Đóng

Tin tức đời sống 3/7: Toàn thân nổi mẩn đỏ, tức ngực sau khi tự ý dùng thuốc trị đau khớp

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Toàn thân nổi mẩn đỏ, tức ngực sau khi tự ý dùng thuốc trị đau khớp; Đại tiện ra máu suốt 2 tháng, đi khám nhận tin bất ngờ… là tin tức đời sống mới nóng ngày 3/7.

Toàn thân nổi mẩn đỏ, tức ngực sau khi tự ý dùng thuốc trị đau khớp

Theo chuyên trang Pháp Luật & Xã Hội, bệnh nhân D.T.T (71 tuổi, trú tại phường Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) vốn có tiền sử dị ứng thời tiết, dị ứng thuốc và đang sống chung với hai bệnh mạn tính là tăng huyết áp và đái tháo đường.

Gần đây, khi xuất hiện triệu chứng đau nhức xương khớp ngày càng nhiều, bệnh nhân không đến bệnh viện để được thăm khám mà tự ý mua thuốc về sử dụng. Không lâu sau đó thì xuất hiện các triệu chứng bất thường và phải nhập viện trong tình trạng phản vệ độ II.

Người nhà đã đưa bệnh nhân đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí trong tình trạng toàn thân nổi mẩn đỏ, hai mắt sưng nề, tức ngực và khó thở nhẹ. Các bác sĩ nhanh chóng xác định đây là một trường hợp phản vệ do thuốc và lập tức xử trí cấp cứu theo đúng phác đồ. Nhờ được can thiệp kịp thời, tình trạng bệnh nhân nhanh chóng cải thiện, sức khỏe ổn định và sau đó đã được xuất viện.

Nhờ được can thiệp kịp thời, tình trạng bệnh nhân nhanh chóng cải thiện, sức khỏe ổn định và sau đó đã được xuất viện. Ảnh: Pháp Luật & Xã Hội

Theo ThS.BS Dương Đức Mạnh - Phó Trưởng khoa Cấp cứu, phản vệ là phản ứng dị ứng nghiêm trọng, xảy ra đột ngột và có thể dẫn đến tử vong chỉ sau vài phút nếu không được cấp cứu đúng cách.

Điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng người dân tự ý mua và sử dụng thuốc không theo đơn đang trở nên phổ biến. Việc tìm kiếm thuốc trên mạng, dùng theo lời mách bảo hoặc truyền miệng từ người khác, thậm chí dùng thuốc không rõ nguồn gốc, không chỉ khiến việc điều trị thiếu hiệu quả mà còn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tính mạng. Không ít trường hợp đã ghi nhận biến chứng nặng do dùng sai thuốc, từ tổn thương gan, thận cho đến ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh, hô hấp.

Các bác sĩ khuyến cáo, bất kỳ ai sau khi dùng thuốc mà có biểu hiện bất thường như phát ban, nổi mề đay, buồn nôn, khó thở hay tụt huyết áp cần ngay lập tức đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Việc dùng thuốc không thể xem nhẹ, đặc biệt với những người lớn tuổi, có tiền sử dị ứng hoặc bệnh nền như cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận... Việc tự ý điều trị có thể khiến một tình trạng bệnh đơn giản như đau nhức xương khớp biến thành một biến cố y khoa nghiêm trọng.

Do đó, người dân cần từ bỏ thói quen tự mua thuốc điều trị và nâng cao ý thức trong việc khám bệnh, dùng thuốc đúng chỉ định, đúng liều lượng theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Đại tiện ra máu suốt 2 tháng, đi khám nhận tin bất ngờ

Theo VietNamNet, bà H.T.L (70 tuổi, ở tỉnh Long An, nay là tỉnh Tây Ninh) từng bị tình trạng đại tiện ra máu kéo dài trong 2 tháng nên nghĩ mình mắc bệnh trĩ. Sau đó, bà được chẩn đoán mắc polyp trực tràng tại một cơ sở y tế địa phương và điều trị bằng thuốc tại nhà. Sau một thời gian, triệu chứng tạm ngưng, khiến bà nghĩ bệnh đã khỏi.

Khi triệu chứng tái phát và kéo dài, bà quyết định đến bệnh viện để kiểm tra kỹ lưỡng hơn. Kết quả nội soi đại tràng cho thấy một khối u ở 1/3 giữa - dưới trực tràng. Các xét nghiệm hình ảnh như chụp CT và MRI xác nhận khối u đã di căn đến hạch chậu, cho thấy bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn.

Sau khi hội chẩn, ekip quyết định phẫu thuật cắt bỏ khối u và nạo vét hạch chậu, kết hợp với phác đồ hóa xạ trị bổ trợ sau mổ. Ca phẫu thuật sử dụng kỹ thuật nội soi qua cả đường bụng và hậu môn, giúp rút ngắn thời gian mổ xuống còn khoảng 3 giờ, so với 8 giờ như các phương pháp truyền thống. Kỹ thuật này sử dụng vết mổ nhỏ khoảng 10mm, ít xâm lấn, hỗ trợ bệnh nhân hồi phục nhanh hơn.

