Ancient Origins ngày 2/7/2023 đưa tin, Giáo sư Xuewei Zhang - người làm việc tại Phòng thí nghiệm Khảo cổ Sinh học thuộc Đại học Cát Lâm, đã cùng với nhóm nghiên cứu của mình tiến hành nghiên cứu về những bộ áo giáp đá được tìm thấy trong và xung quanh lăng mộ của vị hoàng đế nổi tiếng Tần Thủy Hoàng. Các phát hiện này đã giúp hé lộ nhiều thông tin quan trọng về phong tục chôn cất và sử dụng áo giáp đá trong thời kỳ này.
Trước đó, năm 1998, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã phát hiện một kho áo giáp đá trong Hố K9801, nằm trong khu vực lăng mộ của Tần Thủy Hoàng (người cai trị từ năm 221 đến 210 trước Công nguyên). Kho áo giáp này bao gồm hơn 600 miếng đá vôi nhỏ, được nối với nhau bằng dây đồng. Năm 2001, thêm tấm áo giáp đá và các công cụ liên quan đến việc chế tạo chúng, đã được tìm thấy trong một giếng ở Xinfeng, một vùng tồn tại từ thời nhà Tần.
Nón của áo giáp.
Năm 2019, các nhà khảo cổ từ Viện Khảo cổ Thiểm Tây đã khai quật khu vực Liujiagou, nằm gần một tòa nhà cao tầng ở Hàm Dương, thủ đô của nhà Tần. Tại đây, họ đã phát hiện 32.392 mảnh vật thể khác nhau, trong đó có nhiều công cụ và áo giáp đá hơn. Tất cả những áo giáp này đều tương tự với những gì đã được tìm thấy trước đó tại Hố K9801 và Xinfeng. Trong số những vật thể tại Liujiagou, có vài mảnh đá được chế tạo thành áo giáp hình chữ nhật, được đục lỗ, bề mặt được đánh bóng, các cạnh được xử lý và gần như hoàn thiện.
Theo nhận định, nghiên cứu mới tập trung vào quy trình sản xuất áo giáp đá. Áo giáp đá gồm mảnh phía trước và phía sau, miếng che vai và phần bảo vệ đùi. Trang phục sử dụng đá vôi chất lượng cao với số lượng mối nối tối thiểu.
Các chuyên gia đã nhận thấy quá trình sản xuất áo giáp đá này có sự tương đồng đáng kinh ngạc với việc sản xuất áo giáp da, với cùng một phương pháp đúc khuôn. Tuy nhiên, nguyên liệu thô cho việc sản xuất này không thể tìm thấy trong khu vực địa phương, mà đã được nhập khẩu từ những vùng đất xa xôi.
Áo giáp đá trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
Kết luận của nhóm nghiên cứu đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng: khu vực khảo cổ năm 2019 đã trở thành một "xưởng chế tạo áo giáp đá quan trọng trong thời kỳ Tần Thủy Hoàng". Tuy nhiên, đáng chú ý là mẫu áo giáp này không thích hợp cho việc sử dụng thực tế, vì nó không cung cấp sự bảo vệ hiệu quả và dễ bị hỏng trong các tình huống va chạm.
Nhóm nghiên cứu cũng đã làm rõ rằng những bộ áo giáp đá này đã được sáng tạo với mục đích bảo quản các vật phẩm quý báu, với khả năng tồn tại vượt thời gian, kéo dài hơn nhiều so với các áo giáp da thông thường.
Có thể nhận thấy rằng, cách đây hơn hai ngàn năm tại Trung Quốc, áo giáp đá đã được chế tạo với mục đích hàng đầu phục vụ tang lễ, không chỉ về kiểu dáng mà cả về kích thước. Điều này bền chắc thể hiện trong tập tục chôn cất xa xưa của người dân thời đại này, khi họ không ngần ngại để lại cả những áo giáp đá, vũ khí và công cụ quân sự, như một biểu tượng tôn kính đối với người đã từ giã cuộc sống. Tất cả những điều này đã được thể hiện rõ ràng nhất trong ngôi mộ tưởng nhớ vị hoàng đế vĩ đại - Tần Thủy Hoàng.
Phương Linh (T/h)