(ĐSPL) - Suốt quá trình thực hiện phóng sự, chúng tôi không khỏi thắc mắc, tại sao lực lượng cát tặc trên các tuyến sông lại nhiều như vậy?
Việc hành nghề trên sông nước không chỉ cần sức khoẻ mà cần phải biết quy luật con nước qua từng khúc sông, nhận định nơi nào có nhiều mỏ tài nguyên mới có thể thò vòi xuống hút. Nhưng, thực tế với tiền và quyền lực đen bí ẩn, những “ông trùm hà bá” dễ dàng biến những ngư dân hiền lành có kinh nghiệm sông nước thành... “cát tặc” bất chấp luật pháp và tàn phá môi trường.
Cát tặc bất chấp luật pháp và tàn phá môi trường. (Ảnh minh họa). |
“Quỷ kế” biến ngư dân thành... cát tặc
Cũng như “giang hồ cạn” nhiều khúc sông cũng có những thế lực ngầm bảo kê khác nhau. Mặc dù sông nước nhìn như có vẻ “chẳng” của nhà ai song các đối tượng xã hội đen, hám tiền lắm của, làm giàu bất chính đều nhìn thấy tiền từ từng “xen-ti-mét” sông.
Theo Chung “Bảy”, những năm trước, lực lượng khai thác chưa rầm rộ, nhu cầu khai thác cát chưa nhiều thì những việc khai thác và thăm dò đều dựa vào những kinh nghiệm của những ngư dân từng nhiều năm đi làm sông nước. Những ngư dân hoặc những thuyền buôn chuyến trên sông sẽ có kinh nghiệm về các luồng lạch trên sông, chỗ nào có cồn cát được bồi lấp theo thời gian đều được những ngư dân hay hoa tiêu trên các tàu sông họ đều nắm vững trong lòng bàn tay. Những kinh nghiệm về sông nước của các ngư dân này chính là những “chiếc máy” dò khoáng sản miễn phí mà “đối tượng trùm” khai thác cát hướng tới.
Nắm được các đối tượng ngư dân có kinh nghiệm sông nước, một số kẻ buôn vật liệu xây dựng đã tìm mọi cách để thâu nạp dưới trướng của họ. Chính ngay như Sơn “điếu”, vốn là một tay buôn gỗ dọc theo đường sông Đà từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhờ hoạt động nhiều năm trên sông nên Sơn “điếu” biết được từng luồng, lạch trên từng khúc sông khắp miền Bắc. Sơn “điếu” cũng đã nhiều lần bị các “ông chủ” bãi cát lôi kéo, sẵn sàng đầu tư cả xà lan, máy hút và “cấp” cho cả một đội quân giúp việc. Việc của Sơn “điếu” chỉ là xua quân đi đến các vùng có cát, thò vòi hút ra... tiền. Muốn gần vợ con lên Sơn “điếu” đầu quân cho một ông chủ bãi cát dưới chân cầu Tam Bạc (An Lão, Hải Phòng).
Do có mối quan hệ sông nước và trên bờ khá rộng nên Sơn “điếu” có thể bình tĩnh từ chối. Đối với một số ngư dân, họ khó có thể từ chối trước mãnh lực của đồng tiền hoặc giả như có từ chối, họ cũng hết đường làm ăn bởi các đối tượng làm bến bãi, ngoài tiền ra, họ còn “nuôi” cả một đội quân bảo kê trên khúc sông đó. Việc đi qua và chạm mặt là khó tránh khỏi, do đó từ chối đi làm cát tặc là gần như không thể.
Sơn “điếu” cũng cho biết, trước đây, nếu các thủy thủ tàu cát đi qua khu vực Vạn Điểm (Thường Tín, Hà Nội) thường phải đóng tiền “luật” sông, bãi cho đội Hải Yến và Huyền Hậu. Khu vực này được bảo kê bởi hai “nữ quái hà bá” khu vực này là Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1975, ở xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội) là chủ nhân của bãi tập kết "Hải Yến" và Nguyễn Thị Thanh Huyền (SN 1977, trú ở thôn Đặng Xá, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội) là chủ nhân của bãi tập kết "Huyền Hậu" quản lý.
Nhóm cát tặc do Nguyễn Thị Hải Yến và Nguyễn Thanh Huyền cầm đầu lĩnh án. |
Xét xử “bà trùm” cát tặc Ngày 21/10/2014, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử đối với Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1975, trú ở thôn Tứ Dương, xã Tô Hiệu, Thường Tín, Hà Nội) về tội “vi phạm quy định về khai thác tài nguyên theo Điều 172 BLHS. Đồng phạm của Yến còn có Nguyễn Thị Thanh Huyền (SN 1977, trú ở thôn Đặng Xá, xã Vạn Điểm) cùng huyện Thường Tín. Ngoài ra 10 bị cáo liên quan gồm: Lê Văn Hưng (SN 1986), ở huyện An Lão, Hải Phòng; Đào Thị Tuyên (SN 1975), Cao Thị Quỳnh (SN 1993), Đoàn Thị Quyên (SN 1981), Vũ Xuân Sinh (SN 1979), Vũ Xuân Khanh (SN 1968), Đào Thị Huế (SN 1993), cùng trú ở TP.Hải Dương, Hải Dương và Hồ Văn Toán (SN 1965), trú ở huyện Thường Tín cũng bị xét xử cùng tội danh. Ngoại trừ Yến và Huyền, các bị cáo còn lại đều là những người sống bằng nghề chài lưới hoặc vận tải trên sông nước, nhận thức pháp luật kém. Nhóm cát tặc này đã bị nghiêm trị trước pháp luật. Cụ thể: Nguyễn Thị Hải Yến, lãnh 12 tháng tù giam, Nguyễn Thị Thanh Huyền, 9 tháng. Các bị cáo còn lại phải chịu từ 6 - 8 tháng tù treo và hơn 7 tháng tù giam. |
“Hai mụ hà bá này nuôi cả một đội quân, thường dùng các thuyền nhỏ đi qua khu vực này để ép xà lan hay thuyền cát của các tỉnh khác qua đây ép bán hàng cho chúng. Nếu bán cho đội này, nó sẵn sàng cho ứng trước tiền dầu, tiền máy, cuối tháng tính số cát hút được là lấy tiền. Rất nhiều đội thuyền đi qua đây đều phải đóng “phế” đầy đủ mới được qua nếu không khó yên. Các loại tiền luật mà tụi này đặt ra rất lạ từ tiền điện chiến sáng lòng sông, tiền dầu, tiền mỡ... tiền trật tự”. Bên cạnh đó, Hải Yến và Huyền Hậu cũng dùng thủ đoạn chung này nuôi một đội quân hùng hậu vô tư hút cát dưới lòng sông để thu lời bất chính.
