Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 27/6/2024: Miếng gạc bị bỏ quên trong bụng người phụ nữ 14 năm

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 27/6/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 27/6/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Miếng gạc bị bỏ quên trong bụng người phụ nữ 14 năm

VTC News đưa tin, người phụ nữ 66 tuổi tiền sử phẫu thuật lấy sỏi thận trái cách đây 14 năm theo phương pháp mổ mở. Suốt thời gian sau mổ lấy sỏi thận lần đầu, sức khoẻ bà ổn định. 

Gần đây, bà đi kiểm tra sức khoẻ ở địa phương phát hiện khối u thận trái. Trên chẩn đoán hình ảnh, khối u ở cực trên thận, khối hỗn hợp, kích thước 30 x 35 mm, đẩy lồi bao thận, đài bể thận giữa, bể thận và các nhóm có vài viên sỏi, viên lớn nhất kích thước 23 mm. Niệu quản đường kính 7mm, đoạn nối bể thận - niệu quản trái có sỏi kích thước 9 x 6 mm.

Người phụ nữ được chuyển tuyến lên Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Các bác sĩ kiểm tra và đánh giá lại toàn bộ, chẩn đoán hướng đến khối u thận, sỏi đài bể thận tái phát sau mổ lấy sỏi 14 năm trước.

Người bệnh được phẫu thuật gỡ dính, cắt thận lấy khối u và sỏi thận. Ca phẫu thuật trong vài giờ do gỡ dính phức tạp, cắt thận trái và một đoạn niệu quản.

Miếng gạc bị bỏ quên trong bụng người phụ nữ suốt 14 năm. Ảnh minh họa

Sau mổ, bác sĩ giải phẫu bệnh, phát hiện mặt cắt khối u màu vàng, chính giữa mủn, trắng, có chứa dị vật là các đoạn chỉ, sợi ngắn màu trắng như gạc. Từ kết quả giải phẫu bệnh và tiền sử phẫu thuật của bệnh nhân, bác sĩ khẳng định đây là khối giả u thận do dị vật là gạc còn sót trong ổ bụng sau cuộc mổ 14 năm trước.

TS.BS Ngô Minh Hạnh ở khoa Giải phẫu bệnh Bệnh viện Trung ương quân đội 108 đánh giá, đây là trường hợp hy hữu, bệnh cảnh rất hiếm gặp và gây khó khăn trên đánh giá chẩn đoán hình ảnh, đưa ra chẩn đoán không chính xác trước phẫu thuật.  

Trường hợp này gạc không được phát hiện trong thời gian 14 năm, thậm chí bệnh nhân được xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh cũng không chẩn đoán chính xác.

Bệnh nhân được lấy sỏi thận thường dễ tái phát. Hơn nữa, tình trạng sỏi gây viêm mãn tính kéo dài có thể hình thành khối ung thư như ung thư đường niệu, ung thư vảy.

Mặt khác, khối gạc giả u này đã diễn biến qua nhiều năm, phản ứng viêm, xơ hoá xung quanh, hoại tử, thoái hoá, sợi gạc bị tiêu biến dần nên không dễ dàng phát hiện.

Bệnh cảnh lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh này dễ khiến bác sĩ chẩn đoán là khối ung thư hoặc có sỏi thận. Chỉ khi bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn thận mới được giải phẫu bệnh chẩn đoán xác định là khối xơ viêm, thoái hoá, hoại tử giả u do dị vật. 

Nhiễm liên cầu lợn sau khi ăn món “khoái khẩu” của nhiều người

Theo tờ Gia Đình & Xã Hội, ngày 26/6, thông tin từ Trung tâm Y tế Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) cho biết, vừa qua, đơn vị này đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nam nguy kịch do nhiễm liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh.

Người nhà cho hay, trước khi vào viện 3 ngày, bệnh nhân có ăn tiết canh lợn, uống rượu nhiều ngày. Sau ăn, người bệnh mệt mỏi, xuất hiện mảng bầm tím vùng đùi trái và nhiều mảng bầm tím ở vùng ngực nên được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế Thanh Sơn cấp cứu.

