VietNamNet đưa tin, chiều 30/6,hai bệnh nhân 53 tuổi và 52 tuổi ở Đỗ Động (Thanh Oai, Hà Nội - nay là xã Đỗ Động, Hà Nội) đang làm ruộng, bị tia sét đánh. Người chồng kể, ông đang cấy thì bỗng cảm nhận có nguồn điện mạnh từ tia sét đánh xuống ngay bên cạnh nên choáng váng ngã quỵ xuống ruộng.
Một lúc sau định thần lại được, người chồng nhìn sang vợ cũng thấy bà ngã quỵ. May mắn, bệnh nhân tỉnh táo, gọi được những người xung quanh, đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Oai (Hà Nội) cấp cứu. Địa điểm hai bệnh nhân này bị sét đánh cách bệnh viện khoảng 2-3km.
Hai vợ chồng bị sét đánh khi đang làm ruộng. Ảnh minh họa: Statefarm
Ngày 1/7, bác sĩ Nguyễn Văn Cao ở khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc, người trực tiếp cấp cứu cho hai bệnh nhân, cho biết điều lo lắng nhất khi bị sét đánh là bệnh nhân có thể bị rung thất, ngừng tim, mất ý thức, nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong.
Hai bệnh nhân này bị ảnh hưởng bởi nguồn điện dẫn truyền từ tia sét, không trực tiếp đánh vào người nên vẫn tỉnh táo, có triệu chứng tê, đau ở dọc cánh tay bên tiếp xúc nguồn điện do tia sét phóng ra.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các y, bác sĩ đã khẩn trương thực hiện các biện pháp cấp cứu kịp thời như đặt đường truyền, thở oxy, theo dõi dấu hiệu sinh tồn, rối loạn nhịp tim qua monitor, giải thích và trấn an tinh thần bệnh nhân...
Sau khi được cấp cứu, các chỉ số sinh tồn bệnh nhân dần ổn định. Đến sáng 1/7, tình trạng bệnh nhân tiến triển tích cực, không có dấu hiệu rối loạn nhịp tim. Các xét nghiệm máu cơ bản cho kết quả bình thường, tiếp tục được chỉ định chụp CT sọ não đánh giá tổn thương nếu có.
Sét là hiện tượng thời tiết nguy hiểm, có thể gây ra nhiều thiệt hại về người. Khi gặp người bị sét đánh, nếu nạn nhân bị hôn mê, cần kiểm tra xem họ còn thở hay không. Nếu họ ngừng thở, cần tiến hành hồi sinh tim phổi cho nạn nhân ngay lập tức.
Bác sĩ khuyến cáo người dân trong mùa mưa bão hạn chế ra ngoài trời khi trời mưa giông, tìm chỗ trú ẩn an toàn khi gặp mưa giông, tránh xa những nơi trống trải, cây to, cột điện cao thế; không nên trú mưa dưới mái hiên nhà, không đứng thành nhóm đông người gần nhau.
Nếu ở ngoài trời, người dân cần ở vị trí càng thấp càng tốt; tốt nhất nên đứng nhón chân trên mặt đất hoặc ngồi xuống, lấy tay che tai.
Mọi người tuyệt đối không sử dụng các thiết bị điện tử khi trời mưa giông và tắt nguồn điện, ngắt các thiết bị điện trong nhà khi có sấm sét.
Ngày 1/7, bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, nơi đây vừa cứu sống một trẻ bị sốc sốt xuất huyết, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, suy hô hấp nặng, theo báo Pháp Luật TP.HCM.
Bệnh nhi là Đ.T.L.H (5 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước, nay là tỉnh Đồng Nai). Khai thác bệnh sử, ghi nhận trẻ sốt cao liên tục 2 ngày. Đến ngày thứ 3 của bệnh, trẻ biểu hiện đau bụng, ói ra dịch lợn cợn nâu, tiêu phân đen, tay chân lạnh.
Người nhà đưa trẻ nhập bệnh viện địa phương trong tình trạng mạch nhẹ, chi mát, huyết áp tụt. Bác sĩ chẩn đoán trẻ sốc sốt xuất huyết nặng ngày 3.
Bệnh nhi được điều trị tích cực, truyền dịch chống sốc theo phác đồ. Tuy nhiên tình trạng trẻ diễn tiến nặng, biểu hiện suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan mức độ nặng. Trẻ được chuyển Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố tiếp tục điều trị.
Qua gần 10 ngày điều trị, trẻ bình phục dần, cai được máy thở, tỉnh táo, chức năng gan thận trở về bình thường. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM
Tại đây, trẻ được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng ngày 3, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan nặng, suy hô hấp nặng.
Trẻ được tiếp tục truyền dịch cao phân tử, chống sốc với sự hỗ trợ của các phương tiện đo huyết áp động mạch xâm lấn, đo áp lực tĩnh mạch trung ương, đo áp lực bàng quang, dùng các thuốc vận mạch phối hợp.
