Tại Trung Quốc, vô số di tích văn hóa đã được người dân địa phương phát hiện một cách tình cờ trong cuộc sống thường nhật và quá trình lao động. Điển hình như vào năm 1974, những người nông dân ở tỉnh Thiểm Tây đã đào được các tượng đất nung, tạo tiền đề cho việc khai quật lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Rất nhiều khám phá bất ngờ khác sau đó cũng đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của khảo cổ học Trung Quốc.
Tháng 6 năm 2001, cái nóng mùa hè oi ả khiến người dân làng Hoàng Tài, huyện Ninh Hương cảm thấy ngột ngạt. Cậu bé Tô Học Minh, khi ấy mới 6 tuổi, cùng bố và ba bạn học là Trầm Lôi, Tằng Gia Kì và Khương Kiện rủ nhau ra sông tắm để hạ nhiệt. Trong lúc bơi lội, chân của Học Minh bất ngờ bị mắc kẹt vào một vật gì đó tựa như miệng hang. Vật thể này khá cứng nhưng không quá sâu, nên cậu bé đã nhanh chóng rút chân ra được.
Chiếc bình được tìm thấy. Ảnh: Toutiao
Tò mò, Học Minh gọi các bạn lại xem vật thể lạ mà cậu vừa chạm phải. Do nằm sâu khoảng 1,5 mét dưới mặt nước và một phần bị vùi trong cát, bốn đứa trẻ không thể nào nhấc nó lên được. Ngay lập tức, Học Minh quyết định chạy về nhà gọi cha đến giúp sức.
Với sự hỗ trợ của ba người lớn, vật thể dưới sông đã được đưa lên bờ. Trước mắt mọi người hiện ra một chiếc chum đồng lớn, phủ đầy rêu phong, khiến ai nấy đều kinh ngạc. Quan sát kỹ, cha của Học Minh nhận thấy trên thân chum có nhiều họa tiết hoa văn nổi tinh xảo. Linh cảm đây có thể là một cổ vật quý giá, ông cẩn thận mang chiếc chum về nhà để làm sạch.
Chẳng bao lâu sau, tin tức về việc cha con Học Minh tìm được chiếc chum đồng lan truyền nhanh chóng khắp làng, rồi đến các vùng lân cận. Một ngày nọ, một thương gia tìm đến nhà Học Minh và đề nghị mua chiếc chum với giá 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,5 tỷ đồng). Nghe được mức giá hấp dẫn như vậy, cha của Học Minh vô cùng vui mừng nhưng vẫn cẩn trọng tìm đến trưởng thôn để xin ý kiến.
Thông tin về chiếc chum đồng được rao bán với giá 1 triệu nhân dân tệ cuối cùng cũng đến tai chính quyền. Ngay lập tức, một đội ngũ chuyên gia văn hóa đã được cử đến nhà Học Minh để thẩm định hiện vật này. Qua quá trình kiểm tra kỹ lưỡng, các chuyên gia xác nhận đây là một di tích văn hóa bằng đồng, tuy nhiên niên đại cụ thể vẫn chưa được xác định.
Để bảo vệ di tích, chính quyền đã cử ba cảnh sát đến canh gác nghiêm ngặt tại nhà Học Minh, nhằm ngăn chặn mọi hành vi mua bán hoặc phá hoại chiếc chum đồng. Trong thời gian này, gia đình Học Minh cũng được yêu cầu ở yên trong nhà. Mọi hoạt động đều diễn ra khép kín để phục vụ công tác điều tra của chính quyền.
Vài ngày sau, nhân viên phòng quản lý di tích văn hóa huyện và chuyên gia khảo cổ học Hà Giới Quân đã được phái đến nhà Học Minh để tiến hành công tác tư tưởng, thuyết phục gia đình cậu bé giao nộp cổ vật cho nhà nước. Sau đó, chiếc chum đã được cảnh sát chuyển đến Văn phòng Quản lý Di tích Văn hóa thành phố Ninh Hương, tỉnh Hồ Nam để phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu.
Qua giám định, các chuyên gia khảo cổ học khẳng định chiếc chum đồng này là một di vật lịch sử có niên đại từ cuối thời nhà Thương đến đầu thời Tây Chu, ước tính khoảng 2500 năm tuổi. Dựa trên những hoa văn tinh xảo được chạm trổ bên ngoài, chiếc chum đã được xếp vào hàng di tích văn hóa cấp I của Trung Quốc. Đặc biệt, đây còn là chiếc chum đồng lớn nhất từng được tìm thấy ở Trung Quốc cho đến nay, vì vậy nó được vinh danh với tên gọi "Vua chum đồng".
Sau quá trình thẩm định kỹ lưỡng, chiếc chum đồng tiếp tục được chuyển đến Văn phòng Quản lý Di tích Văn hóa tỉnh Ninh Hương để bảo quản. Đến năm 2016, nó đã chính thức được trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Đồ đồng, thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng và giới nghiên cứu. Về phía gia đình Học Minh, chính quyền đã quyết định trao tặng bằng khen và phần thưởng xứng đáng cho hai cha con vì công phát hiện di tích lịch sử quan trọng và tinh thần tự nguyện giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền.