, làm sạch và dẫn lưu ổ bụng. Bệnh nhi sau mổ được hỗ trợ hô hấp, nuôi ăn tĩnh mạch toàn phần, kháng sinh mạnh, kiểm soát nhiễm trùng và dinh dưỡng.
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho hay việc chẩn đoán và xử trí muộn đối với thủng dạ dày ở trẻ sơ sinh gần như đồng nghĩa với thất bại trong cứu chữa. Vì vậy, các y - bác sĩ đã “chạy đua” bằng cách kích hoạt báo động đỏ nội viện để can thiệp phẫu thuật và đã thành công.
Theo báo Công An Nhân Dân, khoảng 9h15 ngày 30/6, tổ công tác của Đội CSGT đường bộ cao tốc số 2 (Cục CSGT) đang thực nhiệm vụ theo kế hoạch trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thì có một xe khách BKS 15B-041.23 di chuyển lại gần.
Ngay sau đó, tài xế cùng một số hành khách trên xe với tâm trạng lo lắng thông báo về việc có một bé gái biểu hiện sức khoẻ không ổn định, người tím tái, lên cơn co giật và bất tỉnh rất cần được giúp đỡ.
Tình huống nguy cấp, tổ công tác liền báo cáo chỉ huy đơn vị sau đó nhanh chóng đưa cháu bé sang xe tuần tra chuyên dụng để di chuyển nhanh nhất đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Trong quá trình di chuyển, tổ công tác cũng đã điện báo cho bệnh viện biết tình huống khẩn cấp của cháu bé để bệnh viện chủ động chuẩn bị tiếp nhận. Nhờ có sự hỗ trợ nhanh chóng và hiệu quả của tổ công tác CSGT, cháu bé đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.
Chia sẻ về ca bệnh này, bác sĩ CKII Lê Sỹ Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau khi tiếp nhận cháu bé, qua khai thác bệnh sử và dựa trên các dấu hiệu lâm sàng, các bác sĩ sơ bộ nghĩ nhiều đến khả năng cháu bị co giật có thể là bệnh động kinh. Tuy nhiên, cũng cần tiếp tục theo dõi và đánh giá thêm để loại trừ các bệnh lý khác như viêm não màng não, bệnh lý tim mạch, hoặc các rối loạn chuyển hóa.
"Thông thường, các trường hợp co giật có thể gặp cơn giật ngắn, trẻ thường thoát cơn nhanh dưới 1-2 phút thì độ nguy hiểm ít hơn. Còn lại các trường hợp co giật kéo dài trên 5 phút thì độ nguy hiểm tăng lên.
Nếu cấp cứu không kịp thời rất dễ dẫn đến tình trạng thiếu oxy não kéo dài, gây tổn thương não, thậm chí ngừng tim, ngừng hô hấp. Nếu có cấp cứu thành công thì hậu quả về trí não cũng sẽ ảnh hưởng xấu sau này", bác sĩ Hùng cho biết.
Ekip cấp cứu đã nhanh chóng cho cháu bé thở oxy, tiếp cận các đường truyền, đánh giá chức năng tim phổi để tiến hành hỗ trợ... nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cháu bé.
Bé gái đã khỏe mạnh và được xuất viện. Ảnh: Công An Nhân Dân
Sau quá trình cấp cứu và điều trị, bé gái đã tỉnh táo, sinh hoạt bình thường. Tiên lượng dài hạn cho sức khỏe của cháu là rất tốt nhờ được cấp cứu kịp thời. Đến ngày 3/7, bé gái đã khỏe mạnh và được xuất viện. Sau khi ra viện, cháu sẽ được các bác sĩ tư vấn, theo dõi và tái khám định kỳ để đảm bảo cháu không bị tái phát cơn.
Bác sĩ Hùng đánh giá cao sự hỗ trợ của các chiến sĩ CSGT đã giúp cháu bé được đưa đến viện trong "thời gian vàng". Việc cấp cứu kịp thời là vô cùng quan trọng, quyết định đến tính mạng và sức khỏe sau này của cháu. Cũng nhờ được cấp cứu kịp thời, cháu bé gần như không có tác động xấu về sức khỏe sau này.
Bác sĩ cũng đánh giá cao sự phối hợp giữa lực lượng CSGT và ngành y tế trong các tình huống cấp cứu khẩn cấp đường phố.
"Chúng tôi cũng xin gửi lời tri ân sâu sắc đến các đồng chí CSGT nói riêng, lực lượng CAND nói chung, các đồng chí thường xuyên có mặt kịp thời khi cần, hỗ trợ các bệnh nhân, người bệnh kịp thời đến các cơ sở y tế.
Vai trò của các anh đã góp phần lớn cho thành công trong điều trị. Hy vọng trong tương lai, ngành Y tế tiếp tục nhận được sự phối hợp giúp đỡ như vậy", bác sĩ Hùng bày tỏ và khẳng định, đây là yếu tố sống còn đối với sự sống của người bệnh được cấp cứu trong "giờ vàng".
Từ trường hợp của bé gái, bác sĩ Hùng cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ nên sát sao với con để phát hiện kịp thời các biểu hiện bất thường của trẻ, nhanh chóng cho con đến bệnh viện khám để bác sĩ đánh giá về tình trạng bệnh. Nếu thấy khó khăn trong chẩn đoán, hãy xin tư vấn các bác sĩ và đến các trung tâm, bệnh viện tuyến cao hơn để chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời.
Trường hợp bất trắc về sức khoẻ trong các tình huống khẩn cấp như đang đi lại trên đường, người bệnh hoặc người thân không ngại ngần mà hãy nhờ trợ giúp từ lực lượng chức năng đang thi hành nhiệm vụ trên tuyến giao thông để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất.