Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Kỳ 6: Ly kỳ chuyện “làng chống cát tặc” và những trận thủy chiến cam go

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Ở các khúc sông bị tàn phá, luôn có những “cuộc chiến” giữa những người nông dân và những kẻ ăn cắp cát.

(ĐSPL) - Ở các khúc sông bị tàn phá, luôn có những “cuộc chiến” giữa những người nông dân và những kẻ ăn cắp cát. Với những người nông dân này, dòng sông không chỉ là ký ức mà nó còn là nguồn sống. Họ sẵn sàng “chiến đấu” với những kẻ hám lợi đã kéo tàu cuốc, vòi rồng đục phá chân đê để bảo vệ làng. Họ chấp nhận... đổ máu.

Mặc người dân đuổi, cát tặc vẫn lì lợm hành nghề.

Thà chết cũng phải đuổi “giặc sông”

Khi chứng kiến hàng chục ha đất bãi bị dòng sông nuốt chửng, cứ nhá nhem tối đến gần sáng, tiếng gầm rú của máy hút cát phá nát không gian yên bình của nhiều vùng quê, người dân thôn Tri Lễ (Hà Thanh, Tứ Kỳ, Hải Dương) hết sức phẫn nộ. Đã từng có một thời, người dân phải tự chống chọi với nạn cát tặc hoành hành bằng cách dựng lều lán, cắt cử người trực cả ngày lẫn đêm ở bờ sông. Sự hung hăng của cát tặc đã khiến người dân nơi đây nhiều lần phải đổ máu, thậm chí phải bỏ mạng để giữ đất, giữ làng. Dân Tri Lễ đã từng thề rằng: “Chết cũng phải đuổi cho kỳ được cát tặc”.

Trong những ngày thực hiện loạt bài này, chúng tôi đã đến làng Tri Lễ. Từ đầu làng cuối xóm, chuyện cát tặc được người dân bàn luận sôi nổi là làm cách nào để chống cát tặc hiệu quả. Từ chuyện nhà nào mất ruộng, lở đất thế nào, rồi đến chuyện làm thế nào chống lại những kẻ “đầu gấu” đe dọa người dân. Những loại tàu khai thác cát vẫn thường lượn lờ “đổ” về sông Luộc, thuộc khu vực làng Tri Lễ hút cát. Khu vực này có những lúc cường độ khai thác rầm rộ, nhiều tàu khai thác cát lên đến 300m3 neo đậu tại đây.

Theo bà con trong thôn tính nhẩm, cứ 3 tiếng khai thác, khúc sông của thôn Tri Lễ mang lại cho “lũ cát tặc” này 8 triệu đồng/tàu. Chính nguồn thu nhập cao và tưởng chừng không hạn chế này, các chủ tàu cùng lũ đầu gấu rất liều lĩnh bất chấp chính quyền địa phương. Tức nước vỡ bờ, người dân nơi đây huy động tất cả những gì mình có để chống lại nạn cát tặc. Dù thời tiết lạnh giá, họ chuẩn bị chăn màn, mỳ tôm cắt cử nhau thâu đêm canh gác sự xâm phạm của "cát tặc". Ông Trần Văn S. (74 tuổi), người thôn Tri Lễ, khẳng khái cho biết, dân sẵn sàng đổ máu để đổi lại sự bình yên của xóm làng.

Những đau thương của người dân Tri Lễ trước nạn cát tặc vẫn chưa thể nguôi ngoai.

Trước kia, khi chính quyền còn chưa có những động thái mạnh mẽ, người dân nơi đây đã từng tổ chức rất bài bản để chống lại sự xâm lấn của cát tặc. “Chiến thuật” được vạch ra theo những nhiệm vụ cụ thể của từng người được phân công. Dọc khúc sông, khi phát hiện tàu hút cát, người được phân công sẽ đánh trống liên tục để cả làng dù đêm hay ngày, già trẻ, trai gái sẽ vác gậy gộc, cuốc xẻng ra bờ sông. Căng thẳng như thể một trận chiến, mọi người đốt rơm cháy ngùn ngụt rồi hô hào, xua đuổi "cát tặc".

Không hề nao núng, biết được khoảng cách từ bờ đê ra giữa sông là rất rộng nên cát tặc vẫn ung dung cho máy nổ hút cát như bình thường. Không chịu được sự lỳ lợm của bọn người ăn trộm cát, bà con còn mua nhiều thuyền thúng, thuyền nan ra tận nơi xua đuổi. Dân thì chống cát tặc, chính quyền xã lại chẳng làm được gì, hết than khó rồi lực lượng mỏng. Khi chúng tôi hỏi, hầu hết đều trả lời rằng, vấn đề này đã được báo cáo lên huyện...(?!).

Súng nổ và máu chảy

Do nguồn lợi nhuận khổng lồ thu được từ việc khai thác cát, rất nhiều những tàu cuốc đã hoạt động “chui”. Cuộc tranh giành khoáng sản cát trên sông Lô ngày càng nóng bỏng. Cuộc chiến với lũ cát tặc vẫn ám ảnh người dân khu 5, thôn Hùng Mạnh, xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, khi chính những người nông dân hiền lành bị cát tặc xả súng tấn công khi ra giữ đất trong đêm 17/10/2012.

