Tạp chí Tri Thức dẫn thông tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho biết, người bệnh là ông Đ.Đ.N. (59 tuổi, ngụ TP.HCM), nhập viện trong tình trạng lơ mơ, tiếp xúc rất chậm, tay chân lạnh, tím tái, vã mồ hôi, SpO2 (nồng độ oxy trong máu) còn 86%.
Sau đó, tri giác người bệnh xấu dần, huyết áp vẫn không đo được, bệnh nhân được hồi sức với Noradrenalin liều cao 0,4 ug/kg/phút để nâng huyết áp.
Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định siêu âm, kết quả cho thấy người bệnh bị tràn dịch màn tim lượng nhiều, bề dày lớp dịch khoảng 25 mm, đè sụp thất phải nên cần tiến hành chọc hút dịch màng ngoài tim giải áp. Các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị chèn ép tim cấp tràn máu màng ngoài tim, nghi sau nhồi máu cơ tim.
Tình trạng người bệnh ngày càng nguy kịch, trụy tim mạch càng nặng hơn với mạch khó bắt, huyết áp không đo được, tím toàn thân, tiêu phân không tự chủ, tiếng tim không nghe được, men tim 2.500 ng/L.
Sau 7 ngày được hồi sức tích cực, sức khỏe người bệnh dần ổn định. Ảnh: Tri Thức
TS.BS Bùi Minh Thành - Trưởng khoa Phẫu thuật tim cho biết, trước tình thế nguy nan, các bác sĩ vừa hồi sức tích cực ngay trong phòng mổ và tiến hành mở ngực cấp cứu. Ngay sau khi cưa nhanh xương ức bộc lộ tim, màng ngoài tim rất căng, không đập, chứa đầy máu.
Mở màng ngoài tim, máu trào ra ngập cả khoang trung thất, hút được hơn 800 ml, tim được giải áp và đập nhanh nhưng được bao bọc bởi một lớp máu đông khá dày.
Lấy toàn bộ lớp máu đông này, các bác sĩ phát hiện một vùng tím, mềm mũn, ở thành sau thất trái, lan xuống phía mõm tim, diện tích khoảng hơn 6 cm2, có vết thủng dài khoảng 7 mm, tim gần như rỗng.
Ekip phẫu thuật tích cực bơm máu, bù dịch, tủa lạnh…, đồng thời tiến hành khâu đóng vết thủng tim trên nền nhồi máu cơ tim với kỹ thuật chuyên biệt. Ca phẫu thuật cho bệnh nhân kéo dài khoảng 3,5 giờ, diễn ra thành công.
Sau mổ, người bệnh được nằm ở phòng hồi sức tim mạch, mặc dù có mạch huyết áp cải thiện dần, chức năng thận từ vô niệu, thiểu niệu rồi nước tiểu nhiều, chức năng gan cũng hồi phục và men tim tăng lên 7.700 ng/L. Tuy nhiên, bệnh nhân rơi vào tình trạng có những cơn loạn thần và nói nhảm do thiếu máu não, cần phải dùng an thần liều cao.
Sau 7 ngày được hồi sức tích cực, sức khỏe người bệnh dần ổn định, rút nội khí quản, các dấu hiệu sinh tồn bình thường, tri giác hồi phục, tỉnh táo hoàn toàn, không đau ngực.
Người bệnh sẽ được chụp mạch vành để xác định chính xác vị trí động mạch vành bị tắc nghẽn, từ đó bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
Qua khai thác tiền sử, người bệnh có đau ngực trước nhập viện 5 ngày, cơn đau kéo dài hơn 10 phút. Theo suy đoán của bác sĩ, thời điểm đó có thể người bệnh bị nhồi máu cơ tim. Khoảng thời gian này đủ để làm cơ tim bị thiếu máu, rồi hoại tử.
Khi người bệnh có hoạt động gắng sức mạnh, trong trường hợp này là nâng tạ khi tập gym thì gây vỡ hay thủng tim, có thể đưa đến tử vong nhanh nếu không can thiệp kịp thời.
Báo Người Lao Động đưa tin ngày 10/7, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho hay vừa phẫu thuật thành công bóc tách khối u buồng trứng kích thước 10x15 cm cho nữ bệnh nhân T.T.D (55 tuổi; ngụ huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh).
