Dù sở hữu lăng mộ khổng lồ, xa hoa bậc nhất trong các vua chúa Trung Quốc, nhưng Tần Thủy Hoàng vẫn không thỏa mãn và thường đêm ngày mơ tưởng đến việc khai quật mộ cổ của những vị vua khác.
Theo đó, sách "Nguyên hòa quận huyện chí" của nhà sử học và tể tướng thời Đường - Lý Cát Phủ, ghi lại câu chuyện năm 219 TCN, khi Tần Thủy Hoàng đến Tô Châu (tỉnh Giang Tô ngày nay) và ra lệnh quân lính đào mộ của vị vua Ngô Hạp Lư để tìm bảo kiếm.
"Thủy Hoàng sai người đào núi tìm mộ Hạp Lư, nhưng đào mãi không thấy, đành phải quay về", Lý Cát Phủ đã ghi chép.
Được biết, Hạp Lư (514 TCN - 496 TCN) tên thật là Cơ Quang, là vua thứ 24 của quốc gia Ngô, được xếp vào nhóm "Ngũ Bá" (5 vị vua có sự nghiệp lẫy lừng, được coi là bá chủ) thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc. Ông có hai trọng thần nổi tiếng là Ngũ Tử Tư và Tôn Vũ, đều được ghi nhận về tài năng trong sử sách. Trong số đó, Tôn Vũ là một danh nhân quân sự xuất sắc, đã viết nên cuốn Binh pháp Tôn Tử, trở thành tác phẩm nổi tiếng toàn cầu.
Hạp Lư nổi tiếng trong lịch sử với danh hiệu "vua yêu kiếm" và sự nghiệp của ông cũng liên quan chặt chẽ đến những thanh kiếm.
Hạp Lư cũng là người sở hữu hai thanh bảo kiếm nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc, đó là Ngư Trường và Mạc Tà. Hai thanh kiếm này đã giúp ông tiến thêm một bậc trên con đường trở thành bá chủ.
Theo Đông Chu liệt quốc, sau khi Hạp Lư qua đời, thi thể ông được chôn dưới lăng mộ cùng 3.000 thanh bảo kiếm, trong đó có một số thanh "thần kiếm" có giá trị vô cùng đặc biệt. Chính vì vậy, những thanh kiếm báu này bị nhiều người dòm ngó, gồm cả nhiều người nổi tiếng như Tần Thủy Hoàng, Hạng Vũ, Việt Vương Câu Tiễn hay Đường Bá Hổ, tuy nhiên, tất cả đều phải ra về tay trắng.
Ngôi mộ của vua Hạp Lư nằm dưới đáy hồ Kiếm với hơn 3.000 thanh bảo kiếm.
Theo sử sách ghi lại, Việt Vương Câu Tiễn là người đầu tiên quyết tâm tìm kiếm mộ của Hạp Lư. Ông đã từ Sơn Đông khai quật tổ mộ của kẻ địch cả đời của mình là Phù Sai - con trai của Hạp Lư. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, Câu Tiễn không thể tìm thấy mộ Hạp Lư, buộc phải quay về tay trắng.
Sau sự thất bại của Tần Thủy Hoàng, Hạng Vũ cũng tiếp tục muốn đột nhập vào mộ để lập thành đại nghiệp. Tương tự như Tần Thủy Hoàng, Hạng Vũ cũng không thành công khi cố gắng xâm nhập vào cửa mộ.
Chỉ vào những năm của thời Minh (1491 - 1521), Đường Bá Hổ - một trong “Giang Nam Tứ Đại Tài Tử”, đã gần như thành công trong việc đột nhập vào mộ của Hạp Lư. Lúc đó, Tô Châu đang gặp khó khăn trong việc cung cấp nước, khiến hồ nước xung quanh mộ Hạp Lư khô thấy đáy, tiết lộ dấu hiệu của mộ thất. Đường Bá Hổ nhanh chóng chuẩn bị khai quật, nhưng bất ngờ lại bị quan phủ ngăn cản. Vì thế, mộ Hạp Lư một lần nữa thoát khỏi tay của những kẻ muốn xâm nhập.
Bảo tháp Hổ Khổ - biểu tượng của Tô Châu.
Năm 1955, một nhóm chuyên gia sử dụng máy bơm hút nước khỏi hồ đã tìm thấy nhiều chữ viết của Đường Bá Hổ và các danh nhân khác được để lại. Nhưng chuyên gia đã quyết định bảo vệ văn vật và không tiến hành khai quật tiếp theo.
Năm 1978, một nhóm khảo cổ học quyết định tiếp tục khai quật mộ Hạp Lư. Tuy nhiên, khi họ phá cửa vào động, họ đã phát hiện 3 phiến đá cực lớn đang chắn giữa lối đi. Những phiến đá này chính là tháp Hổ Khẩu - biểu tượng của Tô Châu.
Sau khi suy xét cẩn thận, các chuyên gia nhận ra rằng việc phá hủy 3 phiến đá này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tháp Hổ Khẩu, chính vì vậy, họ buộc phải từ bỏ kế hoạch khai quật mộ Hạp Lư. Cho đến ngày nay, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra phương pháp thích hợp để tiếp cận ngôi mộ của Hạp Lư. Điều này đang gây ra nỗi tiếc nuối lớn trong cộng đồng khảo cổ học Trung Quốc.
Phương Linh (T/h)