Theo Healthline, khi ngủ trưa từ 10 đến 20 phút, con người bước vào giai đoạn đầu tiên hoặc thứ hai của chu kỳ ngủ, vừa đủ để cảm thấy sảng khoái sau khi tỉnh dậy. Nếu ngủ một giấc sâu hơn, cơ thể cần đủ thời gian để hoàn thành cả 5 giai đoạn của chu kỳ một vài lần, mỗi lần kéo dài 90 đến 100 phút.
Khi chìm vào giấc ngủ sâu (hơn 30 phút), não ít phản ứng với những kích thích bên ngoài, khiến mọi người khó thức dậy. Nếu buộc phải tỉnh, họ thường ở trạng thái mệt mỏi, uể oải.
Thời gian lý tưởng để ngủ trưa phụ thuộc vào các yếu tố cá nhân như lịch làm việc, độ tuổi. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý không nên ngủ trưa sau 15h, vì có thể làm ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm.
Trẻ em và người lớn có nhu cầu ngủ khác nhau. Việc xác định thời gian ngủ từng độ tuổi sẽ giúp cải thiện sức khỏe nói chung.
Thời gian lý tưởng để ngủ trưa phụ thuộc vào các yếu tố cá nhân như lịch làm việc, độ tuổi.
Trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi: Ngủ ngắn hai đến ba giấc ban ngày, mỗi giấc kéo dài từ 30 phút đến 2 tiếng.
6 đến 12 tháng: ngủ ngắn hai giấc mỗi ngày, kéo dài từ 20 phút đến vài giờ.
1 đến 5 tuổi: ngủ trưa từ một đến ba tiếng.
5 đến 12 tuổi: không cần ngủ trưa nếu trẻ ngủ đủ 10 hoặc 11 tiếng mỗi đêm theo khuyến nghị.
Người trưởng thành, khỏe mạnh có thể không cần ngủ trưa. Tuy nhiên, một giấc ngắn từ 10 đến 20 phút có thể cải thiện hiệu suất làm việc buổi chiều.
Lợi ích của ngủ trưa
Giảm áp lực cho mắt: Sau nhiều tiếng đồng hồ làm việc, mắt cần được nghỉ ngơi nhất là với những người làm việc trong môi trường tiếp xúc nhiều với máy tính. Một giấc ngủ trưa sẽ giúp mắt được nghỉ ngơi và thư giãn. Đây cũng là cách giúp bạn không gặp tình trạng đau mỏi mắt.
Giảm cảm giác buồn ngủ: Khi ngủ trưa từ 10-15 phút hoặc nằm nhắm mắt nghỉ ngơi, cơ thể của bạn sẽ được thư giãn và giảm cảm giác buồn ngủ.
Cải thiện trí nhớ: Trong khi ngủ trưa, cơ thể sẽ sản sinh ra một lượng serotonin – một chất giúp thư giãn thần kinh. Do vậy sau khi ngủ trưa bạn có thể hoạt động hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, giấc ngủ trưa còn có tác dụng thúc đẩy trí nhớ gần như một giấc ngủ buổi tối. Khi ngủ trưa, bạn vừa có thể tăng cường trí nhớ vừa giúp chuyển những ký ức ngắn hạn thành ký ức dài hạn.
Cải thiện tâm trạng: Một giấc ngủ trưa sẽ giúp tâm trạng của bạn trong thời gian còn lại của ngày được cải thiện. Đây cũng là thời gian giúp cơ thể được điều hòa cảm giác, giảm tình trạng căng thẳng từ đó sẽ khiến tâm trạng của bạn được tốt hơn.
Tăng khả năng miễn dịch: Với những người có bệnh lý nền như (tim mạch, huyết áp, đái tháo đường…) hoặc khả năng miễn dịch suy giảm (cúm, viêm phổi, tiêu chảy, cảm lạnh…) thói quen ngủ trưa sẽ giúp bạn cải thiện được khả năng miễn dịch.
Tốt cho tim mạch: Khi ngủ trưa, cơ thể bạn sẽ hoạt động chậm lại, nhịp tim và huyết áp cũng thấp hơn bình thường. Đây là lúc tim co bóp và tái tạo năng lượng giúp làm việc hiệu quả hơn. Các nghiên cứu trên những người có thói quen ngủ trưa quá trình tiết hormone sẽ cân bằng hơn từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, kiểm soát tốt huyết áp.
Một giấc ngủ trưa sẽ giúp tâm trạng của bạn trong thời gian còn lại của ngày được cải thiện.
Mẹo để tránh ngủ trưa quá lâu
Tiến sĩ Yishan Xu, chuyên gia về giấc ngủ, đồng chủ tịch ủy ban của Hiệp hội Y học về giấc ngủ của Mỹ khuyên nên đặt báo thức khi ngủ trưa hoặc nhờ người đánh thức.
Cô khuyên để tránh cảm thấy uể oải sau giấc ngủ trưa, nên đứng dậy ngay để đánh thức cơ thể thông qua chuyển động hoặc tiếp xúc với ánh sáng.
Một nghiên cứu cũng cho thấy tiêu thụ caffein trước khi ngủ trưa có thể là biện pháp tốt nhất để không ngủ quá lâu.
Tham gia vào các hoạt động thể chất trước và sau khi ngủ trưa cũng có thể giúp thúc đẩy sự tỉnh táo.