Theo tạp chí Gia Đình Việt Nam, bệnh nhân Đ.H.S (19 tuổi, ở TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) bị tai nạn giao thông nguy kịch được người dân đưa vào Bệnh viện Bãi Cháy xử trí cấp cứu. Bệnh nhân trong tình trạng sốc đa chấn thương, đặt dẫn lưu màng phổi và màng tim ra nhiều máu. Hai bệnh viện lập tức liên lạc hội chẩn và chuyển thẳng bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
Ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo bệnh viện kích hoạt quy trình “báo động đỏ” toàn viện và nhanh chóng chỉ đạo tập trung mọi lực lượng cứu sống người bệnh. Ngay khi đến nơi, bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính toàn thân đánh giá tổn thương và chuyển mổ khẩn cấp.
Gần 20 y bác sĩ, điều dưỡng ở các chuyên khoa của bệnh viện đã có mặt để hỗ trợ cuộc mổ. Bệnh nhân được hội chẩn nhanh ngay trên bàn mổ với vết thương lớn vùng ngực ngang xương ức, vết lóc da đầu và hàm mặt phức tạp, tổn thương dập nát bàn chân trái, vết thương phần mềm nhiều nơi.
Nghiêm trọng nhất là chấn thương ngực gây vỡ tim, kíp mổ tim hở tiến hành bộc lộ vết thương vùng ngực đánh giá tổn thương gãy xương ức vùng trước tim, khoang màng tim có hơn 200ml máu loãng lẫn máu cục.
Các y bác sĩ, điều dưỡng nỗ lực “chạy đua” với thời gian để cứu bệnh nhân. Ảnh: Gia Đình Việt Nam
Phẫu thuật viên cẩn trọng bơm rửa làm sạch khoang màng tim, phát hiện tổn thương vỡ lớn ở tiểu nhĩ trái đang chảy máu thông với khoang màng phổi. Các phẫu thuật viên nhanh chóng xử trí khâu phục hồi tim vỡ, lấy máu cục màng phổi, và đặt dẫn lưu. Sau xử trí tim đập đều, không còn chảy máu, bệnh nhân được đóng ngực.
Bệnh nhân tiếp tục đánh giá các tổn thương khác vùng đầu, hàm mặt và các chi. Kíp phẫu thuật thần kinh sọ não tiếp tục làm sạch và xử trí các vết thương lóc da, chảy máu vùng đầu và hàm mặt phức tạp. Kíp mổ khoa Chấn thương chỉnh hình xử trí các vết thương thấu khớp gối trái, gãy rời ngón bàn chân trái và chấn thương cổ tay. Sau 3 giờ phẫu thuật với tổng gần 3 lít máu truyền hồi sức, ca mổ thành công.
Sau cuộc mổ cấp cứu, bệnh nhân thoát khỏi cơn nguy kịch, được tiếp tục theo dõi, chăm sóc và điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Thận nhân tạo. Với những nỗ lực của đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân được rút ống nội khí quản, tự thở tốt, tỉnh táo, mạch huyết áp ổn định, đã nói chuyện được.
Theo thông tin trên VietNamNet, chiều 5/7, phát hiện cháu trai tên K. (2 tuổi) đột ngột ho sặc sụa không ngừng, môi tím tái, thở dốc, miệng đầy mùi dầu, bà của bé khẩn trương gọi người đưa trẻ đi viện cấp cứu. Bệnh nhi được đưa đến khoa Cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ).
"Thấy cháu ho sặc sụa, miệng đầy mùi dầu, bên cạnh là chai dầu đã mở nắp, tôi biết cháu uống phải dầu thắp đèn bàn thờ", bà của bé K. kể lại.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Hồng Nhung, người trực tiếp điều trị bệnh nhân, cho biết bé K. nhập viện trong tình trạng tỉnh chậm; ho sặc sụa; nhịp thở nhanh nông; tím môi, đầu chi, bụng chướng nhẹ.
"Bé được chẩn đoán viêm phổi cấp do sặc dầu thắp và được chỉ định thở oxy liên tục, thụt tháo, dùng thuốc theo phác đồ điều trị", bác sĩ Nhung nói. Tình trạng tiến triển tốt, bệnh nhi không còn phụ thuộc oxy sau gần 24 giờ gặp tai nạn. Sau 6 ngày, bé chơi ngoan, ăn ngủ tốt và hết hoàn toàn các triệu chứng, được ra viện.
Nuốt nhầm hóa chất, xăng, dầu, chất tẩy rửa... là tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân hàng đầu gây ngộ độc hóa chất tại nhà là do người lớn bất cẩn không để ở nơi an toàn khiến trẻ ăn, uống nhầm.
Việc cha mẹ chủ quan đựng các dung dịch cọ rửa, thuốc chuột, cồn, xăng, dầu vào các vỏ chai nước suối, nước ngọt, các chai lọ với màu sắc bắt mắt, ở những nơi dễ thấy, trong tầm tay với của trẻ là mối nguy hiểm tiềm tàng.
Để phòng tránh các nguy cơ, trẻ nhỏ cần có sự giám sát liên tục của người lớn, bên cạnh đó phụ huynh phải có các biện pháp để phòng tránh nguy hiểm cho trẻ.
Theo VTC News, nam thanh niên 26 tuổi ở Hà Nội bị sốt cao liên tục 7 ngày, uống hạ sốt nhưng không giảm kèm đau bụng âm ỉ. Anh đến một cơ sở y tế kiểm tra và được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết. Sau 3 ngày điều trị kháng sinh, anh vẫn tiếp tục sốt, đau bụng hạ sườn phải âm ỉ kèm ho húng hắng, rát họng.
Bệnh nhân đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương để thăm khám, được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết - áp xe gan. Bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân điều trị nội khoa kết hợp can thiệp ổ áp xe dưới siêu âm để dẫn lưu điều trị áp xe gan.
Tuy nhiên, do tính chất khối áp xe phức tạp nên nam thanh niên tiếp tục được chỉ định phẫu thuật nội soi để loại bỏ triệt để. Trong quá trình phẫu thuật nội soi, bác sĩ bất ngờ phát hiện bên trong ổ áp xe thùy gan trái có dị vật kích thước 4 cm nhìn giống xương cá.
Đoạn xương cá dài 4cm ở trong gan người bệnh được lấy ra. Ảnh: Tuổi Trẻ Online
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Minh Trọng - Trưởng khoa Ngoại Gan mật - Tiêu hóa và Ung bướu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương chia sẻ, khi mổ nội soi cho bệnh nhân, các phẫu thuật viên vừa vén mặt dưới của gan lên thì thấy ổ áp xe. Khi chạm vào ổ áp xe thì xuất hiện ngay dị vật là đoạn xương cá nhọn và dài 4 cm.
“Cả ekip rất ngạc nhiên với dị vật này, bởi xương cá hay mắc tại thực quản do không qua được thực quản. Trường hợp bệnh nhân này phát hiện xương cá ở trong gan nên nó phải đi vào từ đường tiêu hóa. Do vậy, các bác sĩ phải phối hợp nội soi 2 ống mềm để soi dạ dày trong mổ, tìm điểm thủng thành dạ dày. Dị vật có thể đã chui qua thành dạ dày, gây thủng rồi tự liền sau đó mới đi vào gan”, bác sĩ Nguyễn Minh Trọng nói.
Sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện. Từ trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo, dị vật ở đường tiêu hóa có thể xảy ra với tất cả mọi người. Khi nghi hóc dị vật, người dân không nên tự lấy dị vật mà cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và lấy dị vật an toàn.