Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhiều đại biểu Quốc hội chưa hài lòng với Dự thảo Luật Đầu tư công

(DS&PL) -

Dự thảo Luật Đầu tư công với 18 nội dung vấn đề điều chỉnh, bổ sung đã được đại diện Chính phủ tiếp tục đề xuất tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV.

Dự thảo Luật Đầu tư công với 18 nội dung vấn đề điều chỉnh, bổ sung đã được đại diện Chính phủ tiếp tục đề xuất tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV.

Đa số đại biểu đều tỏ ra chưa thực sự hài lòng và thống nhất với nội dung dự thảo luật. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là luật khó, bao trùm nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội và thuộc phạm vi quản lý của nhiều bộ, ngành. Do đó, các nội dung đề xuất cần chi tiết, cụ thể và có tầm nhìn bao quát hơn; tránh tình trạng phản ánh chung chung, nêu mờ nhạt về những vấn đề còn đang vướng mắc hay giải pháp tháo gỡ. Đặc biệt, rất nhiều đại biểu không tán thành với đề xuất điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án quan trọng quốc gia từ 10 nghìn tỷ đồng lên 35 nghìn tỷ đồng mới phải trình Quốc hội phê chuẩn.

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, đoàn Hải Phòng: Luật Đầu tư công là luật rất quan trọng. Tất cả mọi vấn đề liên quan tới tài chính, tài sản công mang ra đầu tư đều cần phải được luật quy định đầy đủ hơn nữa. Dự thảo luật lần này mới chỉ bàn tới một phần nguồn lực công để mang ra đầu tư chứ chưa đầy đủ và bao quát toàn bộ.

Quốc hội thông qua toàn văn Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đại biểu Quốc hội tán thành với mục đích điều chỉnh và bổ sung 18 tiêu chí, vấn đề của dự thảo luật lần này. Tuy nhiên, chúng tôi đều chưa thỏa mãn với các nội dung và giải pháp thực hiện. Bởi nội dung sửa các quy định hiện hành của pháp luật chưa phản ánh hết, chưa thể hiện hết tính hiệu quả của việc sửa đổi luật. Nhiều nội dung được đề cập, theo đánh giá của tôi là còn chung chung, chỉ mới nhắc tới vấn đề, chứ chưa làm rõ quy trình, thủ tục thực hiện và vấn đề thẩm quyền. Sau này, đòi hỏi tới phần hướng dẫn sẽ mất nhiều thời gian hơn. Đáng lý, điều này cần phải được làm rõ nét hơn, ấn tượng hơn.

Liên quan tới, các dự án quan trọng quốc gia có tổng mức đầu tư 35 nghìn tỷ đồng mới phải trình Quốc hội phê chuẩn, theo tôi chưa hợp lý. Bản chất vấn đề là điều này được quy định trước đây chỉ để tốt cho dự án, không gây phiền hà, ảnh hưởng hay làm chậm tiến độ dự án. Chưa kể đến, một chương trình dự án, một quyết định ở tầm cao thì quy trình thực hiện cần chặt chẽ và mất rất nhiều trí tuệ. Khi được đưa ra Quốc hội sẽ không chỉ các đại biểu mà cử tri cả nước còn tham gia theo dõi, giám sát. Điều ấy chỉ có lợi cho nhà đầu tư, cho dự án, cho nhân dân và đất nước. Vì thế, cần được quán triệt, hiểu cho đúng, đồng thuận khi thực hiện và không có lý gì phải đề xuất điều chỉnh.

Cùng với đề xuất điều chỉnh tổng vốn đầu tư dự án từ ngân sách còn có nhiều tiêu chí khác như bảo vệ môi trường, di dân tái định cư, di sản, văn hóa, thiên nhiên… hay các vấn đề cần chủ trương đặc biệt mà pháp luật chưa quy định. Do đó, Luật Đầu tư công cần phải được tổ chức xây dựng thành Bộ Luật đầu tư công; trong đó, bao gồm tất cả những gì là nguồn lực công như tài chính, tài sản, đất đai, vốn vay ODA… vào trong ấy. Luật Đầu tư công còn có liên quan và chồng lấn phạm vi với nhiều lĩnh vực, bộ ngành khác như đầu tư vào khoa học công nghệ, vào y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa… nên khi điều chỉnh, bổ sung các quy định cần sự tính toán kỹ lưỡng, nêu cho đầy đủ các vấn đề, vướng mắc còn tồn tại.

