Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị định về đánh giá, xếp loại chất lượng công chức.
Theo đó, việc đánh giá, xếp loại chất lượng công chức diễn ra xuyên suốt năm công tác. Tất cả công chức đều được theo dõi và chấm điểm theo tháng, quý; riêng việc xếp loại hằng năm phải hoàn tất trước ngày 15/12 để kịp tổng hợp vào hồ sơ thi đua, khen thưởng.
Trường hợp cơ quan, đơn vị có tính chất đặc thù chưa kết thúc năm tài chính hay nhiệm vụ kéo dài, thời hạn này có thể lùi tới ngày 15/1 của năm kế tiếp.
Một điểm mới đáng chú ý là cơ chế "chuyển tiếp" khi công chức luân chuyển vị trí. Dự thảo yêu cầu đơn vị cũ phải gửi toàn bộ kết quả đánh giá trong sáu tháng gần nhất cho cơ quan mới, làm cơ sở tính điểm trung bình năm.
Nhờ vậy, quá trình công tác không bị đứt quãng và tránh tình trạng công chức "trắng điểm" khi vừa nhận nhiệm vụ mới.
Công chức đạt từ 90 điểm trở lên được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ"; 70 điểm đến dưới 90 điểm là "Hoàn thành tốt"; 50 điểm đến dưới 70 điểm là "Hoàn thành"; dưới 50 điểm hoặc vi phạm kỷ luật ở mức độ nghiêm trọng bị xếp "Không hoàn thành nhiệm vụ".
Hệ thống đánh giá này hướng tới tiêu chí lượng hoá, minh bạch thay vì nhận xét định tính như trước.
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị định về đánh giá, xếp loại chất lượng công chức. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Công chức sẽ tự lập báo cáo đánh giá chất lượng công việc cả năm, trình bày tại cuộc họp của đơn vị để lấy ý kiến và chấm điểm.
Thành phần tham dự họp được xác định theo vị trí của người được đánh giá. Nếu là thủ trưởng thì họp với tập thể lãnh đạo, đại diện cấp ủy, tổ chức chính trị-xã hội. Nếu là cấp phó hoặc giữ chức vụ khác thì họp với toàn thể công chức của đơn vị.
Sau đó, cấp ủy cùng cấp sẽ có ý kiến bằng văn bản. Cơ quan tổ chức, cán bộ tổng hợp tài liệu, đối chiếu thang điểm, lập phiếu điểm chính thức và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Kết quả xếp loại sẽ được gửi trực tiếp đến công chức, đồng thời công khai tại cơ quan, đơn vị và cập nhật lên hệ thống điện tử để lưu trữ vào hồ sơ cán bộ.
Dự thảo đề xuất sử dụng kết quả đánh giá vào ba nhóm mục đích chính.
Thứ nhất, điểm số hàng tháng giúp phát hiện kịp thời khó khăn, đề xuất giải pháp xử lý và điều chỉnh khối lượng công việc.
Thứ hai, kết quả định kỳ sáu tháng và cuối năm là căn cứ bố trí, thay đổi vị trí việc làm và xác định mức thưởng tăng thêm, tối đa 10% quỹ lương cơ quan.
Thứ ba, xếp loại hoàn thành xuất sắc hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trở thành tiêu chí quan trọng trong quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển và khen thưởng, kỷ luật cán bộ.
Dự thảo nghị định đang tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, doanh nghiệp góp ý. Nếu được thông qua, hệ thống đánh giá theo điểm số - từ theo dõi hằng tháng đến xếp loại cuối năm - được kỳ vọng sẽ tạo động lực thi đua, đồng thời tăng tính minh bạch, công bằng trong sử dụng, đãi ngộ đội ngũ công chức.