Đóng

Tin tức đời sống 1/7: Nguyên nhân khiến thận của cô gái 18 tuổi gần như “hóa đá”

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Nguyên nhân khiến thận của cô gái 18 tuổi gần như “hóa đá”; Cứu bé trai sơ sinh nguy kịch vì thủy đậu biến chứng… là những tin tức đời sống mới nóng ngày 1/7.

Nguyên nhân khiến thận của cô gái 18 tuổi gần như “hóa đá”

Theo báo Xây Dựng, bác sĩ CKI Mai Văn Lực ở khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E cho biết, các bác sĩ tại đây mới tiếp nhận bệnh nhân nữ N.V.H (18 tuổi) bị hỏng thận ở tuổi 18. Nữ sinh này nhập viện cấp cứu giữa đêm vì cơn đau dữ dội vùng thắt lưng, buồn nôn, tiểu buốt. 

Kết quả kiểm tra cho thấy, thận của cô bị viêm nặng và xuất hiện nhiều viên sỏi nhỏ, trong đó có viên 4mm làm tắc niệu quản, gây biến chứng khiến mô thận viêm nặng, thận gần như "hóa đá".

Bệnh nhân cho biết bản thân có sở thích ăn mì tôm kéo dài và gần như dùng món này thay cơm; đồng thời, mê trà sữa và lười uống nước lọc.

Bác sĩ Lực cho hay, nguyên nhân gây bệnh cho nữ sinh này đáng tiếc lại xuất phát từ những thói quen ăn uống thường gặp ở nhiều bạn trẻ hiện nay. Chính việc ăn quá nhiều mì tôm có thể tạo nên gánh nặng "khổng lồ" cho thận do mì tôm chứa hàm lượng muối, chất bảo quản và phụ gia cao.

Ngoài ra, việc lạm dụng trà sữa cũng có thể khiến thận phải hoạt động liên tục để lọc và đào thải, làm tăng áp lực lên thận do thức uống này chứa lượng đường cao, nhiều chất béo chuyển hóa và hương liệu.

Kết quả kiểm tra cho thấy, thận của cô gái bị viêm nặng và xuất hiện nhiều viên sỏi nhỏ. Ảnh minh họa: Báo Xây Dựng

Thói quen uống ít nước cũng có thể làm giảm chức năng lọc thải của thận, tạo điều kiện cho cặn khoáng tích tụ lâu ngày thành sỏi. Khi cơ thể không được cung cấp đủ nước, các chất cặn không được đào thải sẽ kết tinh lại trong đường tiết niệu, hình thành sỏi và gây nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Để phòng tránh bệnh lý thận, đặc biệt là sỏi thận ở người trẻ, theo khuyến cáo của bác sĩ Lực, mọi người nên uống đủ nước, ít nhất 2 lít nước mỗi ngày, chia đều trong ngày; hạn chế tiêu thụ quá nhiều mỳ tôm, đồ ăn nhanh; tránh lạm dụng trà sữa và các loại nước ngọt có gas; tăng cường hoạt động thể chất và xây dựng chế độ sinh hoạt hợp lý...

Cứu bé trai sơ sinh nguy kịch vì thủy đậu biến chứng

Theo Thời báo VTV, tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, các bác sĩ vừa cứu sống bé trai 15 ngày tuổi mắc thủy đậu bẩm sinh biến chứng suy hô hấp cấp, viêm phổi nặng và tràn khí màng phổi.

Bé là con sản phụ N.T.H (Nghệ An). Lúc sinh ra, bé khỏe mạnh nhưng khi được một tuần tuổi, mẹ xuất hiện các dấu hiệu thủy đậu, đúng thời điểm trẻ chưa kịp nhận đủ kháng thể từ mẹ. Khi được 15 ngày tuổi, bé sốt cao, bú kém, khó thở, phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Bé được chẩn đoán thủy đậu bẩm sinh, phải thở máy, đặt ống nội khí quản, điều trị kháng sinh, kháng virus, Globulin miễn dịch và dẫn lưu khí màng phổi. Sau 18 ngày điều trị tích cực, bé được cứu sống và xuất viện an toàn.

