Báo Người Lao Động dẫn thông tin từ bác sĩ CKII Lê Hồng Tuấn - Trưởng khoa Nội tim mạch - Lão học Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết các bác sĩ tại đây vừa cứu một ca bệnh nặng nguy kịch.
Theo đó, người bệnh là cụ bà P.T.T (69 tuổi), nhập viện cấp cứu trong tình trạng tắc ruột trên nền huyết áp cao. Qua kiểm tra, các bác sĩ phát hiện có một khối u lớn trong đại tràng, xâm lấn ruột non, gây nên tình trạng tắc ruột.
Để giải quyết cấp cứu, các bác sĩ đã phẫu thuật mở hậu môn nhân tạo cho người bệnh. Bệnh nhân hồi phục tốt, tuy nhiên đến ngày thứ 7 sau phẫu thuật, cụ bà đột nhiên khó thở, suy hô hấp diễn tiến rất nhanh.
Bác sĩ Nguyễn Hải Thy (bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân) ở khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, ngay khi bệnh nhân có dấu hiệu khó thở, khoa đã nhanh chóng đưa người bệnh đi chụp CT Scan do nghi ngờ tắc huyết khối, đồng thời báo ngay lên khoa Nội tim mạch để hội chẩn.
Bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi tại khoa Ngoại tổng hợp. Ảnh: Người Lao Động
Chỉ trong khoảng 30 phút, bệnh nhân rơi vào tình trạng lơ mơ, khi chuyển lên khoa Nội tim mạch, người bệnh ngưng tim ngưng thở. Kết quả chụp CT ngực cho thấy một bên động mạch phổi bị huyết khối bịt kín hoàn toàn, một bên bị bít 80%.
Ekip cấp cứu của khoa Nội tim mạch vừa luân phiên hồi sức tim phổi, vừa tiêm thuốc tan huyết khối, thuốc vận mạch liều cao. Bệnh nhân liên tục có nhịp tim rồi lại ngưng tim. Trong suốt một giờ đồng hồ, 5 bác sĩ và 3 điều dưỡng đã liên tục hồi sức, sử dụng 40 ống adrenaline vận mạch cho đến khi nhịp tim của bệnh nhân ổn định.
Bác sĩ Võ Tấn Được ở khoa Nội tim mạch - Lão học (thành viên ekip hồi sức) chia sẻ, thông thường hồi sức tim phổi chỉ thực hiện trong 30 phút, nếu bệnh nhân không duy trì được nhịp tim trở lại thì sẽ thông báo tử vong. Tuy nhiên, đây là trường hợp đặc biệt vì ekip vừa hồi sức, vừa theo dõi tiến trình tan huyết khối. Mặc dù bệnh nhân liên tục ngưng tim nhưng có dấu hiệu cải thiện dần nên ekip vẫn quyết định duy trì hồi sức trong suốt một giờ đồng hồ.
Sau 7 ngày điều trị tích cực, cụ bà đã hồi phục tri giác, cai máy thở, đang tiếp tục được theo dõi tại khoa Ngoại tổng hợp.
Bác sĩ Được nhấn mạnh đây là ca bệnh nặng, rất hiếm gặp. Thông thường các tai biến xảy ra ở ngày thứ 2 - 3 sau mổ, hiếm khi xảy ra ở ngày thứ 8. Người bệnh gần như tắc hoàn toàn 2 động mạch phổi, dẫn đến ngưng tim, thiếu máu não, suy đa cơ quan, khả năng cứu sống và hồi phục gần như bằng 0. Thế nhưng, nhờ sự nỗ lực và phối hợp tối đa của 2 khoa, bệnh nhân đã được cứu sống ngoạn mục.
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, bác sĩ Nguyễn Văn Thân - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) cho biết, vừa phát hiện một trường hợp bệnh nhân gặp tình trạng phủ tạng đảo ngược hiếm gặp.
Trước đó, ông N.Đ.L. (72 tuổi, trú xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh) tới viện khám mắt. Bác sĩ chẩn đoán ông L. bị mộng thịt độ 3 trên nền đục thủy tinh thể tiến triển và được tư vấn phẫu thuật để điều trị.
Khi thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh để tiến hành phẫu thuật, bác sĩ phát hiện phủ tạng của bệnh nhân này đảo ngược. Cụ thể, bệnh nhân có tim và dạ dày ở bên phải, còn gan, lách và ruột thừa thì ở bên trái.
Bác sĩ Nguyễn Văn Huy - Trưởng khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh cho biết, khi phát hiện tình trạng bất thường, bệnh viện tiến hành hội chẩn, kiểm tra kỹ rồi mới quyết định tiến hành phẫu thuật mắt cho bệnh nhân.