Hiện tại, bà L. đã có thể ăn uống, đi lại và sinh hoạt bình thường, không còn triệu chứng đại tiện ra máu. Phác đồ điều trị bổ trợ tiếp theo được kỳ vọng sẽ cải thiện cơ hội sống sót lâu dài.

Nữ bệnh nhân sau ca phẫu thuật. Ảnh: VietNamNet

Theo bác sĩ Phan Văn Sơn - chuyên khoa Ngoại Tiêu hóa - Gan mật tụy, người điều trị cho bà L., ung thư đại trực tràng có tiên lượng tốt nếu được phát hiện và điều trị sớm. Ở giai đoạn đầu, tỷ lệ sống trên 5 năm có thể đạt cao, nhưng khi bệnh đã di căn, con số này giảm mạnh xuống dưới 10%.

Triệu chứng của ung thư đại trực tràng, như đại tiện ra máu, rối loạn tiêu hóa hoặc đau bụng, thường không đặc hiệu và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý lành tính. Điều này khiến nhiều người chậm trễ trong việc thăm khám, dẫn đến phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, khi các lựa chọn điều trị bị hạn chế và nguy cơ biến chứng tăng cao.

Để giảm thiểu rủi ro, bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người trên 45 tuổi, nên thực hiện nội soi đại trực tràng định kỳ mỗi 5-10 năm, ngay cả khi không có triệu chứng. Đối với những người có dấu hiệu bất thường như đại tiện ra máu, thay đổi thói quen đi tiêu, đau bụng kéo dài, việc thăm khám kịp thời rất cần thiết.

Tầm soát định kỳ không chỉ giúp phát hiện sớm ung thư mà còn có thể phát hiện các tổn thương tiền ung thư, từ đó can thiệp kịp thời để ngăn chặn bệnh tiến triển.

Việc phát hiện muộn không chỉ làm giảm hiệu quả điều trị mà còn gia tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng. Ngược lại, tầm soát và chẩn đoán sớm có thể mang lại cơ hội điều trị triệt để, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân. Do đó, nâng cao nhận thức về ung thư đại trực tràng và khuyến khích thăm khám định kỳ là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Người đàn ông bị sốc phản vệ nguy kịch do bị ong vò vẽ đốt

Theo VTC News, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam thông tin vừa cấp cứu thành công trường hợp sốc phản vệ nguy kịch do bị ong vò vẽ đốt. Bệnh nhân là ông N.T.D. (68 tuổi, trú xã Đức Phú, TP.Đà Nẵng).

Trước đó, khoảng 15h30 ngày 26/6, ông D. được người nhà đưa đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, trong tình trạng mặt sưng phù, co giật, khó thở, tức ngực, mệt mỏi, mạch nhanh và sưng vết đốt.

Qua khai thác bệnh sử và thăm khám, các bác sĩ xác định ông bị sốc phản vệ độ 3 do ong vò vẽ đốt. Các bác sĩ tiêm thuốc chống sốc, truyền dịch, thở oxy và theo dõi sát các chỉ số sinh tồn.

Tuy nhiên, chỉ sau khoảng thời gian ngắn, tình trạng của bệnh nhân chuyển biến xấu nhanh chóng: Hôn mê, suy hô hấp. Ông D. lập tức được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực - chống độc để đặt ống nội khí quản, truyền nhanh dịch, sử dụng thuốc vận mạch và điều trị chuyên sâu.

Tại đây, các bác sĩ xác định ông D. có biểu hiện suy tim, suy thận cấp và hội chứng hủy cơ vân, tình trạng phân hủy cơ nghiêm trọng dẫn đến rối loạn điện giải, đe dọa tính mạng. Phác đồ điều trị tích cực được triển khai là lọc máu liên tục kết hợp lọc hấp phụ nhằm loại bỏ độc chất do nọc ong gây ra.

Người đàn ông bị sốc phản vệ nguy kịch do bị ong vò vẽ đốt. Ảnh: VTC News

Sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo, tự thở và được rút ống nội khí quản. Ngày 1/7, ông D. được chuyển sang khoa Bệnh nhiệt đới để tiếp tục theo dõi và phục hồi.

“Lúc chặt cây ở sau nhà, động tổ ong vò vẽ. Cả đàn ong lao vào đốt khiến tôi choáng váng rồi ngất đi. Giờ tỉnh lại, tôi biết ơn các bác sĩ đã cứu sống mình”, ông D. chia sẻ.

Bác sĩ Vũ Phan Thiên Ân ở khoa Hồi sức tích cực - chống độc, cho biết sốc phản vệ là tình trạng dị ứng cấp tính nghiêm trọng, có thể gây tử vong nếu không xử trí kịp thời. Với trường hợp bị sốc phản vệ do ong đốt, nếu đến viện muộn hơn hoặc xử lý không đúng cách, hậu quả sẽ rất khó lường.

Tin nổi bật