Đóng

Người phụ nữ U70 chi 7 tỷ đồng mua đồ online chất kín nhà để tránh bị vay tiền

  • Như Quỳnh (T/h)
(DS&PL) -

Bà cụ gần 70 tuổi ở Trung Quốc đã chi ra số tiền khổng lồ 7 tỷ đồng (tương đương 2 triệu nhân dân tệ) để mua sắm trực tuyến, chất đầy nhà cửa.

Theo thông tin từ Vietnamnet, một câu chuyện gây xôn xao dư luận tại Thượng Hải (Trung Quốc) mới đây đã được truyền thông đăng tải. Nhân vật chính là bà Vương (tên đã được thay đổi), 66 tuổi, sống một mình tại một khu chung cư ở quận Gia Định.

Trong vài năm trở lại đây, bà bị ám ảnh bởi việc mua sắm trực tuyến, dẫn đến tình trạng nhà cửa chật kín các kiện hàng chưa mở. Hàng hóa chất đống đến tận trần nhà. 

Tình trạng này khiến nhiều hộ dân trong khu phàn nàn suốt từ tháng 5 năm ngoái. Bởi lượng hàng hóa quá lớn không chỉ gây mùi hôi, thu hút ruồi gián mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, mất an toàn vệ sinh. 

Một cư dân sống gần đó than thở: “Mỗi sáng mở cửa là mùi hôi thốc vào mặt, không thể diễn tả nổi”.

Theo hình ảnh ghi nhận vào tháng 5/2024, nhà bà Vương không còn chỗ trống để bước chân. Các kiện hàng xếp đến tận trần, bà phải bò qua đống đồ để di chuyển. Bà chia sẻ, bà không còn chỗ để ngủ, chỉ có thể ngồi tựa vào các thùng hàng để nghỉ ngơi.

Các kiện hàng xếp đến tận trần. Ảnh: Sohu.

Con gái bà đang sống ở nước ngoài và người phụ nữ này không có bất kỳ liên hệ nào với người thân. Hàng xóm không chỉ lo lắng về tình trạng thể chất và tinh thần của bà lão mà còn sợ hãi về nguy cơ cháy nổ đe dọa chính sự an toàn của họ.

Công ty quản lý khu nhà đã nhiều lần liên lạc với bà lão với hy vọng dọn dẹp đống đồ chuyển phát nhanh, nhưng người phụ nữ không hợp tác, nói rằng những món đồ đó là tài sản riêng của bà, công ty không có quyền xử lý khi chưa được phép.

Cuối cùng, cộng đồng cử người đến giúp đỡ bà phân loại đống đồ mua trực tuyến, bao gồm những hàng xóm nhiệt tình. Một đội khoảng 36 người đã đến hỗ trợ. Đầu tiên, họ vứt bỏ những hộp thực phẩm hỏng.

"Nước trên hộp chuyển phát nhanh nhỏ giọt xuống, khi mở hộp, cả đàn gián bò ra ngoài", Qiu Yingfang, trưởng nhóm hỗ trợ cộng đồng nói và cho biết thêm, toàn bộ 120 thùng lớn chứa đồ mà họ mang đến đã được sử dụng hết. Vì hàng chuyển phát nhanh được tích trữ quá nhiều, chỉ 1/3 được bà lão phân loại.

Sau quá trình xử lý, điều kiện sống của bà Vương và môi trường xung quanh đã cải thiện phần nào. Tuy nhiên, một năm sau khi quay lại, mọi người bà vẫn giữ thói quen mua sắm cực đoan, nhà cửa lại rơi vào tình trạng chất đống hàng hóa như trước.

Thậm chí, để chứa thêm đồ, bà còn thuê thêm một căn hộ 90m² trong khu chung cư để làm kho lưu trữ. Tổng số tiền bà chi cho việc mua sắm trực tuyến được tiết lộ đã lên tới gần 2 triệu nhân dân tệ (tương đương gần 7 tỷ đồng).

Không chỉ là các mặt hàng thiết yếu, bà còn mua sắm vô tội vạ các sản phẩm đắt tiền như thực phẩm chức năng, đồ trang sức, hàng sưu tầm... Đặc biệt, nhiều món được mua từ các buổi livestream bán hàng.

Theo lời bà Vương, ngoài cảm giác “sảng khoái” khi tiêu tiền, động cơ sâu xa của hành vi này là vì... phòng người khác vay tiền. Bà cho biết, sau khi bán nhà ở trung tâm thành phố và chuyển về Gia Định, nhiều người biết bà có tiền. “Thay vì bị hỏi vay, tôi tiêu hết để họ không còn mở miệng được nữa”, bà cho biết.

Không chỉ là các mặt hàng thiết yếu, bà còn mua sắm vô tội vạ các sản phẩm đắt tiền như thực phẩm chức năng, đồ trang sức, hàng sưu tầm... Ảnh: Sohu.

VTC News cho biết, theo phân tích của một số chuyên gia, bà lão có thể mắc chứng rối loạn tích trữ, việc mua sắm bừa bãi có thể do thiếu cảm xúc. “Dù có chất bao nhiêu hộp chuyển phát nhanh, chỉ cần bỏ chút thời gian và công sức thì đều có thể dọn dẹp được, nhưng những cảm xúc phức tạp và rối loạn tâm lý trong lòng bà ấy khó có thể chữa khỏi trong thời gian ngắn”, chuyên gia Qiu Yingfang nói.

Đại diện Ủy viên Ủy ban Tâm lý học tích cực Thượng Hải cũng cho biết, đa số bệnh nhân rối loạn tích trữ đều mắc thêm các bệnh lý tâm thần khác. Khoảng một nửa số họ cũng bị trầm cảm, một số khác bị lo âu hoặc rối loạn lo âu xã hội.

Câu chuyện của bà Vương tiếp tục gây tranh luận trên mạng xã hội, nhiều ý kiến mong muốn các cơ quan chức năng có giải pháp hiệu quả để giúp đỡ những người mắc chứng rối loạn tích trữ, đặc biệt là người cao tuổi đang sống một mình.

Tin nổi bật