Theo VTC News, năm 2025, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tuyển hơn 2.000 chỉ tiêu theo 4 phương thức xét tuyển: xét học bạ; xét tuyển kết hợp; xét điểm thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tuyển hơn 2.000 chỉ tiêu theo 4 phương thức xét tuyển. Ảnh minh họa.
Trường chia các ngành đào tạo thành bốn nhóm. Nhóm 1 gồm Báo chí và Xuất bản; nhóm 2 khối Lý luận, nhóm 3 ngành Lịch sử, còn nhóm 4 gồm các ngành về Truyền thông, Quảng cáo, Quan hệ quốc tế. Tổng chỉ tiêu là 2.050, bằng năm ngoái.
Với các ngành thuộc nhóm 1, trường xét tuyển trung bình cộng kết quả học tập 6 học kỳ + trung bình cộng kết quả học tập môn Ngữ văn (hệ số 2).
Với các ngành thuộc nhóm 2, trường xét tuyển trung bình cộng kết quả học tập 6 học kỳ.
Với các ngành thuộc nhóm 3, trường xét tuyển trung bình cộng kết quả học tập 6 học kỳ + trung bình cộng kết quả học tập môn Lịch sử (hệ số 2).
Với các ngành thuộc nhóm 4, trường xét tuyển trung bình cộng kết quả học tập 6 học kỳ + trung bình cộng kết quả học tập môn tiếng Anh (hệ số 2).
Học viện Ngoại giao xét tuyển kết hợp học bạ và chứng chỉ quốc tế. Thí sinh cần có điểm trung bình 6 học kỳ lớp 10, 11, 12 đạt từ 8, kèm một trong các chứng chỉ ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức, Trung, Nhật, Hàn hoặc điểm bài thi SAT/ACT.
Điều kiện chứng chỉ IELTS Academic 6.0 (hoặc TOEFL iBT 60, PTE-A 46 điểm, Cambridge English Qualifications 169 điểm) trở lên. Với các ngoại ngữ khác: tiếng Pháp và Đức tương đương B1, tiếng Trung tối thiểu 260 điểm HSK4, tiếng Hàn TOPIK 3, tiếng Nhật N3 trở lên. Với các mức tối thiểu, điểm quy đổi ngoại ngữ là 8. Ở mức 8.0 IELTS hoặc tương đương trở lên, thí sinh được tính 10 điểm.
Nếu sử dụng điểm SAT/ACT, điểm cần đạt tối thiểu lần lượt là 1200/1600 và 23/36.
Điểm xét tuyển (tối đa 30) = M1 + M2 + M3 + Điểm khuyến khích của Học viện (nếu có) + Điểm ưu tiên của Bộ GD&ĐT (nếu có).
Trong đó, M1 là điểm quy đổi chứng chỉ quốc tế. M2 là điểm trung bình học bạ môn Toán hoặc Ngữ văn, cả ba năm. M3 là điểm trung bình học bạ một môn bất kỳ (không phải môn ngoại ngữ và khác M2), thuộc tổ hợp xét tuyển.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến tuyển khoảng 6.500 sinh viên ở cả hai cơ sở Hà Nội và TP.HCM bằng 5 phương thức. Ảnh minh họa.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến tuyển khoảng 6.500 sinh viên ở cả hai cơ sở Hà Nội và TP.HCM bằng 5 phương thức, gồm: xét tuyển tài năng; dựa vào chứng chỉ quốc tế; xét điểm thi đánh giá năng lực, tư duy; xét điểm thi tốt nghiệp THPT; xét kết hợp chứng chỉ tiếng Anh với học bạ.
Với phương thức xét kết hợp, điều kiện xét tuyển là thí sinh có IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 65, TOELF ITB 500, cùng điểm trung bình học tập ba năm THPT đạt từ 7,5, hạnh kiểm khá trở lên. Khi tính điểm xét tuyển, trường sử dụng điểm học bạ ba môn theo tổ hợp.
Trường hiện đào tạo các ngành hot: Truyền thông đa phương tiện; Marketing; Báo chí; Quan hệ công chúng...
Trường Đại học Văn hoá Hà Nội áp dụng phương thức xét học bạ trong năm 2025. Nhà trường lưu ý, với các chuyên ngành Tổ chức hoạt động nghệ thuật; chuyên ngành Tổ chức sự kiện văn hóa (thuộc ngành Quản lý văn hóa) và ngành Sáng tác văn học, thí sinh phải tham dự kỳ thi năng khiếu do trường tổ chức để lấy điểm thi năng khiếu xét tuyển kết hợp với điểm học bạ 3 năm môn Ngữ văn.
Học viện Phụ nữ Việt Nam năm nây tuyển sinh khoảng 2.000 chỉ tiêu với 5 phương thức xét tuyển, trong đó có phương thức xét học bạ bậc THPT. Nhà trường lưu ý không xét những trường hợp tốt nghiệp trước năm 2025. Thí sinh cần đạt hạnh kiểm Tốt và có tổng điểm trung bình chung kết quả học tập 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển của năm lớp 10, 11, 12 đạt ngưỡng cụ thể của từng ngành.
Năm 2024, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, hầu hết các ngành của trường ở khối C00 đều lấy trên 27 điểm, tức trên 9 điểm/môn mới trúng tuyển.
Trong đó, ngành có điểm chuẩn cao nhất là Quan hệ công chúng khối C00 (Văn, Sử, Địa), với 29,1 điểm, trung bình 9,7 điểm/môn mới đỗ. Đây cũng là ngành có điểm chuẩn cao nhất năm 2023 (28,78 ở khối C00).
Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, Học viện Báo chí và Tuyên truyền có hai thang điểm chuẩn 30 và 40. Ở thang điểm 30, ngành truyền thông đa phương tiện lấy cao nhất với 28,25 ở tổ hợp C15 (Ngữ Văn, Toán học và Khoa học xã hội), trung bình 9,41 điểm/môn mới đỗ.
Tiếp đó là ngành Truyền thông đại chúng, cũng ở tổ hợp này, với 28,05 điểm.
Ngành xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước lấy 24,68 điểm tại tổ hợp A16 (Toán, Văn và Khoa học Tự nhiên), thấp nhất trong thang này.
Các ngành khác gần như không dưới 25. Ở thang 40, ngưỡng trúng tuyển cao nhất là 38,12 tại ngành Lịch sử, tổ hợp C19 (Ngữ văn, Giáo dục công dân và Lịch sử). Ngôn ngữ Anh, tổ hợp D72 (Ngữ văn, Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh) thấp nhất với 34,7 điểm.
Còn tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, điểm trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT dao động từ 22,85-28,9 điểm. Trong đó, ngành báo chí đứng đầu với điểm chuẩn là 28,9 điểm (tổ hợp C00).
Tại Học viện Ngoại giao, điểm chuẩn tổ hợp C00 của các ngành đều ở mức cao nhất so với tổ hợp còn lại trong cùng ngành.
Ngành truyền thông quốc tế có điểm chuẩn lên tới 29,05/30 điểm. Đây là ngành học có điểm chuẩn đầu vào đứng thứ 2, sau ngành Trung Quốc học (điểm chuẩn tổ hợp C00 là 29,2/30 điểm), theo Báo Lao Động.