VietNamNet đưa tin ngày 3/7, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho biết đơn vị vừa cấp cứu, điều trị thành công cho bệnh nhân nữ 70 tuổi bị ngừng tim do nhồi máu cơ tim cấp.
Cụ thể, cụ bà Đ.T.H (trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) được người thân đưa đến cấp cứu trong tình trạng đau ngực dữ dội, khó thở, vã mồ hôi, chân tay lạnh.
Lúc này, bà H. có mạch chậm 35 lần/phút, huyết áp tụt 70/30 mmHg. Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng choáng tim, rối loạn nhịp chậm và được chuẩn bị can thiệp cấp cứu.
Tuy nhiên, khoảng 3 phút sau khi vào viện, cụ bà 70 tuổi đột ngột ngừng tim, tắt thở, không bắt được mạch, không đo được huyết áp.
Lập tức, các bác sĩ tiến hành hồi sinh tim phổi, đặt nội khí quản, thở máy và dùng thuốc cấp cứu. Sau 5 phút, người bệnh được cấp cứu ngừng tuần hoàn thành công, có nhịp tim, mạch 55 lần/phút và huyết áp 80/50 mmHg.
Hình ảnh mạch vành của bệnh nhân tắc hoàn toàn động mạch mũ và sau khi can thiệp đặt stent tại vị trí mạch vành bị tắc. Ảnh: VietNamNet
Sau khi ổn định huyết áp, dùng thuốc điều trị rối loạn nhịp, bà H. được đặt máy tạo nhịp tạm thời và chụp mạch vành cấp cứu.
Kết quả chụp mạch vành cho thấy, bà H. bị tắc hoàn toàn động mạch mũ, hẹp 90% động mạch liên thất trước. Bệnh nhân được hút huyết khối, nong bóng và đặt stent tại vị trí mạch vành bị tắc.
Trải qua cơn thập tử nhất sinh, sau 14 ngày điều trị tại khoa Hồi sức tích cực và khoa Nội Tim mạch, người bệnh dần ổn định, không có di chứng và xuất viện.
Bác sĩ Phan Tấn Quang - Trưởng khoa Nội Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho biết: "Đối với các trường hợp ngưng tim trong nhồi máu cơ tim cấp nếu không được cấp cứu kịp thời, tỷ lệ tử vong sẽ rất cao. Cụ bà trên rất may mắn do sau khi có triệu chứng đã nhanh chóng tới bệnh viện cấp cứu, người bệnh ngưng tim nội viện nên các bác sĩ kịp thời cứu sống".
Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ cho biết vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật bắt vít cuống cung cho bệnh nhân nữ bị u tủy xương phức tạp. Cụ thể, theo VOV, ngày 14/6, bệnh nhân nữ T.T.D. (66 tuổi), ở quận Cái Răng, TP.Cần Thơ đến bệnh viện khám trong tình trạng đau cứng cột sống lưng, yếu và teo 2 chân, tiền sử bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường.
Bệnh nhân cho hay bà thường xuyên nhức mỏi, đuối sức khi làm việc và di chuyển đi lại ngày càng bị chậm chap. Bà được gia đình đưa đi khám tại các cơ sở y tế khác và nhận kết quả bị giãn tĩnh mạch chi dưới. Nguyên nhân do bị bệnh tiểu đường lâu ngày biến chứng và cho thuốc uống.
Tuy nhiên, uống thuốc đều vẫn không hết các triệu chứng, từ từ 2 cơ chân bị teo lại, không đi được luôn. Sau đó, bà D. quyết định đến Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ khám tổng quát.
Sau khi tiếp nhận thăm khám, làm các xét nghiệm lâm sàng, chụp MRI cột sống có bơm thuốc, các bác sĩ khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ kết luận bệnh nhân xẹp đốt L4 chèn ép tủy, chèn ép rễ thần kinh nghĩ nhiều là u xương cột sống.