Tại đây, sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn - rối loạn chuyển hóa lipid - xơ gan/lạm dụng rượu. May mắn sau 5 ngày điều trị, sức khỏe người bệnh đã dần ổn định.

Bác sĩ CKI Mai Giang Nam - Trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc Trung tâm Y tế Thanh Sơn chia sẻ, liên cầu khuẩn lợn là tác nhân gây bệnh viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm khớp ở lợn. Tuy nhiên, vi khuẩn có thể cư trú ở đường hô hấp trên (mũi, họng), đường sinh dục và tiêu hóa của lợn khỏe mạnh.

Vi khuẩn liên cầu lợn lây từ lợn sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với lợn mang vi khuẩn (lợn lành, hoặc lợn bị bệnh) thông qua những vết thương nhỏ, hoặc trầy xước trên da trong quá trình giết mổ lợn, chế biến thịt lợn, hay ăn tiết canh, thịt lợn chưa chế biến kỹ. Thời gian ủ bệnh ngắn từ vài giờ, cho đến 2-3 ngày (tuy nhiên có trường hợp ủ bệnh có thể đến vài tuần).

Nhiễm trùng liên cầu khuẩn lợn mặc dù được điều trị, tỷ lệ tử vong chung cho các thể bệnh là 17%. Thế nhưng, trường hợp bệnh nhân đã có biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, tỷ lệ tử vong rất cao lên đến 60 - 80%.

Can thiệp nội mạch cứu thanh niên đa chấn thương nội tạng nguy kịch

VOV dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ bệnh viện đã can thiệp nội mạch thành công cứu sống bệnh nhân bị đa chấn thương nguy kịch.

Cụ thể, vào 10h44 ngày 15/6, khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam V.M.T. (SN 2005, địa chỉ ở Vĩnh Long) trong tình trạng lơ mơ, huyết áp thấp (50/20mmHg), mạch nhanh, nhiều vết thương vùng hàm mặt, ngực, chi dưới.

Trước đó 1 giờ, bệnh nhân đi xe máy bị tai nạn giao thông, bất tỉnh được người đi đường đưa đến bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị.

Bác sĩ thăm khám cho người bệnh. Ảnh: VOV

Bệnh nhân được xử trí cấp cứu, hồi sức chống sốc, truyền dịch, truyền máu, giảm đau,… Kết quả chụp cắt lớp vi tính bệnh nhân bị dập phổi, tràn dịch màng ngoài tim, tràn dịch, tràn khí màng phổi hai bên ; chấn thương gan độ IV, chấn thương lách độ IV có ổ thoát mạch.

Hội chẩn cấp bệnh viện với nhiều chuyên khoa thống nhất chẩn đoán: Đa thương, chấn thương gan độ IV, chấn thương lách độ IV, dập phổi hai bên, tràn dịch màng tim, rối loạn đông máu nặng, tiên lượng bệnh nhân rất nguy kịch.

Phương pháp điều trị tối ưu đối với bệnh nhân là thực hiện Chụp số hóa xóa nền và nút động mạch cầm máu các tạng (DSA), kết quả ghi nhận chấn thương gan, lách, có ổ thoát mạch xuất phát từ nhánh động mạch gan phải và nhánh động mạch lách, chọn lọc vào từng phân nhánh có tổn thương, chụp xác định vị trí và tiến hành bơm tắc bằng hỗn hợp keo, chụp kiểm tra không thấy dấu thoát mạch. Thủ thuật thành công sau 25 phút.

Sau thủ thuật, bệnh nhân ổn định được chuyển đơn vị hồi sức ngoại theo dõi và điều trị. Sau đó, các bác sĩ khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu tiếp tục thực hiện phẫu thuật dẫn lưu màng phổi.

Hiện tại, bệnh nhân tiếp xúc được, dấu hiệu sinh tồn ổn định, phổi thông khí rõ hai bên, bụng mềm, da niêm hồng được chuyển khoa Ngoại Tổng hợp theo dõi và điều trị.

Tin nổi bật