Trong những năm gần đây, các vụ tấn công nhằm vào thủ lĩnh chủ chốt của các nhóm khủng bố đang ngày càng trở nên phổ biến, khi các cuộc tấn công mà những kẻ này sử dụng đang dần giảm tác động đối với phương Tây.
Tuy nhiên, việc Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh số 2 của Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri trong một vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào ban công của một trong những khu vực giàu có ở Kabul (Afghanistan) không phải một kỳ tích có thể chứng kiến hàng ngày. Đây là một kết quả đáng kinh ngạc cho thấy những gì Mỹ có thể làm được sau 20 năm chiến đấu với khủng bố.
Tuy nhiên, vụ tấn công cũng làm sáng tỏ một vấn đề có lẽ đã được dự đoán từ trước: Afghanistan vẫn là một "thiên đường" với các nhóm khủng bố sau nhiều thập kỷ qua dù các tổ chức này không trực tiếp thực hiện các cuộc tấn công ở đó.
Khu vực nơi thủ lĩnh khủng bố Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri bị tiêu diệt. Ảnh: Getty
Trong nhiều năm, nhận thức của Mỹ về mỗi đe doạ của Al-Qaeda ở Afghanistan đã có phần lung lay. CNN cho biết ở thời điểm Mỹ muốn nhanh chóng kết thúc cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan, một trong những cuộc chiến dài nhất của họ, đã có những lời cảnh báo rằng mối đe doạ của Al-Qaeda vẫn tồn tại và thậm chí còn có thể khôi phục.
Tuy nhiên, tới khi Mỹ khẩn trương rút quân khỏi Afghanistan, mối đe doạ từ Al-Qaeda đã phần nào giảm bớt. Các cuộc không kích của Afghanistan nhằm vào những người đứng đầu tổ chức khủng bố cho thấy tình hình đang được kiểm soát và Mỹ không cho rằng nhóm này vẫn đủ lớn mạnh để thực hiện các cuộc tấn công nguy hiểm.
Nhưng trớ trêu thay, với thành công trong chiến dịch tiêu diệt Zawahiri, đã có bằng chứng không thể phủ nhận về những vấn đề, mà Mỹ từng ước đã biến mất, vẫn còn tồn tại.
Một cựu quan chức chính phủ Afghanistan cho biết Al-Qaeda có lẽ đang "ấp ủ một kế hoạch gì đó". Ông cho rằng Zawahiri không phải là nhân vật lớn duy nhất của nhóm khủng bố ở nước Afghanistan và người kế nhiệm tiềm năng của hắn, Saif al-Adel - được Liên hợp quốc báo cáo là đang ở Iran - có thể đã tới Afghanistan gần đây.
Hồi tháng 5/2021, trước khi Taliban giành quyền kiểm soát Kabul, các quan chức tình báo đã ước tính rằng Al-Qaeda có thể sẽ mất khoảng 6-12 tháng để khôi phục ảnh hưởng, tiến hành các cuộc tấn công trong khu vực. Ngoài ra, các chuyên gia còn cho rẳng nhóm khủng bố này có thể sẽ vươn tới phương Tây sau 18 tháng.
Hiện không rõ những ước tính về thời gian này sẽ bị ảnh hưởng thế nào sau cái chết của Zawahiri nhưng theo CNN, vụ tấn công của Mỹ có tác động mang tính biểu tượng và sẽ phần nào làm chậm các kế hoạch của Al-Qaeda.
Đối với Taliban, những người đang nắm quyền ở Afghanistan, vụ tấn công này trên thực tế sẽ không gây ra quá nhiều thay đổi. Mạng lưới Haqqani, vốn kiếm soát chặt Kabul, từ lâu đã bị cáo buộc có liên hệ chặt chẽ với Al-Qaeda. Theo CNN, mạng lưới này có thể đã che giấu và hỗ trợ Zawahiri trong thời gian hắn ở Kabul.
Ayman al-Zawahiri và cố thủ lĩnh Al-Qaeda Osama bin Laden ở Khost, Afghanistan năm 1998. Ảnh: AP
Rất khó để Taliban có thể cải thiện quan hệ với phương Tây sau vụ tấn công này. Và mặt khác, hình ảnh của Al-Qaeda có lẽ cũng không dễ bị thay đổi sau vụ tấn công. Nhóm này vẫn sẽ là một cái tên gây ra nhiều nỗi lo khủng bố ở địa phương dù trong một thời gian, Al-Qaeda không thực hiện các hành động tàn bạo.
Theo một nhà phân tích cấp cao về khủng bố, Zawahiri có vẻ như đã trở nên thoải mái và tự tin hơn với những thông điệp mà hắn gửi ra thế giới bên ngoài, đề cập tới những sự kiện hiện nay. CNN nhận định, sự tự mãn của Zawahiri có thể là một phần nguyên nhân dẫn tới chiến dịch của Mỹ.
Zawahiri được cho là vẫn tiếp tục tham gia vào các kế hoạch của Al-Qaeda và thế giới đã có nhiều thay đổi kể từ cuộc tấn công khủng bố gây chấn động ngày 11/9/2001. Dù vậy, cái chết của thủ lĩnh Al-Qaeda được cho là khó có thể ngăn cản những kế hoạch đã được nhóm lập ra từ trước.
CNN kết luận, chiến dịch của Mỹ đã dạy cho chúng ta 2 bài học: Thứ nhất, dù rút khỏi Afghanistan một cách hỗn loạn nhưng Mỹ đến nay vẫn giữ một tầm nhìn xa chiến lược ở khu vực này. Mỹ vẫn theo đuổi công lý và cuộc chiến chống khủng bố sau 20 năm.
Bài học thứ 2 được rút ra là mọi thứ không phải lúc nào cũng có thể thay đổi. Dù đã nhiều năm trôi qua kể từ khi Mỹ và phương Tây lần đầu đưa quân đến Afghanistan trong cuộc chiến chống khủng bố và đến nay khi đã giành quyền kiểm soát đất nước, Taliban dường như vẫn lựa chọn biến Afghanistan thành nơi trú ẩn cho Al-Qaeda một lần nữa.
Minh Hạnh (Theo CNN)