VTC News dẫn thông tin từ trang chuyên về thiên văn học Space.com, trăng tròn tháng 7 năm nay, hay còn gọi là Trăng Hươu Đực (Buck Moon), sẽ đạt cực đại vào lúc 16h36 theo Giờ Miền Đông nước Mỹ (EDT). Điều này có nghĩa là ở Việt Nam, thời điểm trăng đạt đỉnh sẽ là vào 3h36 ngày 11/7.
Tuy nhiên, thời khắc lý tưởng nhất để bạn có thể quan sát trăng không phải là lúc nó đạt đỉnh, mà là ngay sau khi trăng mọc, khi nó vừa nhô lên khỏi đường chân trời vào lúc hoàng hôn. Đây là lúc bạn sẽ có được trải nghiệm thị giác ấn tượng nhất.
Trăng Hươu Đực năm 2025 có một điểm đặc biệt thú vị, nó xuất hiện chỉ vài ngày sau khi Trái Đất đạt đến điểm viễn nhật. Điểm viễn nhật là vị trí mà Trái Đất nằm xa Mặt Trời nhất trong quỹ đạo của mình. Do đó, Trăng Hươu Đực tháng 7 này sẽ là trăng tròn xa Mặt Trời nhất trong cả năm 2025.
Đêm 10/7, "Trăng Hươu Đực" thấp nhất năm sẽ xuất hiện trên bầu trời. Ảnh minh họa: Space.com
Bên cạnh đó, năm nay chúng ta còn được chứng kiến hiện tượng “Major Lunar Standstill”. Hiện tượng này xảy ra khoảng mỗi 18,6 năm một lần, khiến quỹ đạo của Mặt Trăng nghiêng một góc cực đại so với xích đạo trời. Điều này sẽ làm cho trăng tròn tháng 7 xuất hiện ở một vị trí rất thấp trên bầu trời ngay sau khi mọc, tạo nên một khung cảnh khá độc đáo.
Khi mới xuất hiện trên đường chân trời, trăng có thể mang một sắc thái vàng cam hoặc đỏ hồng ấn tượng. Hiện tượng này được giải thích bởi sự tán xạ Rayleigh, tương tự như cách ánh sáng tạo ra màu sắc của hoàng hôn. Các hạt bụi và hơi nước trong bầu khí quyển Trái Đất tán xạ ánh sáng xanh và tím, chỉ cho phép các bước sóng dài hơn như đỏ và cam truyền tới mắt chúng ta.
Ngoài ra, bạn cũng có thể cảm nhận rằng trăng trông to hơn bình thường khi nó ở gần đường chân trời. Đây thực chất là một ảo giác thị giác được gọi là “Moon Illusion”. Não bộ con người bị đánh lừa bởi vị trí của trăng so với các vật thể quen thuộc trên mặt đất (như cây cối, nhà cửa), khiến chúng ta lầm tưởng rằng trăng lớn hơn thực tế.
Hình ảnh Buck Moon chụp tại Hy Lạp. Ảnh: Getty Images/VTC News
Thông tin trên báo Tiền phong, tên “Trăng Hươu Đực” là tên gọi truyền thống được đặt cho trăng tròn tháng 7. Nguồn gốc của tên gọi này đến từ thời điểm hươu đực ở Bắc Mỹ bắt đầu mọc gạc mới. Gạc hươu phát triển nhanh chóng vào mùa hè, và trăng tròn tháng 7 trùng hợp với giai đoạn quan trọng này trong chu kỳ sinh trưởng của chúng.
Bên cạnh đó, trăng tròn tháng 7 còn có một tên gọi khác là “Trăng Sấm” (Thunder Moon). Tên gọi này cũng bắt nguồn từ việc nó trùng với mùa dông bão thường xuyên xảy ra ở nhiều khu vực tại Mỹ vào khoảng thời gian này trong năm.