Đóng

Tin tức đời sống 7/7: Người đàn ông nằm bất động, không tỉnh táo sau cú ngã lúc dọn nhà

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Người đàn ông nằm bất động, không tỉnh táo sau cú ngã lúc dọn nhà; Cứu bé trai nặng 83kg sốc sốt xuất huyết nặng… là tin tức đời sống mới nóng ngày 7/7.

Người đàn ông nằm bất động, không tỉnh táo sau cú ngã lúc dọn nhà

Theo báo Dân Trí, buổi sáng hôm xảy ra sự việc, ông Đ.T.S. (65 tuổi, ngụ TP.HCM) bước xuống cầu thang để lau dọn nhà thì bất ngờ bị trượt chân và té sấp, đập mạnh vùng ngực bụng xuống sàn.

Sau tai nạn, ông nằm bất động trong trạng thái đau đớn toàn thân, tri giác lơ mơ, không tỉnh táo. Phát hiện sự việc, ông được người nhà khẩn trương đưa đến bệnh viện cấp cứu. 

Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ khoa Cấp cứu đã nhanh chóng hồi sức và cho người bệnh chụp CT bụng kiểm tra. Kết quả ghi nhận bệnh nhân bị xuất huyết nội vùng bụng do rách mạch máu mạc treo ruột non.

Cuộc hội chẩn khẩn cấp đã được diễn ra với sự tham dự của các bác sĩ khoa Cấp cứu và Ngoại Tiêu hóa Gan Mật Tụy. Ekip điều trị quyết định thực hiện mổ cấp cứu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người bệnh.

Sức khỏe người bệnh hiện đang dần hồi phục. Ảnh: Dân Trí

Quá trình mổ, các bác sĩ đã mở bụng thám sát, ghi nhận ổ bụng có nhiều máu tươi và máu cục, nên tiến hành hút 1,5 lít máu trong ổ bụng. Tiếp sau đó, phẫu thuật viên dò tìm vị trí tổn thương, xác định điểm chảy máu ở mạc treo ruột non, nhanh chóng khâu lại vết rách rồi đóng bụng.

Người bệnh được kết hợp truyền 2 lít máu và huyết tương tươi đông lạnh nhằm giữ huyết áp ổn định. Chỉ trong vòng 45 phút kể từ lúc nhập viện, bệnh nhân đã được xử trí thành công.

Sau phẫu thuật, ông S. được chuyển về khoa Ngoại Tiêu hóa Gan Mật Tụy để tiếp tục theo dõi và điều trị. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đang dần hồi phục, có thể ăn uống, cử động tại giường và được hướng dẫn tập luyện vận động. 

ThS.BS Phan Trung Hiếu - thành viên ekip phẫu thuật cho biết, đây là trường hợp chấn thương bụng kín do lực tác động bên ngoài, làm căng giãn đột ngột mạc treo ruột non, dẫn đến mạch máu ở mạc treo bị rách khiến máu chảy ồ ạt trong ổ bụng, người bệnh rơi vào tình trạng sốc mất máu.

Nhờ sự phối hợp khẩn trương và nhịp nhàng giữa các chuyên khoa Cấp cứu, Gây mê hồi sức, Ngoại tiêu hóa Gan Mật Tụy, cùng sự chẩn đoán đúng đã giúp ekip tiếp cận tổn thương nhanh chóng, kịp thời cứu người bệnh khỏi cơn nguy kịch.

Cứu bé trai nặng 83kg sốc sốt xuất huyết nặng

Tạp trí Tri Thức dẫn thông tin từ bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết bệnh nhân là T.N.M.Kh., sốt cao liên tục suốt 3 ngày. Đến ngày thứ 4, trẻ bắt đầu đau bụng, nôn ra dịch nâu, tay chân lạnh nên được đưa đến bệnh viện.

Tại đây, bé được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng (N4), rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, suy hô hấp trên nền cơ địa béo phì. Cân nặng của bệnh nhi lên tới 83 kg, trong khi mức trung bình ở lứa tuổi này chỉ khoảng 34-36 kg.

Bác sĩ phải điều chỉnh cân nặng để tính liều dịch truyền và thuốc phù hợp, truyền dịch cao phân tử, albumin, dùng thuốc vận mạch phối hợp, theo dõi sát các thông số xâm lấn như huyết áp động mạch, áp lực tĩnh mạch trung ương, áp lực bàng quang.

Bệnh nhi còn được hỗ trợ thở áp lực dương liên tục, thở máy không xâm nhập. Tình trạng rối loạn đông máu và xuất huyết tiêu hóa được xử trí bằng truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc và vitamin K1, đồng thời điều trị hỗ trợ chức năng gan. Sau gần 7 ngày điều trị, trẻ đã tỉnh táo, tự thở khí trời, chức năng gan thận hồi phục bình thường.