Bán mạng trên sông vì hợp đồng “chết”
Những thủ đoạn mà hai mụ “hà bá” này áp dụng được coi như một trong những biện pháp “cổ điển” nhưng hiệu quả của những kẻ “hà bá” trên bờ muốn vươn vòi bạch tuộc xuống lòng sông. Biến những người ngư dân hiền lành thành cát tặc để bọn chúng vô tư hưởng lợi.
Để chống lại lực lượng chức năng, các “chủ đầu tư” này sẵn sàng ứng cả tiền phạt cho các chủ tàu đóng cho chính quyền địa phương. Số tiền này sẽ được các chủ tàu thanh toán vào cuối tháng theo tất cả các khoản tiền mà chủ tàu tạm ứng và “tiền luật”, rồi cân đối với giá trị lượng cát được ghi trong sổ sách đối với từng tàu cụ thể. Các nhóm cát tặc sau khi lợi dụng được đội quân hút cát này nên “thoải mái” hưởng lợi. Thủ đoạn này đã được hai nữ “hà bá” Thanh Huyền và Hải Yến áp dụng rất thành công khiến cho tổ chức của bọn chúng ngày càng một phình to gấp nhiều lần cho đến khi bị triệt phá.
Với mánh lới này, các chủ bãi cát sẽ thu siêu lợi nhuận bởi việc đầu tư một chiếc tàu hút cát cùng lắm chỉ chưa đến nửa tỉ đồng nhưng khi hình thành được một đội quân chuyên nghiệp làm vật “thí mạng” trên sông, các “ông trùm hà bá” này vô tư “mua rẻ, bán đắt”. Các nhóm tàu hút cát thì vẫn biết là mình vi phạm pháp luật nhưng vì miếng cơm manh áo và vì “hợp đồng” ma với “hà bá” nên buộc phải “theo lao” vì đã trót ràng buộc với kẻ khác.
Những năm gần đây quỷ kế này càng được những kẻ lưu manh tận dụng khi muốn giành miếng mồi béo bở từ những lòng sông để làm giàu bất chính. Đối với bọn Yến và Huyền, có thể vì “cơ kém” nên bị tóm, thực sự những dòng sông bây giờ người đi hút cát trộm đều làm thuê cho những kẻ “máu mặt” khác ở trên bờ”. Sơn “điếu” than thở với chúng tôi như vậy khi nói về số phận của những đồng nghiệp khác.
Cũng theo bật mí của Sơn “điếu” dọc các dòng sông ở miền Bắc hiện nay, nhu cầu xây dựng lớn nên nhiều “thổ công” cũng nhờ các mối quan hệ từ các ông lớn, kiếm giấy phép để “làm vì”, sau đó dùng tiền để nhúng tay kiếm lời béo bở xuống các dòng sông để biến mình thành “hà bá”. Lực lượng này ngày càng nhiều và bàn tay đen đó ngày một lớn theo nhu cầu xây dựng từ các thành phố lớn. Khi lực lượng này vươn vòi xuống nước cũng đồng nghĩa với việc các nhóm “cô hồn” bị trấn áp nhiều trên bờ xuống dưới sông kiếm ăn gây mất trật tự xã hội.
Bắt nhóm bảo kê hoạt động trên sông Lô Thống kê của C45, Bộ Công an, từ năm 2012 đến nay, dọc tuyến sông Lô (thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ) có hàng chục doanh nghiệp, cá nhân khai thác cát không đúng quy định dẫn đến những mâu thuẫn, tranh chấp gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Trong tháng 12/2012, C45 đã lập chuyên án, làm rõ các vụ phạm pháp hình sự xảy ra trên địa bàn dọc tuyến sông Lô. Cơ quan điều tra đã bắt Nguyễn Tuấn Minh (SN 1984, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Trịnh Xuân Giang (SN 1984, phường Khai Quang, TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), thu giữ 1 súng bắn đạn hoa cải, 1 súng bút máy, 1 súng Rulô. Theo Cơ quan điều tra, hai đối tượng trên đã tàng trữ súng để "phục vụ" cho việc khai thác cát, sỏi trái phép. Ngoài ra, Cơ quan điều tra còn phát hiện 2 tàu cuốc và các tàu chở hàng đang khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Lô thuộc địa phận Bạch Lưu, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc), phát hiện 27 đối tượng, thu giữ 1 khẩu súng và hàng chục dao kiếm các loại. |
Kỳ 4: Bí mật những vòi bạch tuộc dưới lòng sông