Như các nước phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, khi Nhà nước đầu tư một dự án lớn bao giờ cũng tập trung vào mục đích dự án ấy sẽ mang lại hiệu quả gì cho nền khoa học công nghệ nước nhà và họ sẵn sàng bỏ tiền đầu tư hoặc đầu tư thêm cho hoạt động chuyển giao công nghệ. Điều này là quan trọng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tập trung đổi mới công nghệ để tiến tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như hiện nay.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội: Theo quan điểm của tôi, Chính phủ đề xuất điều chỉnh tiêu chí tổng mức đầu tư dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công lên 35.000 nghìn tỷ đồng là không hợp lý. Không có lý do gì để phải nâng lên cả. Cũng có rất nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình với đề xuất này. Vì Luật Đầu tư công quy định chỉ điều chỉnh khi phân loại dự án có sự thay đổi về lạm phát. Thực tế, mức lạm phát hiện nay không tăng, không thay đổi. Nói rằng, tỷ lệ vốn chiếm khoảng 0,6% GDP nhưng thực ra so với tổng mức đầu tư công thì con số này đã chiếm gần 10% rồi.

Thêm nữa, tất cả các dự án quan trọng trình Quốc hội có phải chậm là vì khâu trình đâu, mà chủ yếu là vì không chuẩn bị đủ hồ sơ. Như vậy, có vướng gì đâu mà cần phải thay đổi. Trong khi đó, những dự án trình Quốc hội bao giờ cũng được đóng góp rất nhiều ý kiến có giá trị, đảm bảo cao nhất tính minh bạch của dự án.

Trong dự thảo Luật Đầu tư công lần này, phần nào đưa ra nhiều quy trình, nhiều cơ quan cùng tham gia trong quá trình phê duyệt dự án, phê duyệt chủ trương là phần cần phải thay đổi hoặc xóa bỏ. Tôi thấy, điều ấy dễ trở thành khó quy trách nhiệm, vừa mất thời gian vì phải xin ý kiến cơ quan này, cơ quan kia. Cuối cùng, dự án đầu tư không đúng thì lại chẳng có ai chịu trách nhiệm. Tốn kém, mất thời gian mà lại không quy trách nhiệm cho ai được cả. Minh bạch nhất là nên giao cho một đơn vị đầu mối quyết định và chịu trách nhiệm đến cùng. Tất nhiên, nếu cần thiết, đơn vị ấy có thể xin ý kiến để có thông tin. Có như vậy, việc triển khai sẽ nhanh hơn và không còn chuyện đầu tư không hiệu quả.

Đại biểu Chu Lê Chinh, đoàn Lai Châu: Vừa qua, hoạt động đầu tư công của Việt Nam bị đánh giá là chưa hiệu quả là vì ý thức kỷ luật thực hiện chưa nghiêm, chứ không phải nội dung các quy định trong luật chưa thực hoàn chỉnh. Lần này đáng lý cần tập trung vào giải quyết những vấn đề vướng mắc, nhất là trình tự thủ tục hành chính, thẩm quyền giao cho địa phương hay bộ ngành, việc phân cấp đã rõ nhưng phân quyền chưa rõ… Đây chính là nguyên nhân dẫn tới nhiều dự án bị chậm tiến độ triển khai.

Tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia hiện nay có quy định là 10 nghìn tỷ đồng trở lên là phải đưa ra trình Quốc hội, nay đề xuất tăng lên 35 nghìn tỷ đồng. Vậy dự án dưới 35 nghìn tỷ đồng do Chính phủ quyết định thì khả năng kiểm tra, kiểm soát ngân sách sẽ rất khó. Việc điều chỉnh tăng tới 3,5 lần trong khi sự biến động về tỷ giá chưa có nhiều là không hợp lý.

Tôi thấy một điều đáng tiếc nữa là việc đưa ra luật này trong 2 kỳ họp Quốc hội là quá dài. Lẽ ra, cần phải đẩy sớm thêm để hiệu lực thi hành luật này phải sớm hơn nhằm gỡ rối những vấn đề còn vướng của đầu tư công như tiến độ chậm, vốn không giải ngân được... Tới đây có 1 năm thôi để thi hành luật (sau khi được thông qua và ban hành) mà chúng ta có bao nhiêu việc cần phải làm liên quan tới vốn đầu tư công... rõ ràng là không gỡ được. Nếu nhanh và thuận lợi thì cũng phải kỳ họp thứ 7 năm 2019, Luật Đầu tư công mới được thông qua được. Rõ ràng là không giúp ích gì được cho việc giải quyết những vướng mắc của lĩnh vực này.

Thạch Huê - Thành Trung

Theo TTXVN

Tin nổi bật