Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, nữ bệnh nhân 42 tuổi ở Phú Quốc (Kiên Giang) vừa được các bác sĩ một bệnh viện tư nhân trên địa bàn mổ nội soi lấy ra hơn 200 viên sỏi từ khớp vai.
Theo lời kể của bệnh nhân, cách đây 1 năm chị xuất hiện đau vai trái. Đi khám tại một cơ sở y tế, các bác sĩ chẩn đoán viêm khớp vai, kê đơn thuốc cho chị uống nhưng tình trạng đau vai đỡ rất ít.
Sau đó, bệnh nhân tới khám GS.Trần Trung Dũng, tại đây bác sĩ chỉ định chụp cộng hưởng từ và chẩn đoán bệnh u sụn màng hoạt dịch túi hoạt dịch cơ delta vai trái. Bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật nội soi lấy ra hơn 200 viên sỏi từ khớp vai. Hiện bệnh nhân đã ổn định sức khỏe và được xuất viện.
Một phần sỏi được các bác sĩ lấy ra từ vai của bệnh nhân. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Theo các bác sĩ, đây là căn bệnh hiếm gặp, các dấu hiệu dễ nhầm lẫn với bệnh lý cơ xương khớp khác chẩn đoán xác định bằng chụp cắt lớp hoặc cộng hưởng từ nếu để quá lâu sẽ dẫn đến các thương tổn khớp nặng nề không hồi phục.
Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Trần Trung Dũng – Giám đốc Trung tâm công nghệ 3D trong y học cho biết, sỏi trong khớp vai là do u xương sụn màng hoạt dịch sinh ra. Màng hoạt dịch là màng trong cùng của bao khớp, có vai trò tiết dịch làm trơn bề mặt hoạt động của khớp. U xương sụn màng hoạt dịch xuất hiện là do sự phát triển bất thường của cấu trúc sụn trong màng hoạt dịch và lắng đọng canxi.
Một số cấu trúc này phát triển lên chỉ dính vào màng hoạt dịch bằng một cái cuống giống như chùm nho, các quả nho là những hạt canxi lắng đọng. Trong quá trình phát triển, các hạt canxi này một phần vẫn nằm trong bao hoạt dịch, một phần khác rơi vào trong khớp.
Bệnh lý này chỉ biểu hiện ở một khớp, như khớp háng, gối, vai. Khi các hạt canxi lắng đọng này rơi vào khớp sẽ cọ sát, chèn ép vào sụn, gây tổn thương bề mặt sụn khớp, thoái hóa khớp làm người bệnh đau, hạn chế vận động. Vì vậy, khi đau mỏi khớp vai cần phải thăm khám sớm.
Tạp chí Gia Đình Việt Nam đưa tin, khoa Ngoại tổng hợp – Chuyên khoa Trung tâm Y tế huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ) vừa phẫu thuật cấp cứu thành công trường hợp bệnh nhân L.D.T. (38 tuổi, trú tại xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) bị thủng dạ dày do dùng nhiều thuốc giảm đau.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bụng co cứng, đau bụng dữ dội vùng trên rốn. Qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị thủng tạng rỗng và cần phải phẫu thuật cấp cứu ngay.
Được biết, bệnh nhân bị đau thắt lưng đã lâu. Cách đây 2 tuần, bệnh nhân đi khám và điều trị tại phòng khám tư bằng thuốc giảm đau đường uống và tiêm.
Ngay sau đó, ekip đã thực hiện phẫu thuật khâu lại lỗ thủng dạ dày, lau rửa sạch ổ bụng và sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm trùng cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật diễn ra thành công, bệnh nhân đã ổn định sức khỏe sau 4 ngày phẫu thuật và hiện đã được xuất viện.
Người bệnh hiện đã được xuất viện. Ảnh: Gia Đình Việt Nam
Theo bác sĩ CKI Đặng Quốc Cường – Trưởng khoa Ngoại tổng hợp – Chuyên khoa Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, có 2 nhóm nguyên nhân dẫn đến thủng dạ dày là viêm loét lành tính và ung thư. Trong đó, viêm loét lành tính thường do người bệnh bị stress kéo dài, dùng thuốc giảm đau chứa corticoid, lạm dụng rượu bia…
Hiện nay, rất nhiều người bệnh uống thuốc chữa các bệnh xương khớp thường dễ bị đau dạ dày, viêm loét dạ dày do sử dụng thuốc giảm đau có chứa corticoid kéo dài, đặc biệt là thuốc không rõ nguồn gốc.
Tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, các bác sĩ đã điều trị cho rất nhiều trường hợp người bệnh bị viêm loét, thủng dạ dày do dùng thuốc nam, thuốc bắc hoặc các loại thuốc chữa xương khớp có trộn corticoid.
Do đó, khi có vấn đề về sức khỏe, người dân cần chú ý lựa chọn các địa chỉ thăm khám uy tín, tuyệt đối không sử dụng các thuốc uống không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc không đảm bảo chất lượng.
Việc điều trị các bệnh lý xương khớp mạn tính thường kéo dài và cần được tư vấn kĩ lưỡng từ bác sĩ có kinh nghiệm, để tránh dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày tá tràng, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Theo tạp chí Tri Thức, bệnh nhân P.T.N. (15 tuổi) có tiền sử đau bụng kéo dài nhiều tháng. Mẹ em N. cũng cho biết gia đình thấy bụng con to ra nhưng nghĩ con tăng cân do tẩm bổ nhiều.
Gần đây, bụng em N. tiếp tục to lên hơn, đau bụng không dứt nên sau khi hoàn thành kỳ thi vào lớp 10, gia đình lập tức đưa em đến Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội thăm khám.
Hình ảnh siêu âm cho thấy buồng trứng phải của bệnh nhân N. có khối âm vang hỗn hợp kích thước 24 cm, ranh giới rõ, bên trong không có tín hiệu mạch.
Kết quả chụp MRI cho thấy hình ảnh khối dạng đa nang, đa thùy. Các bác sĩ nghĩ đến u quái buồng trứng trái ORADS 5, nghi ngờ ung thư. Bệnh nhân được chỉ định nhập viện khoa Phụ ngoại A5. Các bác sĩ khoa A5 xin hội chẩn Ban giám đốc, chỉ định mổ theo phương pháp mổ mở và sinh thiết lạnh.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Tri Thức
PGS.TS Lê Thị Anh Đào - Trưởng khoa Phụ ngoại A5 và TS.BS Trần Văn Cường -Trưởng khoa Gây mê hồi sức, cùng ekip đã thực hiện phẫu thuật.
Kiểm tra ngay bản chất là khối u quái chưa trưởng thành, bệnh nhân được phẫu thuật cắt phần phụ ở bên có u. Ca phẫu thuật diễn ra thành công, khối u lớn 24cm được lấy ra ngoài.
PGS.TS Lê Thị Anh Đào cho biết rất may mắn, khối u của bệnh nhân N. thuộc tế bào mầm, ở giai đoạn sớm, vì vậy cơ hội điều trị bệnh đáp ứng hiệu quả cao.