Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh Al-Qaeda mở ra câu hỏi lớn với Tổng thống Biden

(DS&PL) -

Chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh Al-Qaeda của Mỹ đã đặt ra câu hỏi mới về khả năng Afghanistan một lần nữa trở thành nơi trú ẩn cho các nhóm khủng bố.

Cuộc không kích vào lúc bình minh nhằm vào thủ lĩnh nhóm khủng bố Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri đã một lần nữa đặt ra câu hỏi về quyết định rút quân khỏi Afghanistan của Tổng thống Mỹ Joe Biden sau một năm. Theo New York Times, chiến dịch đặc biệt này có thể được coi là một lời khẳng định cho thành công của việc rút quân. Tuy nhiên, cuộc không kích dường như cũng đã làm mất uy tín phần nào quyết định trên. 

Ayman al-Zawahiri - thủ lĩnh khủng bố Al-Qaeda đã bị Mỹ tiêu diệt trong chiến dịch rạng sáng 31/7. Ảnh: AP

Gần một năm sau cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ và phương Tây khỏi Afghanistan, các cuộc tranh luận về vấn đề này vẫn còn được đặt ra. Nhưng với một chiến dịch đặc biệt do CIA thực hiện nhằm vào trùm khủng bố đang trú ẩn ở thủ đô Kabul của Afghanistan, Tổng thống Biden tiếp tục đối mặt với những luồng ý kiến trái chiều. 

Với ông chủ Nhà Trắng và những đồng minh của ông, chiến dịch tiêu diệt một trong những kẻ đứng sau âm mưu khủng bố ngày 11/9/2001 là minh chứng cho thấy cuộc chiến chống khủng bố có thể thực hiện trên không và không nhất thiết phải huy động binh sĩ trên bộ. Nhưng theo quan điểm của những người phản đối, việc Zawahiri bị tiêu diệt ở Kabul cho thấy Afghanistan đang đứng trước nguy cơ trở lại thành nơi trú ẩn cho những kẻ khủng bố.

Bà Kate Bateman, người đã hỗ trợ chính phủ Mỹ trong các báo cáo về tham nhũng, ma túy, bất bình đẳng giới và các vấn đề khác ở Afghanistan, nhận xét: "Chiến dịch thành công của Mỹ là minh chứng về khả năng chống khủng bố tầm xa ở Afghanistan. Nhưng việc thủ lĩnh khủng bố như Zawahiri được phát hiện ở Kabul có thể chỉ ra một mối đe doạ lớn hơn những gì được giả định". 

'Hiệu ứng kép' sau chiến dịch trên của CIA đang làm phức tạp hơn tình hình trong một thời điểm rất quan trọng với Tổng thống Biden. Việc săn lùng Zawahiri có thể sẽ không đem lại cho Mỹ tiếng vang như khi họ thành công tiêu diệt Osama bin Laden vào năm 2011. Dù vậy, không thể phủ nhận sự thật rằng chiến dịch này cũng là một thắng lợi của Mỹ.

Tác động của thắng lợi này vẫn đang được bàn luận sau bài phát biểu buổi đêm của ông chủ Nhà Trắng, thông báo về chiến dịch đặc biệt tiêu diệt trùm khủng bố. Theo đó, tổng thống đang phải đối mặt với câu hỏi: "Ông sẽ làm gì nếu như Afghanistan một lần nữa trở thành nơi trú ẩn cho các nhóm khủng bố".

Tổng thống Joe Biden đối mặt câu hỏi lớn sau chiến dịch tiêu diệt Zawahiri. Ảnh: Pool 

Thỏa thuận hòa bình về việc rút quân, được cựu Tổng thống Donald Trump đàm phán trước khi rời nhiệm sở và sau đó được Tổng thống đương nhiệm Joe Biden thực hiện vào tháng 8/2021, quy định Taliban không biến Afghanistan trở thành 'bệ phóng' cho các cuộc tấn công bạo lực của Al-Qaeda như trước thời điểm 11/9/2001.

Chính quyền Tổng thống Biden có thể coi việc Taliban để Zawahari trú ẩn ở Kabul là một sự vi phạm thoả thuận Doha nói trên. Nhưng theo một số nhà phân tích, Taliban hoàn toàn có thể lập luật rằng việc che chở cho trùm khủng bố không giống với việc Afghanistan trở thành 'bệ phóng' của các cuộc tấn công.

Theo ông John Kirby, điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia: "Taliban có quyền lựa chọn. Họ có thể tuân thủ thỏa thuận để ngăn chặn những kẻ khủng bố đến lãnh thổ của họ hoặc họ có thể chọn tiếp tục đi theo một con đường khác. Và nếu họ chọn con đường khác, mọi thứ sẽ dẫn đến những kết quả khác".

Cả ông Kirby và những quan chức khác đều không nói rằng 'kết quả' được đề cập đến là gì. Nhưng với Nhà Trắng và hầu hết Washington, họ đã không còn hứng thú với việc đưa một lượng binh sĩ quay trở lại Afghanistan. Trong khi đó, bất chấp áp lực quốc tế, lực lượng Taliban sau khi lên nắm quyền đã áp đặt trở lại các chế độ đàn áp, đặc biệt là với phụ nữ và trẻ em gái. 

