Sau một bữa ăn no thịnh soạn, một số người có thói quen ăn "tráng miệng" bằng đồ ngọt như bánh kẹo, hoa quả. VnExpress dẫn thông tin từ Yahoo News cho hay, khoa học giải thích hiện tượng này là "dạ dày tráng miệng", hay là sự ham muốn ăn đồ ngọt sau bữa ăn chính. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, thôi thúc này thực sự bắt đầu từ não.
Một nghiên cứu từ Viện nghiên cứu chuyển hóa Max Planck (Đức) đã khám phá tác động của việc tiêu thụ đường khi chúng ta đã no. Tế bào thần kinh pro-opiomelanocortin (POMC) nằm tại vùng dưới đồi (vùng não điều chỉnh hormone và chi phối các cảm giác như đói, khát, buồn ngủ và no), giữ vai trò trung tâm trong hiện tượng này.
POMC giúp chúng ta cảm thấy no khi đã ăn đủ nhưng cũng kích hoạt cơn thèm đồ ngọt. Vậy nên, ngay cả khi chỉ nghĩ đến hoặc là nhìn thấy đồ ngọt, bạn cũng có thể kích hoạt những tế bào thần kinh này, giải phóng chất hóa học được gọi là beta-endorphin kích hoạt cảm giác khoái cảm.
Có một số nguyên nhân khiến bạn cảm thấy thèm ngọt sau bữa ăn. Ảnh minh họa: Pixels
Theo Tiến sĩ Britta Reierson - chuyên gia y học về béo phì, đường cung cấp năng lượng nhanh, được cơ thể yêu thích. Bộ não được lập trình nhằm kiểm soát lượng đường hấp thụ bất cứ khi nào có sẵn.
"Hệ thống khen thưởng của não được kích hoạt bởi đường, giải phóng những hóa chất gây khoái cảm khiến đồ ngọt trở nên không thể cưỡng lại. Sự thèm ăn này thậm chí có thể mạnh hơn khi chúng ta cảm nhận hoặc là nếm món tráng miệng, tăng cường ham muốn ăn ngay cả khi đã no", Tiến sĩ Reierson nói.
Ngoài ra, theo thông tin trên báo Phụ Nữ Việt Nam, cảm giác thèm ngọt (hay thèm đường) quá mức sau khi ăn có khả năng là do cơ thể thiếu hụt magie. Chất này đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa glucose
Sự thiếu hụt magie có thể góp phần dẫn đến cảm giác thèm ngọt. Thực phẩm giàu magie có khả năng giúp ngăn chặn cảm giác thèm ngọt bằng cách ổn định lượng đường trong máu, cải thiện độ nhạy insulin.
Thèm ngọt sau khi ăn cũng có thể do các nguyên nhân như thói quen, ăn chưa đủ hoặc là buồn chán, căng thẳng.
Cụ thể, bằng cách lặp lại các thói quen hàng ngày, chúng ta tạo điều kiện để bộ não và cơ thể hoạt động thường xuyên. Ví dụ, thói quen buổi sáng của bạn có thể gồm ra khỏi giường, tập thể dục, pha cà phê,... Có lẽ bạn đã làm những việc này nhiều lần và trong thời gian dài tới mức không còn suy nghĩ nhiều về hành động của mình.
Điều tương tự cũng có thể xảy ra đối với các loại thực phẩm và đồ uống bạn tiêu thụ. Nếu như bạn thường xuyên cung cấp năng lượng cho bản thân bằng các thực phẩm có nhiều đường, bạn có thể sẽ ăn các thực phẩm chứa đường như một thói quen. Chưa kể, ăn đường thường xuyên có thể khiến bạn bị nghiện và cảm thấy thèm khi không được đáp ứng.
Trong khi đó, nếu cung cấp năng lượng cho cơ thể không đầy đủ thì sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và cơ thể thiếu dinh dưỡng. Bạn sẽ thường cảm thấy thèm ăn, nhất là các thực phẩm có lượng calo cao hơn, giàu đường và chất béo bổ sung, nhờ đó cơ thể bạn cố gắng lấy lại năng lượng và đây là điều mà bữa ăn chưa đáp ứng đầy đủ cho cơ thể.
Khi tâm trạng của bạn không tốt, serotonin ở mức thấp, cảm giác chán nản và buồn bã xuất hiện, bạn sẽ cảm thấy thèm ngọt bởi đường và carbohydrate đơn giản thúc đẩy cơ thể giải phóng serotonin, giúp cải thiện tâm trạng của bạn.
Ngoài ra, đường cũng là một chất có thể làm giảm căng thẳng cho não. Vì vậy, khi bạn đang bị áp lực và căng thẳng, cơ thể cũng dễ thèm những loại đồ ăn ngọt hơn.