Tối đó, thấy nhiều tàu cuốc đang khai thác cát vào khu vực bãi Soi, làm sạt lở đất và ảnh hưởng tới đất nông nghiệp. Người dân khu 5, thôn Hùng Mạnh đã tổ chức cho một số thanh niên cùng Trưởng thôn ra giữ đất. Vì đi đầu cầm đèn pin để soi đường nên anh Nguyễn Văn Tr. (SN 1976) đã bị cát tặc bắn trúng và bị đạn hoa cải găm đầy vào phần bụng, phần đùi phải đi cấp cứu. Anh Nguyễn Xuân T. (SN 1989) cũng bị đạn hoa cải bắn vào gối và bị thương nhẹ, một số người khác may mắn đã chạy thoát. “Cuộc chiến” này của người dân khu 5, không người dân nào thiệt mạng nhưng nó thể hiện sự manh động và hung hãn của cát tặc.

Trước thời điểm dân khu 5 chạm trán với cát tặc, người dân thôn Anh Dũng, xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô cũng bị “cát tặc” nổ súng khiến 4 thanh niên bị thương nặng. Còn rất nhiều những vụ ẩu đả, đấu súng khác vẫn diễn ra bên dòng sông Lô này... Liên quan đến sự việc, cục CSHS xác lập chuyên án 912CT phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ đấu tranh, điều tra làm rõ các ổ nhóm đối tượng liên quan.

Tại đây, lực lượng công an đã bắt quả tang 27 đối tượng đang tham gia khai thác cát trái phép, thu giữ trên tàu 1 khẩu súng, hàng chục dao kiếm các loại. 12 đối tượng liên quan đã bị triệu tập về trụ sở cơ quan công an để điều tra, làm rõ vai trò, xử lý theo quy định pháp luật. Và, khi “ông trùm” Tuấn “Hùng” (tức Vũ Xuân Tuấn, SN 1979, trú tại Việt Trì, Phú Thọ) bị bắt tại Hải Phòng, kẻ đã gây ra vụ đấu súng như phim trên dòng sông Lô. Nhắc đến Tuấn “Hùng”, từ dân cát tặc đến dân xã hội đều biết đây là đối tượng cầm đầu nhóm “bảo kê cát tặc” trên dòng sông Lô thuộc địa phận hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ trước đó.

Tuy vậy, khi Tuấn “Hùng” bị bắt, hàng loạt các đối tượng khác lại tiếp tục nổi lên và khi chúng tôi trở lại Cao Phong, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn có một dãy tàu bè neo đậu dọc bờ sông vươn những vòi bạch tuộc xuống lòng sông hút cát. Dọc bờ sông phía tỉnh Tuyên Quang, bãi Soi Dù Dì thuộc xã Sầm Dương, huyện Sơn Dương đã bị tàu cuốc “móc” cho tan hoang. Có người bảo, giờ lách luật hết, không cho khai thác thì lại được cấp giấy “khai thông dòng chảy”, thế là vô tư hoạt động chẳng ngại gì. Cát vẫn mất, bờ vẫn sạt lở, dân vẫn bất bình. Có người nói, “bảo kê” cho cát tặc phải là “bàn tay to lắm”, chứ đâu chỉ mấy “thằng đầu gấu”, chả thế mà máu của dòng sông vẫn chảy...

Mất mạng vì “chiến đấu” với cát tặc

Tại thôn Tri Lễ, chúng tôi đã ghé qua nhà bà Nguyễn Thị Phao, có con trai là Nguyễn Văn Tr. bị cát tặc đánh chết vào tháng 8/2011. Anh Tr. cũng thuộc nhóm "phản ứng nhanh" của thôn Tri Lễ. Trong một lần đuổi cát tặc, anh đã bị một người trên tàu hất ụp xuống sông, dùng thanh gỗ lớn lao thẳng vào người. Do quá mệt, lại “dính” nhiều vết thương, anh Tr. đã chết đuối, dù biết bơi. Phải nhiều ngày sau, cơ quan chức năng mới tìm được xác anh Tr. để mai táng. Bà Phao khóc nức nở: "Chúng nó thật độc ác! Con tôi có tội gì mà giết nó dã man như vậy! Vậy là nhà tan cửa nát, thằng Tr. chết đi bỏ lại vợ cùng hai con nhỏ. Gia cảnh quá khó khăn, vợ nó đã phải bỏ quê đi làm ô sin. Thân già tôi phải nuôi hai đứa cháu nhỏ, giờ không biết bấu víu vào đâu".

Bắt trùm bảo kê cát tặc Tuấn “Hùng”

Ngày 8/9, Công an tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52, Công an TP. Hải Phòng) bắt giữ Vũ Xuân Tuấn (tức Tuấn “Hùng”, SN 1979, trú tại phường Tân Dân, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) về hành vi cố ý gây thương tích, khi Tuấn đang lẩn trốn tại Hải Phòng. Trùm xã hội đen Tuấn “Hùng” khét tiếng ở địa bàn 2 tỉnh Vĩnh Phúc - Phú Thọ, chuyên bảo kê khai thác cát trên sông Lô và điều hành đường dây cá độ trên mạng, đã bị bắt sau 2 tháng bỏ trốn. Theo tìm hiểu, Tuấn “Hùng” là đối tượng cầm đầu băng nhóm xã hội đen, chuyên bảo kê cho cát tặc và thu “phế” của các doanh nghiệp khai thác cát ở sông Lô, trên địa bàn hai tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Trước khi gây ra vụ việc trên, Tuấn “Hùng” cùng đồng bọn gây ra hàng loạt vụ thanh toán, chém người gây xôn xao dư luận.

Tin nổi bật