Cách nhập viện khoảng 10 ngày, người bệnh cảm thấy đau bụng nhiều ở vùng bụng dưới nên đến khám tại cơ sở y tế địa phương và được chẩn đoán u buồng trứng to, có chỉ định hẹn thời gian để mổ.
Do tình trạng cơ sở y tế địa phương đông bệnh nhân nên người nhà lo lắng và xin chuyển người bệnh đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long điều trị. Người bệnh có tiền sử cao huyết áp, chưa từng khám kiểm tra phụ khoa lần nào.
Bệnh nhân được xuất viện sau 5 ngày điều trị. Ảnh: Người Lao Động
Tại khoa Cấp Cứu, qua thăm khám và thực hiện cận lâm sàng cần thiết, người bệnh được chẩn đoán: U buồng trứng to nghi xoắn, tử cung có vài nhân xơ kích thước 3 cm và kèm bệnh lý hẹp hở van tim, tăng huyết áp. Người bệnh được các bác sĩ sản phụ khoa, tim mạch, gây mê hội chẩn và chỉ định phẫu thuật.
Vì u buồng trứng to, có đa u xơ tử cung, việc phẫu thuật u buồng trứng cho người bệnh kèm theo nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, hở van tim… thì nguy cơ tai biến do gây mê luôn tiềm ẩn.
Ekip bác sĩ đã hội chẩn các chuyên khoa và ca mổ kéo dài khoảng 60 phút. Trong lúc mổ, elip quan sát nhận thấy buồng trứng của người bệnh xoắn, hoại tử, có nhiều mạc nối đến bao dính xung quanh.
Sau hậu phẫu ngày 2, người bệnh hồi phục sức khỏe tốt, vết mổ còn đau nhẹ, ăn uống được, đi lại vận động nhẹ nhàng, vấn đề tim mạch cũng ổn định kiểm soát huyết áp tốt.
Người bệnh được xuất viện sau 5 ngày điều trị với các chỉ số sinh hiệu bình thường, tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
Theo VTV Times, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP.HCM) vừa tiếp nhận một bé gái 15 tháng tuổi, ngụ ở Sóc Trăng, bị hóc dị vật nguy kịch.
Khai thác bệnh sử được biết, trước nhập viện một ngày, bệnh nhi chơi một mình ở sàn nhà, xung quanh có các hạt hướng dương, hạt mãng cầu, hột nhãn... Đột ngột phát hiện trẻ tím tái kèm ho sặc sụa, người nhà đưa trẻ đến bệnh viện huyện sơ cứu rồi chuyển lên bệnh viện tỉnh, đặt nội khí quản giúp thở, tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ trong tình trạng tím tái, tràn khí màng phổi trái, xẹp toàn bộ phổi phải, sau đó chuyển Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị dị vật đường thở, biến chứng tràn khí màng phổi trái, ghi nhận phế quản gốc phải có khối dị vật màu nâu, xung quang có đọng đàm trắng đục, bít hoàn toàn phế quản gốc phải.
Các bác sĩ gắp thành công dị vật là hạt mãng cầu. Ảnh: VTV Times
Các bác sĩ đã gắp thành công dị vật là hạt mãng cầu. Sau thủ thuật SpO2 bệnh nhi đạt 93%, mạch 140 l/ph, thông khí phổi phải tốt. Tuy nhiên, sau nội soi trẻ vẫn còn viêm phổi, suy hô hấp, sốt cao, tri giác lơ mơ mê, huyết áp tụt, được tiếp tục giúp thở, kháng sinh phổ rộng, vận mạch, hạ sốt, truyền máu.
Kết quả sau một tuần điều trị tình trạng của bệnh nhi cải thiện dần, ngưng được vận mạch, cai được máy thở, tỉnh táo tiếp xúc tốt.
Qua trường hợp này, các bác sĩ muốn lưu ý các bậc phụ huynh không để trẻ vừa ăn vừa khóc, không cho trẻ bú hay ăn khi trẻ đang khóc; khi cho trẻ nhỏ ăn phải lừa hột, loại bỏ hạt, tách bỏ xương ra. Ngoài ra, không cho trẻ chơi những đồ chơi có kích thước nhỏ mà trẻ có thể ngậm và nuốt được. Luôn có người giữ, chăm sóc và theo dõi trẻ nhỏ hơn hoặc bằng 3 tuổi.