Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 7/7/2024: Người phụ nữ mắc bệnh lao da hiếm gặp

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 7/7/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 7/7/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Người phụ nữ mắc bệnh lao da hiếm gặp

Theo thông tin trên tạp chí Tri Thức, bà N.T.T. (ở huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) bị nổi sẩn ngứa ở cổ tay, bàn chân đã lâu, đi khám da liễu và thoa thuốc nhưng không thuyên giảm.

Sau đó, bà T. được giới thiệu đến Bệnh viện Phổi Phú Thọ khám và nhận kết quả mắc lao da. May mắn, sau hơn một tháng điều trị, người bệnh đã hết ngứa, vết thương liền sẹo.

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Hoàng Yến - Phó trưởng khoa Lao ngoài phổi Bệnh viện Phổi Phú Thọ cho biết, lao da là một bệnh lao ngoài phổi có biểu hiện phong phú, thay đổi tuỳ thuộc vào độc lực, số lượng của trực khuẩn lao và sức đề kháng của cơ thể người bệnh.

Lao da là dạng tương đối hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 1% trong số các dạng bệnh lao. Bệnh thường đi kèm với lao ở những cơ quan khác như lao phổi, lao ruột hoặc lao sinh dục.

Nếu không chú ý phát hiện và điều trị sớm, lao da sẽ lan dần ra những vùng khác vừa gây mất thẩm mỹ vừa khiến người bệnh khó chịu, rát ngứa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt thường ngày.

Vết loét do lao trên tay của bệnh nhân. Ảnh: Tri Thức

Biểu hiện lâm sàng của bệnh lao da khá đa dạng như nổi nốt sần, sần viêm, loét da mạn tính... và các tổn thương khác. Biến thể của bệnh lao da cũng có thể được phân loại tùy theo số lượng vi khuẩn trên da của người bệnh.

Trong khi đó, triệu chứng bệnh viêm da cơ địa rất điển hình là da viêm đỏ, tróc vảy, chảy dịch, dày sừng, nứt nẻ, ngứa râm ran hay ngứa dữ dội. Điều này rất dễ khiến nhiều người lầm tưởng mình bị viêm da cơ địa, dẫn đến điều trị không khỏi.

Bác sĩ Hoàng Yến cho hay việc chữa lao da không chỉ chú trọng vào điều trị các tổn thương ngoài da mà còn phải kiên trì kết hợp với các loại thuốc kháng lao. Thuốc có nhiều tác dụng phụ nhưng người bệnh vẫn phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý thay đổi hay dừng thuốc.

Để phòng ngừa lao và các bệnh lao ngoài phổi, mọi người cần tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng; tập thể dục đều đặn nhằm tăng cường sức đề kháng; hạn chế tiếp xúc với những người mắc bệnh lao, nếu có biểu hiện bất thường trên da hay các cơ quan khác trên cơ thể nên đến cơ sở y tế khám để phát hiện và điều trị bệnh sớm.

Nam sinh nhập viện sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10

Báo Người Lao Động đưa tin, khoa Sức khỏe tâm thần Bệnh viện E (Hà Nội)  gần đây tiếp nhận, cấp cứu một số học sinh gặp các vấn đề rối loạn tâm thần do áp lực điểm số, thi cử đến khám, điều trị.

Gần đây nhất là trường hợp một nam sinh đến khám rối loạn tâm thần sau kỳ thi chuyển cấp. Người nhà cho biết sau kỳ thi vào lớp 10, học sinh này chán nản, không dám về nhà vì điểm số không như kỳ vọng.

Sau đó, nam sinh dùng dao tự sát, gia đình phát hiện nên đưa em vào bệnh viện cấp cứu. Khi sức khỏe thể chất ổn định, bệnh nhân được chuyển qua điều trị sức khỏe tâm thần.

Bác sĩ Nguyễn Viết Chung - Trưởng Khoa Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện E, cho biết nam sinh này bị rối loạn cảm xúc, có chỉ định điều trị.

Theo bác sĩ Chung, áp lực đối với trẻ thường đến từ quá trình ôn thi trước đó. Điểm thi kết quả không như mong muốn đã khởi phát những bệnh lý tâm thần. Các học sinh sẽ có phản ứng cấp như stress, lo lắng, lo âu, mất ngủ, suy nhược thần kinh.

Nặng hơn sẽ có những rối loạn trầm cảm, nặng nề hơn là tìm tới tự sát. Ngoài ra, ở một số trẻ, khi chịu áp lực điểm thi, có thể tìm tới chất kích thích để giải tỏa như bóng cười, cần sa, các chất hướng thần, đồ uống có cồn…

Các bác sĩ cho biết một số dấu hiệu cảnh báo con trẻ đang có áp lực về điểm số là con bỗng trở nên trầm tính, buồn vô cớ, hay khóc, thích ở một mình… Ở một số trẻ sẽ có triệu chứng bồn chồn, bất an, đi lại nhiều, đứng ngồi không yên.

Bác sĩ Chung khuyến cáo sau mỗi kỳ thi, con có điểm số không như kỳ vọng, gia đình nên chấp nhận thực tế. Cha mẹ không phán xét, so sánh kết quả điểm số của con với các bạn khác.

Nếu cha mẹ thấy con có những biểu hiện khác thường, hãy tâm sự, chia sẻ để cùng con giải quyết. Nhưng nếu tình trạng của con không chuyển biến trong vài ngày hay một tuần sau đó, cha mẹ nên đưa con tới gặp bác sĩ và các nhà tâm lý.

Cấp cứu thành công cho người phụ nữ bị sốc phản vệ ngay ở nhà thuốc

Theo VietNamNet, ngày 6/7, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng đã tuyên dương nữ bác sĩ và ekip cấp cứu thành công cho một phụ nữ bị sốc phản vệ ngay tại nhà thuốc.

Cụ thể, vào 11h40 ngày 4/7, người phụ nữ đến mua thuốc tại nhà thuốc trên đường 3/2 (quận 10) bất ngờ ngất xỉu. Ngay lập tức, dược sĩ nhà thuốc liên hệ cấp cứu 115, đồng thời gọi bác sĩ Trần Thị Như Quỳnh đang làm việc tại cơ sở tiêm chủng ở cạnh bên để hỗ trợ sơ cấp cứu.

Nhận được tin, bác sĩ Quỳnh nhanh chóng có mặt, khám và đánh giá tình trạng, phát hiện người bệnh có các dấu hiệu của sốc như mạch nhẹ, huyết áp thấp.

Nhân viên nhà thuốc cho biết, trước đó, người phụ nữ nói vừa trải qua phẫu thuật thẩm mỹ có chích thuốc gây tê và kháng sinh.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng (ngoài cùng bên phải) trao đổi với bác sĩ Trần Thị Như Quỳnh và nhân viên nhà thuốc. Ảnh: VietNamNet

Bác sĩ Trần Thị Như Quỳnh cùng điều dưỡng đưa bệnh nhân vào phòng cấp cứu của cơ sở tiêm chủng, kịp thời xử trí sốc phản vệ theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.

Ngay sau khi tiêm bắp adrenaline và truyền nhanh NaCl 0,9%, mạch, huyết áp của người bệnh trở lại bình thường, được xe cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115 chuyển đến bệnh viện.

Hiện nay, tình trạng người phụ nữ đã ổn định. Bệnh viện Nhân dân 115 chẩn đoán bệnh nhân bị phản vệ độ 3 nghi do thuốc (lidocain, cefotaxim), theo dõi ngộ độc thuốc tê sau thủ thuật thẩm mỹ “vùng kín”.

Tin nổi bật