Bác sĩ thăm khám cho người bệnh sau phẫu thuật. Ảnh: VOV
Ngày 19/6, PGS.TS.BS Đàm Văn Cương - Giám đốc Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ cùng các bác sĩ khoa ngoại tổng hợp bệnh viện và ekip hội chẩn, thảo luận, đưa ra phương hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân là bắt vít cuống cung cố định, giải áp tủy sống, rễ thần kinh và lấy mẫu xương u làm xét nghiệm giải phẫu bệnh.
Được biết, đây là ca phẫu thuật khó do cấu trúc u xương dính chặt vào tủy sống, chèn ép rễ thần kinh, nguy cơ liệt sau phẫu thuật rất cao vì phẫu tích khối U ra khỏi cấu trúc tủy sống và rễ thần kinh dễ bị tổn thương.
Song, với sự nỗ lực của các ekip, ca phẫu thuật đã thành công sau 5 tiếng. Tiếp đó, bệnh nhân được theo dõi chăm sóc hậu phẫu, theo dõi vết mổ, điều trị kháng sinh, điều chỉnh đường huyết, huyết áp.
Sức khỏe bệnh nhân hồi phục tốt, có thể vận động 2 chân và đi lại nhẹ nhàng, đã xuất viện vào ngày 1/7 và sẽ tái khám, theo dõi dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Bác sĩ CKI Lý Tấn Phát ở Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ cho biết, ca phẫu thuật kéo dài hơn 5 tiếng thành công đã cứu sống và giúp bệnh nhân cải thiện chức năng, sớm vận động.
Bác sĩ Lý Tấn Phát khuyến cáo, khi có các dấu hiệu đau cột sống cổ, đau cột sống ngực, đau cột sống thắt lưng kèm cảm giác châm chích, teo yếu cơ, mọi người nên sớm thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị phù hợp, kịp thời.
Theo VTC News, 10 ngày trước khi nhập viện, người đàn ông 58 tuổi ở Phú Thọ ăn lòng lợn. Sau đó, người này sốt, đau đầu, buồn nôn và nôn, nổi ban xuất huyết lấm tấm dưới da, tiếp xúc chậm, giảm thính lực.
Ông được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu. Nhận thấy người bệnh có dấu hiệu viêm màng não, bác sĩ chỉ định chọc dịch não tủy để làm xét nghiệm cấy máu và cấy dịch não tủy. Kết quả, người bệnh dương tính với liên cầu lợn (Steptococcus Suis), dịch não tủy có 350 tế bào; protein 1,017; glucose 0,97.
Người đàn ông 58 tuổi được xác định bị viêm màng não do liên cầu lợn (Steptococcus Suis) và điều trị theo kháng sinh đồ. Hiện, sức khỏe người bệnh ổn định và được ra viện.
Người đàn ông nhập viện sau khi ăn lòng lợn. Ảnh minh họa
Với trường hợp trên, các bác sĩ nghĩ đến tình huống người bệnh ăn phải thịt lợn, lòng lợn chứa liên cầu khuẩn nhưng chế biến chưa đảm bảo yêu cầu (chưa được nấu chín hoặc dùng chung dụng cụ thái đồ sống và chín).
Bác sĩ khuyến cáo, người dân nên chọn thực phẩm tươi sống, không nhiễm bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Người dân không ăn tiết canh, các loại thịt tái, sống. Khi chế biến chúng ta cần đảm bảo nấu chín, sử dụng riêng các dụng cụ chế biến thực phẩm sống – chín như dao, thớt, kéo, bát, đĩa. Khi bảo quản thực phẩm cũng cần chú ý để riêng thực phẩm sống và chín để tránh nhiễm khuẩn chéo.
Sau khi giết mổ lợn hoặc chế biến thịt lợn sống phải vệ sinh tay sạch bằng dung dịch sát khuẩn. Đồng thời, không tiếp xúc với lợn ốm, lợn bệnh để tránh những ảnh hưởng tới sức khỏe.