Sau gần 7 ngày điều trị, bệnh nhi đã tỉnh táo, tự thở khí trời, chức năng gan thận hồi phục bình thường. Ảnh: Tri Thức

Theo bác sĩ Tiến, trẻ béo phì là nhóm nguy cơ diễn tiến sốt xuất huyết nặng, thường gặp biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan thận, khiến việc điều trị trở nên khó khăn. Ngoài trẻ béo phì, nhóm trẻ nhũ nhi, bệnh nhi rơi vào sốc sớm (ngày thứ 3-4 của bệnh) hoặc có tình trạng cô đặc máu nhiều cũng dễ diễn tiến nặng.

Bệnh viện khuyến cáo phụ huynh đưa trẻ đi khám sớm khi trẻ sốt trên 2 ngày và có các dấu hiệu nguy hiểm như bứt rứt, lăn lộn, li bì, lơ mơ, nói sảng; chảy máu cam, chảy máu chân răng, ói ra máu, tiêu phân đen; đau bụng, nôn ói; tay chân lạnh; lừ đừ, bỏ ăn, bỏ bú, ít chơi.

Hiện nay, vaccine phòng sốt xuất huyết đã có cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn. Bác sĩ Tiến cũng khuyến cáo cha mẹ cho con ăn uống theo chế độ dinh dưỡng hợp lý để tránh dư cân béo phì, vì béo phì không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh mà còn khiến điều trị sốt xuất huyết phức tạp hơn.

Phẫu thuật cắt nối khí quản cho người phụ nữ có khối u tuyến giáp ác tính

Thời báo VTV đưa tin, ngày  6/7, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng thông tin, các bác sĩ khoa Ung bướu Tổng hợp vừa tiến hành phẫu thuật thành công một trường hợp cắt nối khí quản cho bệnh nhân T.T.P (71 tuổi, quê ở Bình Định, nay là tỉnh Gia Lai) có khối ung thư tuyến giáp xâm lấn khí quản gây suy hô hấp, ảnh hưởng tính mạng.

Theo Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, đầu năm 2025, bệnh nhân P. bắt đầu xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, khàn giọng, mặc dù đã đi khám nhiều nơi nhưng không phát hiện được nguyên nhân cụ thể. Trước đó, dù từng được chẩn đoán có bướu cổ lành tính nhưng tự ý điều trị bằng thuốc nam và không tái khám định kỳ, bỏ qua các biểu hiện sớm của khối u vùng cổ

Đến tháng 6/2025, tình trạng khó thở từng cơn, nuốt nghẹn, mệt mỏi kéo dài, chán ăn, sụt cân 5kg và mất ngủ thường xuyên khiến người bệnh suy kiệt nhanh chóng. Bệnh nhân được gia đình đưa đến khám tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng vào tháng 6/2025.

Tại đây, sau khi thăm khám lâm sàng kết hợp với các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu, các bác sĩ khoa Ung bướu tổng hợp đã phát hiện khối u tuyến giáp ác tính xâm lấn đường thở và đường ăn của bệnh nhân.

Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT) cho thấy có nhiều khối tổn thương tại tuyến giáp, trong đó có một khối kích thước khoảng 4cm xâm lấn gây bít lấp gần hoàn toàn khí quản. Đáng lo ngại hơn, khối u này còn dính sát vào động mạch cảnh hai bên (mạch máu chính của vùng cổ), làm tăng nguy cơ biến chứng đe dọa đến tính mạng.

Bệnh nhân được theo dõi sát, kết hợp hội chẩn dinh dưỡng và phục hồi chức năng toàn diện sau phẫu thuật. Ảnh: Thời báo VTV

Bệnh nhân được hội chẩn đa chuyên khoa, đồng thuận chỉ định phẫu thuật triệt căn với mục tiêu điều trị tối ưu và giải quyết tình trạng xâm lấn đường thở cho người bệnh. Ca mổ được thực hiện bởi ekip khoa Ung bướu Tổng hợp phối hợp với các bác sĩ khoa Gây mê Hồi sức.

Sau hơn 2 giờ đồng hồ tiến hành phẫu thuật, với đầy đủ phương tiện kỹ thuật cao và chuyên sâu, ekip đã cắt toàn bộ tuyến giáp kèm đoạn khí quản xâm lấn (3 vòng sụn) và tái lập lưu thông đường thở bằng phương pháp nối tận tận khí quản cổ, loại bỏ hoàn toàn các mô xâm lấn và bảo tồn thành công các dây thần kinh thanh quản chi phối giọng nói của bệnh nhân.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được theo dõi sát, kết hợp hội chẩn dinh dưỡng và phục hồi chức năng toàn diện. Sau 3 ngày phẫu thuật, bệnh nhân tự thở tốt, không còn cảm giác khó thở, nói rõ, ăn uống và đi lại bình thường, thể trạng cải thiện đáng kể.

Tin nổi bật