Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

ĐBQH: Phạm nhân có thể lao động ngoài trại giam, được ký hợp đồng, trả thù lao?

(DS&PL) -

Thảo luận luật Thi hành án Hình sự (sửa đổi), đã có ý kiến ĐBQH cho rằng, phạm nhân có thể lao động ngoài trại giam và được ký hợp đồng lao động.

Thảo luận luật Thi hành án Hình sự (sửa đổi), đã có ý kiến ĐBQH cho rằng, phạm nhân có thể lao động ngoài trại giam và được ký hợp đồng lao động.

Ký hợp đồng, trả thù lao là cần thiết?

Sáng 19/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Dự án luật này cũng đã được thảo luận tại tổ cách đây ít ngày.

Tiếp tục có nhiều ý kiến khác nhau về một số nội dung quy định trong dự thảo luật. Đáng chú ý, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho rằng, việc tổ chức cho phạm nhân được lao động sản xuất bên ngoài trại giam trong thời điểm hiện nay là cần thiết và đề nghị quy định rõ phạm nhân phải được trả thù lao, được ký hợp đồng lao động và phải được bảo đảm an toàn…

Vị ĐBQH đoàn Nam Định nêu thực tiễn, bên cạnh việc lao động cải tạo, việc dạy nghề cho phạm nhân là rất quan trọng.

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa cho rằng, tổ chức cho phạm nhân được lao động sản xuất bên ngoài trại giam trong thời điểm hiện nay là cần thiết.

“Lao động của phạm nhân không phải là hình phạt và càng không phải là sự trả giá cho hành vi phạm tội của người đó. Lao động giúp cho phạm nhân nhận thức được lỗi lầm của mình, coi trọng giá trị lao động. Lao động cũng giúp phạm nhân có được một nghề nghiệp sau khi mãn hạn tù, tái hòa nhập cộng đồng. Họ có thể sử dụng nghề nghiệp đó để nuôi sống bản thân, gia đình và ngăn ngừa họ phạm tội mới”, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa nhận định.

Vẫn theo ĐBQH Mai Thị Phương Hoa, thời gian qua, một số trại giam đã tổ chức dạy nghề cho phạm nhân khá tốt. Tuy nhiên, việc tổ chức lao động sản xuất thường ở ngay trong trại giam, chủ yếu gia công sản xuất những sản phẩm có giá trị thấp, làm những công việc đơn giản, không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao nên hiệu suất không lớn, việc học nghề cũng đạt kết quả chừng mực.

Để minh chứng cho ý kiến của mình về việc, tổ chức cho phạm nhân được lao động sản xuất bên ngoài trại giam trong thời điểm hiện nay là cần thiết, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa chỉ ra một số mặt tích cực của việc thực hiện quy định trên.

Cụ thể, khi phạm nhân có điều kiện làm quen với công việc lao động sản xuất gần với mô hình ngoài xã hội, sau khi họ ra tù sẽ nhanh chóng hơn trong việc tiếp cận việc làm. Đó là điều kiện rất quan trọng để họ có thể sớm tái hòa nhập cộng đồng, giảm bớt sự mặc cảm, tự ti.

Thêm vào đó, mức chi chế độ giam giữ, ăn ở, lao động, học tập cho người chấp hành án phạt tù hiện nay chỉ mới ở mức tối thiểu, bảo đảm nhu cầu cơ bản nhất cho phạm nhân. Vì vậy, việc phạm nhân được lao động, sản xuất, nhất là sản xuất ở bên ngoài trại giam sẽ sản xuất được những mặt hàng đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện cuộc sống cho chính phạm nhân, giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các trại giam.

Ngoài ra, việc tổ chức cho phạm nhân lao động và sản xuất bên ngoài trại giam trong một số trường hợp phạm nhân có thể có việc làm ngay tại chính doanh nghiệp đó sau khi mãn hạn tù.

Không áp dụng đại trà

Tuy nhiên, ĐBQH đoàn Nam Định cũng nhấn mạnh quan điểm, để thực hiện tốt chế định mới này cần quy định rõ không áp dụng đại trà mà chỉ áp dụng đối với một số trường hợp cụ thể như: Những phạm nhân sắp được mãn hạn tù và có ý thức cải tạo tốt, còn trong độ tuổi lao động và có sức khỏe…; không áp dụng đối với những phạm nhân phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và thuộc những loại tội như Buôn bán ma túy, Giết người, Cướp tài sản và những phạm nhân có ý thức cải tạo kém…

“Cơ sở giam giữ phải chịu trách nhiệm trong việc tổ chức phối hợp với doanh nghiệp khi đưa phạm nhân ra lao động bên ngoài. Nếu không bảo đảm các điều kiện và không đủ khả năng kiểm soát phạm nhân thì không được tổ chức cho phạm nhân ra ngoài lao động”, ĐBQH Hoa nói.

“Phạm nhân phải được trả thù lao, được ký hợp đồng lao động và phải được bảo đảm an toàn, có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của các quản giáo theo quy định của Công ước quốc tế về lao động mà Việt Nam là thành viên. Phạm nhân phải làm việc ở khu lao động tập trung và dành riêng cho phạm nhân.

Do đó, tôi đề nghị cần quy định ngay trong luật này các nguyên tắc, điều kiện cơ bản nêu trên để làm cơ sở cho việc hướng dẫn thi hành sau này”, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa nêu ý kiến.

Cần cân nhắc thận trọng

Ngược lại với ý kiến ĐBQH Mai Thị Phương Hoa, ĐBQH Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) lại đề nghị cân nhắc quy định về việc tổ chức khu sản xuất, giữ lao động và dạy nghề ngoài trại giam với 2 lý do: Không phù hợp với mục đích và thứ hai là tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ phạm nhân trốn trại, không đảm bảo an ninh, an toàn cho việc quản lý phạm nhân, có thể phát sinh ra nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự trong khu vực.

Do đó cần đánh giá đầy đủ về tác động, làm rõ điều kiện cụ thể, tính khả thi để trại giam tổ chức khu sản xuất, dạy nghề cho phạm nhân bên ngoài trại giam.

Đây là nội dung được bổ sung quy định tại khoản 4, Điều 17 về tổ chức khu sản xuất, điểm lao động và tổ chức dạy nghề ngoài trại giam: Căn cứ yêu cầu thực tế của công tác giam giữ, quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam. Việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

Dương Thu

Theo Người Đưa Tin

Tin nổi bật