Các bác sĩ cảnh báo, thủy đậu ở trẻ sơ sinh rất nguy hiểm, dễ biến chứng viêm phổi, viêm não, suy đa cơ quan, có thể tử vong nếu không xử trí kịp thời. Phụ nữ nên tiêm phòng thủy đậu trước khi mang thai ít nhất 1 tháng nếu chưa có miễn dịch. Trong thai kỳ, cần tránh tiếp xúc người bệnh, nhất là gần ngày sinh.

Khi trẻ sơ sinh có dấu hiệu sốt cao, bú kém, nổi mụn nước, khó thở, phụ huynh cần đưa ngay đến bệnh viện, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc bôi hay thuốc hạ sốt không phù hợp. Chủ động tiêm phòng, khám thai đúng lịch và phát hiện sớm bất thường là cách bảo vệ trẻ khỏi biến chứng nguy hiểm của thủy đậu.

Hãi hùng phát hiện giun rồng dài 70cm trong chân

Theo Tuổi Trẻ Online, anh N.X.Q (43 tuổi, ở Yên Bái) kể ban đầu chỉ nghĩ vết sưng đỏ ở chân là nhọt nhưng khi bóp mủ, anh phát hiện một con giun trắng, thân dẹt, dài ngoằng bên trong. Sợ hãi, anh tiếp tục nặn và kéo ra thêm một con giun dài tới 70cm nhưng bị đứt đoạn.

"Có lần tôi tự kéo hết một con, đầu nó còn ngọ nguậy", anh Q. rùng mình. Anh Q. sau đó đến khám tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) và được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh giun rồng - một loại ký sinh trùng hiếm gặp.

Anh Q. cho biết từ nhỏ đã quen ăn gỏi, rau sống và uống nước suối. Hai tháng trước, anh làm thợ xây ở Hà Nội, thấy chân ngứa và sưng. Khi vết sưng mềm ra, anh nặn được mủ và bắt đầu kéo ra những "sợi" dài như mì tôm, thực chất là giun ký sinh.

Nghe tin làng bên cũng có người bị giun rồng, anh Q. mới đi khám. Các bác sĩ siêu âm cho thấy còn nhiều ký sinh trùng khác ẩn dưới da.

Hình ảnh con giun rồng dài được lấy ra từ chân của người bệnh. Ảnh: Tuổi Trẻ Online

Tiến sĩ Trần Huy Thọ - Phó Giám đốc thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ - cho biết việc loại bỏ giun rồng không hề đơn giản vì chúng có thể dài hàng mét và phải kéo dần trong nhiều ngày, thậm chí vài tuần. Người bệnh cần rửa sạch vết thương, sau đó quấn con giun quanh một que để giữ căng và tránh giun chui ngược vào cơ thể.

Nếu giun đứt, phần sót lại có thể gây viêm, nhiễm trùng hoặc tạo áp xe. Trong trường hợp này, bệnh nhân được dùng thêm thuốc kháng viêm, giảm đau, kháng sinh để phòng nhiễm trùng.

Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, giun rồng (Dracunculus sp) từng được Tổ chức Y tế thế giới công nhận đã xóa bỏ ở Việt Nam từ năm 1998. Tuy nhiên từ 2020 đến nay, gần 30 ca bệnh đã xuất hiện trở lại ở nhiều địa phương.

Giun rồng lây qua nguồn nước bị ô nhiễm, chứa bọ chét mang ấu trùng. Khi vào cơ thể, giun trưởng thành có thể ký sinh dưới da, gây ngứa, mẩn đỏ, đau đớn dữ dội khi chui ra ngoài.

Hiện Việt Nam chưa có thuốc đặc hiệu hay vaccine phòng ngừa bệnh này, chủ yếu điều trị triệu chứng và lấy giun ra khỏi cơ thể.

Bác sĩ Thọ cảnh báo giun rồng có thể gây biến chứng nặng nếu không phát hiện và xử lý kịp thời. Người bệnh nên tuyệt đối không cho vết thương tiếp xúc với nguồn nước sinh hoạt, đồng thời đến cơ sở y tế chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị đúng cách.

Ngoài ra, cộng đồng cần giữ vệ sinh nguồn nước, ăn chín, uống chín để phòng tránh nhiễm ký sinh trùng. "Dù giun rồng ít gây tử vong, nhưng có thể khiến người bệnh đau đớn kéo dài, ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt và sức khỏe", bác sĩ Thọ nói.

Tin nổi bật