Nắm rõ tình trạng phủ tạng đảo ngược của bệnh nhân, kíp mổ thận trọng trong việc gây mê hồi sức và phẫu thuật. Sau gần một giờ đồng hồ, ca phẫu thuật thành công.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật mắt cho người bệnh. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Về việc bản thân có tình trạng phủ tạng đảo ngược, ông L. cho biết từ khi sinh ra, ông khỏe mạnh, mọi sinh hoạt đều bình thường. Vì ít khi ốm đau phải đi khám nên việc phủ tạng của mình nằm ở vị trí đặc biệt ông cũng không hay biết.
"Khi tham gia chiến trường B (chiến trường miền Nam) tôi bị sốt rét ác tính, trong cơn mê có mơ hồ nghe bác sĩ nói tim nằm bên phải. Khỏi bệnh tôi trở lại chiến trường ngay cũng không để ý việc này.
Đất nước thống nhất về quê tiếp tục nghề đánh bắt hải sản đến nay. Tôi sinh hoạt bình thường, ít ốm đau nên cũng không phải đi viện. Mới đây khi đau mắt phải mổ thì các bác sĩ khám và cho biết tôi là trường hợp rất hiếm gặp", ông L. cho biết.
Theo bác sĩ Nguyễn Chí Ngọc - Phó khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh, đảo ngược phủ tạng là bất thường hiếm gặp. Khi đó, trong cơ thể người bệnh, các cơ quan mô, nội tạng vùng ngực, bụng sẽ nằm ở vị trí nghịch đảo so với bình thường theo mặt phẳng đứng.
Tình trạng đảo ngược phủ tạng có thể hoàn toàn hoặc chỉ một vài cơ quan trong cơ thể. Phần lớn người có phủ tạng đảo ngược đều có cuộc sống hoàn toàn bình thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe, đây không phải là trạng thái bệnh lý mà là bất thường về giải phẫu.
Báo Công An Nhân Dân đưa tin, bé gái G.L (7 tuổi, Yên Bái) được phát hiện thiểu sản thận, suy thận mạn giai đoạn cuối từ tháng 7/2023, bé đã 7 tuổi mà chỉ nặng 18 kg, kèm theo đó là bệnh lý tăng huyết áp, suy tim.
Hơn 1 năm nay, bé gái liên tục phải cấp cứu vì suy tim và nằm điều trị lọc máu để duy trì sự sống tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sức khoẻ ngày một suy yếu.
Gia đình cháu bé có hoàn cảnh khó khăn, bố đi làm xa, mẹ còn nuôi 2 em nhỏ mới sinh, nên việc điều trị gặp nhiều trở ngại, nhiều lần gia đình đã suy sụp và có ý định bỏ cuộc.
Tuy nhiên, với suy nghĩ “còn nước còn tát”, bà nội đã đồng hành cùng cháu đi khám và điều trị tại khoa Thận và Lọc máu Bệnh viện Nhi Trung ương trong suốt hơn 1 năm qua.
Sau 15 ngày ghép thận, sức khỏe của bé gái đã tiến triển tốt. Ảnh: Công An Nhân Dân
ThS.BS Lường Hữu Bảy ở khoa Thận và Lọc máu cho biết, có nhiều trẻ bị tình trạng suy thận mạn kèm theo suy chức năng tim được ghép thận tại Bệnh viện Nhi Trung ương nhưng bệnh nhi này là một trong những trường hợp suy giảm chức năng tim trầm trọng nhất từ trước đến nay, chức năng tim chỉ còn lại 1/3 so với bình thường. Nếu không được ghép thận, thì trẻ sẽ tử vong.
Sau khi tiến hành kiểm tra, sàng lọc, các bác sĩ nhận thấy thận của bà nội tương thích với bệnh nhi. Ngay lập tức, bà nội 56 tuổi đã đồng ý hiến thận để cứu sống cháu.
Vì bé gái bị suy tim rất nặng nặng nên ca ghép thận khó khăn hơn rất nhiều. Sau 5 giờ các bác sĩ đã thực hiện thành công song song 2 cuộc mổ lấy thận trái từ bà nội và ghép cho cháu gái.
Theo các bác sĩ, với tình trạng suy tim nặng nề của bé gái trước phẫu thuật, sau khi ghép thận, việc phục hồi chức năng tim cần thời gian lâu dài và khó khăn hơn rất nhiều.
Đến nay, sau 15 ngày ghép thận, sức khỏe của bé gái đã tiến triển tốt, huyết áp được kiểm soát, các vấn đề tim mạch cũng đã được cải thiện rất nhiều so với trước khi ghép.
Được biết, hoàn cảnh gia đình cháu bé rất khó khăn, không có tiền để chi trả cho ca ghép thận. Phòng Công tác xã hội của bệnh viện đã kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí cho ca phẫu thuật.