Ông Bruce Riedel thuộc Viện Brookings, từng là cố vấn của nhiều vị tổng thống về các vấn đề Trung Đông và Nam Á, nhận xét: "Chúng ta đang quay trở lại thời kỳ trước ngày 11/9, và thật không may, điều đó có nghĩa là Taliban và Al-Qaeda đã kết nối lại với nhau. Nỗ lực 20 năm qua đã bị lãng phí". 

Được biết, theo tình báo Mỹ, Zawahri đã trở lại Afghanistan vào đầu năm nay, cùng gia đình chuyển đến một ngôi nhà ở một trong những khu vực độc nhất của Kabul, nơi các nhà ngoại giao Mỹ và phương Tây từng sinh sống cách đây không lâu. Ông Riedel nói thêm: "Chắc hắn cảm thấy rất an toàn, 100% tin tưởng rằng không có gì có thể gây hại cho mình".

Theo New York Times, Taliban có vẻ đã biết Zawahri đang ở đó và đã bảo vệ an toàn cho trùm khủng bố. Thủ lĩnh Al-Qaeda đã sống trong một ngôi nhà thuộc sở hữu một phụ tá hàng đầu của Sirajuddin Haqqani, Bộ trưởng Nội vụ Taliban và là một nhân vật của mạng lưới Haqqani có quan hệ mật thiết với Al-Qaeda. Sau cuộc tấn công, các thành viên Haqqani đã cố gắng che giấu việc Zawahri từng sống tại nhà họ và hạn chế ra vào địa điểm này.

Lực lượng an ninh Taliban đứng gác tại khu phố nơi xảy ra vụ tấn công của Mỹ nhằm vào Zawahiri. Ảnh: EPA 

Ngày 2/8, nói thêm về việc rút quân của Mỹ hồi năm ngoái, ông John Kirby lập luận Al-Qaeda không còn là mối đe doạ chính ở Afghanistan, lưu ý rằng vào thời điểm ấy, đánh giá của Mỹ nhận định sự hiện diện của nhóm này "rất nhỏ bé". Theo đó, ông nhấn mạnh chiến dịch của CIA cho thấy ngay cả khi Taliban không tuân thủ các cam kết, Washington vẫn có khả năng loại bỏ các mối đe doạ ở Afghanistan thông qua các lực lượng quân sự đóng quân ở nơi khác hoặc bằng không kích.

Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cũng đưa ra nhận định: "Điều này đã chứng minh rằng tổng thống đã đúng vào năm ngoái khi nói rằng chúng ta không gần duy trì hàng nghìn binh sĩ ở Afghanistan sau 20 năm để ngăn chặn những kẻ khủng bố và đẩy lùi các mối đe doạ với Mỹ".

Tuy nhiên, một số chuyên gia về khủng bố đã bày tỏ thái độ trận trọng với thắng lợi trên. Bà Laurel Miller, một cựu đại diện đặc biệt cho Afghanistan và Pakistan dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, chia sẻ: "Vụ tấn công cho thấy chiến dịch đường chân trời có thể hoạt động nhưng nhìn chung không phải là chiến dịch này chắc chắn sẽ hoạt động".

Bà nói thêm: "Zawahiri là một trường hợp đặc biệt. Thành công này sẽ không khiến những nhận định về hạn chế của hoạt động tấn công từ bên ngoài biến mất". 

Ông Daniel Byman, một chuyên gia chống khủng bố tại Đại học Georgetown, người từng là nhân viên của ủy ban lưỡng đảng điều tra các vụ tấn công ngày 11/9, cho biết cuộc tấn công nhằm vào Zawahri chứng minh rằng Mỹ vẫn có thể tiến hành hoạt động quân sự mà không cần quân đội trên bộ. Và với việc không còn binh lính Mỹ đóng quân, Afghanistan sẽ lại thành nơi trú ẩn cho Al-Qaeda.

Ông nói rằng cả những người chỉ trích và ủng hộ tổng thống đều đưa ra những quan điểm đúng. Nhưng điều có thể đáng lo ngại hơn là thành công chớp nhoáng khi hạ gục một nhân vật khét tiếng như Zawahri chỉ là một bước tiến xa trong việc triệt phá các mạng lưới khủng bố.

Ông nhận xét: "Từ những báo cáo được công bố, có thể thấy chiến dịch hoạt động khá ấn tượng. Tuy nhiên, phần lớn thành công trong các cuộc tấn công nhằm vào Al-Qaeda và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đều đến từ các chiến dịch theo dõi những kẻ huấn luyện, truyền giáo, tuyển mộ, lập kế hoạch hoặc thủ lĩnh. Thực hiện một chiến dịch kéo dài như vậy ở Afghanistan có vẻ khá khó khăn".

Minh Hạnh (Theo New York Times)

Tin nổi bật