Sản lượng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine đã tăng vọt 900% trong năm qua, trở thành một phần quan trọng trong nỗ lực phòng thủ của nước này. Airlogix - một trong những doanh nghiệp sản xuất UAV hàng đầu và là thành viên của Hiệp hội công nghiệp quốc phòng NAUDI - cho biết sản lượng hàng tháng đã tăng từ 20.000 lên 200.000 chiếc so với mùa hè năm 2024.
Theo các tổ chức phân tích Atlantic Council và Georgetown Security Studies Review, việc phát triển UAV đã trở thành phản ứng then chốt của Ukraine trước cuộc chiến tranh tiêu hao, giúp nước này tiên phong áp dụng các chiến thuật tác chiến hiện đại, đồng thời liên tục điều chỉnh thiết kế dựa trên phản hồi từ tiền tuyến.
Tuy nhiên, để biến UAV thành lợi thế chiến lược lâu dài và vươn lên thành nhân tố quan trọng trên thị trường quốc phòng toàn cầu, nhà phân tích Mariam Halstian (Georgetown) cho rằng Ukraine cần "nâng cao năng lực ký kết hợp đồng, tiêu chuẩn hóa sản phẩm và đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ mới".
Cận cảnh một UAV của Ukraine. Ảnh: Defense Express
Một vấn đề đáng lưu ý là số lượng bằng sáng chế về công nghệ UAV của Ukraine vẫn còn thấp hơn nhiều so với Nga và các quốc gia khác. Các chuyên gia nhấn mạnh, bảo vệ sáng chế và sở hữu trí tuệ sẽ là bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng, cũng như khuyến khích các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong tương lai.
Defense Express lưu ý, phần lớn dữ liệu trên được thu thập trong giai đoạn 2022–2023, khi tốc độ phát triển UAV còn chậm hơn hiện nay, do đó các kết luận có thể chưa phản ánh đầy đủ thực tế. Dù vậy, việc bảo vệ sở hữu trí tuệ vẫn luôn được coi là yếu tố then chốt.
Bên cạnh đó, bài viết cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các hợp đồng dài hạn đối với ngành công nghiệp quốc phòng. Những hợp đồng này giúp các doanh nghiệp hoạch định chiến lược tuyển dụng, xây dựng chuỗi sản xuất và tăng cường đầu tư. Thực tế, nhiều công ty quốc phòng Ukraine đã đề xuất giải pháp này từ lâu.
Ngành sản xuất UAV đã trở thành một trong những phản ứng chủ lực của Ukraine trước Nga. Ảnh: Ukrainian Armor
Một vấn đề khác là thiếu các tiêu chuẩn chất lượng đồng bộ, dẫn đến nguy cơ quân đội tiếp nhận các sản phẩm kém chất lượng. Defense Express nhận định, thách thức lớn nhất hiện nay không phải là ban hành quy chuẩn mà là giám sát việc tuân thủ.
Nhìn chung, giới phân tích cho rằng Ukraine cần cân bằng giữa mục tiêu sản xuất hàng loạt và tập trung phát triển các UAV chuyên dụng, ví dụ như UAV dẫn đường bằng sợi quang hoặc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI). Đồng thời, Ukraine cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng đổi mới trong nước, điển hình như cụm công nghệ quốc phòng Brave1, cũng như thu hút thêm nguồn tài trợ quốc tế.