Trẻ cũng được cho thở áp lực dương liên tục (CPAP), thở máy không xâm nhập, sau đó được đặt nội khí quản thở máy sớm, chọc dò dẫn lưu dịch màng bụng giải áp.
Vì tình trạng trẻ rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hoá nặng nên được truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc, vitamin K1, điều trị hỗ trợ gan.
Kết quả qua gần 10 ngày điều trị, trẻ bình phục dần, cai được máy thở, tỉnh táo, chức năng gan thận trở về bình thường.
Theo bác sĩ Tiến, vào mùa mưa muỗi vằn sinh sôi nảy nở, bệnh sốt xuất huyết tấn công trẻ em cũng như người lớn. Phụ huynh cần lưu ý thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh như diệt muỗi, lăng quăng, dọn dẹp vật chứa nước, ngủ mùng, mặc quần dài, áo tay tránh muỗi đốt.
Khi thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có một trong các dấu hiệu sau cần phải đưa trẻ ngay vào bệnh viện: Bứt rứt, lăn lộn hoặc li bì, lơ mơ, nói sảng; Chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; Đau bụng, ói; Tay chân lạnh; Lừ đừ, nằm một chỗ không chơi hoặc bỏ bú, bỏ ăn uống.
Theo báo Xây Dựng, chiều 1/7, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thông tin về ca bệnh hi hữu. Cụ thể, nam bệnh nhân A.T (30 tuổi, quê Phú Thọ) vừa được phát hiện có sán dây dài 3m ký sinh trong ruột và đại tràng.
Anh T. cho biết, gần một năm nay thường xuyên bị đau bụng khi đi vệ sinh song không đi khám vì nghĩ chỉ là rối loạn tiêu hóa thông thường. Chỉ đến gần đây, tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khám, anh T. mới kinh hãi khi các bác sĩ phát hiện một con sán dây dài hơn 3m đang ký sinh trong ruột và đại tràng của anh. Chia sẻ với bác sĩ, anh T. cho biết có thói quen ăn rau sống và đã lâu không tẩy giun.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền ở Trung tâm Khám chữa bệnh theo yêu cầu và quốc tế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, tùy theo loại sán và mức độ nhiễm, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc đặc hiệu, kết hợp với thuốc xổ để đẩy sán ra ngoài.
Sau điều trị, người bệnh cần được theo dõi bằng xét nghiệm định kỳ trong vài tuần đến vài tháng, nhằm đảm bảo sán đã được loại bỏ hoàn toàn, không còn trứng hoặc đốt sán sót lại trong đường ruột.
Các bác sĩ phát hiện một con sán dây dài hơn 3m đang ký sinh trong ruột và đại tràng của nam bệnh nhân. Ảnh: Báo Xây Dựng
Theo bác sĩ Huyền, sán dây là loại ký sinh trùng có thể tồn tại âm thầm nhiều năm trong cơ thể mà không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Một số bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như đau bụng âm ỉ, đầy hơi, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, sụt cân dù ăn uống bình thường.
Về cơ chế lây nhiễm, theo bác sĩ Huyền, sán dây xâm nhập vào cơ thể người qua đường tiêu hóa, thông qua việc ăn phải ấu trùng hoặc trứng sán trong thực phẩm nhiễm bẩn. Với sán dây bò, nguồn lây chủ yếu là thịt bò tái hoặc chưa nấu chín kỹ.
Nguy hiểm hơn, sán dây lợn không chỉ lây qua thịt nhiễm ấu trùng mà trứng của chúng còn có thể truyền từ người sang người qua đường phân - tay - miệng nếu vệ sinh kém. Khi vào cơ thể, trứng nở thành ấu trùng, xuyên qua thành ruột và có thể di chuyển đến não, mắt, cơ… một biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng.
Bác sĩ Huyền cảnh báo, trứng và ấu trùng sán dây có thể lan truyền qua thực phẩm, nước hoặc đất bị ô nhiễm. Những thói quen ăn uống thiếu an toàn như ăn thịt tái, tiết canh, rau sống không rửa kỹ, uống nước lã hoặc không tẩy giun định kỳ đều làm tăng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.
Mỗi đốt sán dây có thể chứa hàng nghìn trứng. Nếu không điều trị dứt điểm, trứng sẽ tiếp tục phát tán, làm tăng nguy cơ tái nhiễm cho chính người bệnh và cộng đồng.
"Để phòng bệnh, mỗi người cần giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, ăn chín uống sôi, hạn chế ăn thịt tái hoặc rau sống chưa được xử lý kỹ. Đồng thời, nên tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng một lần, đặc biệt với trẻ em, người cao tuổi và người có hệ miễn dịch yếu", bác sĩ Huyền nhấn mạnh.