Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 22/6/2024: Tổn thương nặng vùng mũi, má sau khi tự nặn mụn

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 22/6/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 22/6/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tổn thương nặng vùng mũi má sau khi tự nặn mụn

Tạp chí Tri Thức dẫn thông tin từ các bác sĩ Bệnh viện Đồng Nai 2 cho biết, người bệnh là ông L.V.T. (40 tuổi, ngụ Đồng Nai). Trước khi nhập viện khoảng một tuần, ông T. thấy trên mũi có một nốt mụn kèm ngứa nên lấy tay nặn và mua thuốc uống. Sau 3 ngày uống thuốc không đỡ, người bệnh thấy mặt có dấu hiệu sưng phù, mụn mủ căng nhiều và nhức, lan toàn bộ mũi và vùng mặt phải.

Người đàn ông đến cơ sở y tế gần nhà điều trị 3 ngày tiếp theo, tuy nhiên, tình trạng không có dấu hiệu thuyên giảm, ngược lại, mặt và mí mắt sưng nhiều hơn. Lo lắng cho khuôn mặt của mình, ông T. đã đến phòng khám Tai Mũi Họng Bệnh viện Đồng Nai 2 thăm khám.

Tại đây, bác sĩ thấy bệnh nhân bị tổn thương nặng vùng mũi má, tháp mũi bị viêm loét, có 3 lỗ rò mủ, da tháp mũi và xung quanh bầm tím, sưng căng vùng mũi má bên phải và mí mắt. Kết quả chẩn đoán cho thấy ông T. bị viêm áp xe tháp mũi lan vùng mũi má, hoại tử sụn, viêm mô tế bào vùng mặt.

Bác sĩ điều trị viêm áp xe vùng mũi, hoại tử sụn mũi cho người bệnh. Ảnh: Tri Thức

Bác sĩ CKI Nguyễn Đăng Lộng - Trưởng khoa Tai Mũi Họng cho biết để điều trị cho bệnh nhân T., bác sĩ đã rạch dẫn lưu mủ, rửa ổ mủ, lượng mủ lấy ra khoảng 5 ml/ngày, vệ sinh vùng da tổn thương mỗi ngày. Song song với dẫn lưu, làm sạch vết thương, bệnh nhân được điều trị kháng sinh kết hợp liều cao.

Tuy nhiên, trong những ngày đầu điều trị, tình trạng của bệnh nhân không tiến triển, xuất hiện kháng kháng sinh, bác sĩ phải đổi thuốc và cho cấy mủ làm kháng sinh đồ. Kết quả, bệnh nhân bị vi khuẩn tụ cầu gây áp xe kháng nhiều loại thuốc. Sau khi đánh giá lại và sử dụng phác đồ kháng sinh phù hợp, bệnh nhân T. đã có tiến triển tốt.

Sau 7 ngày điều trị, tình trạng bệnh thuyên giảm, hết mủ, hết sưng viêm vùng mặt, vùng da tổn thương tháp mũi đã hồng hào trở lại và có thể xuất viện trong vài ngày tới.

“Ngoài ông T., bệnh viện đang điều trị cho 2 bệnh nhân tự nặn mụn dẫn đến bị viêm áp xe mũi. Trong đó, một bệnh nhân bị nhọt tiền đình mũi, gây áp xe cánh mũi trái, bệnh nhân còn lại bị áp xe cánh mũi phải và áp xe vách ngăn mũi”, bác sĩ Lộng chia sẻ.

Ngưng tim, ngưng thở vì biến chứng bệnh thận giai đoạn cuối

Thông tin từ khoa Nội thận - Tiết niệu - Lọc máu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cho biết, các y bác sĩ vừa cấp cứu thành công cho một cụ ông bị ngưng tim, ngưng thở do biến chứng của bệnh thận mạn giai đoạn cuối, tăng kali máu, theo báo Sức Khỏe & Đời Sống.

Cụ thể, sáng 3/6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang tiếp nhận nam bệnh nhân L.H.N (67 tuổi, ở Khám Lạng, Lục Nam, Bắc Giang) trong tình trạng đau đầu vùng đỉnh chẩm, đau tức ngực, vã mồ hôi, phù hai chi dưới, tim đập không đều.

Người nhà cho hay, trước khi vào viện 2 giờ, bệnh nhân có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, ngã đập đầu xuống giường, sau đó nôn nhiều, được gia đình đưa vào viện. Được biết, người bệnh đã chạy thận nhân tạo được 3 năm.

Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân đã ổn định, không đau ngực, nhịp tim đều. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Tại khoa Cấp cứu, người bệnh được chuyển khoa Nội thận – Tiếu niệu – Lọc máu tiếp tục điều trị. Ngay sau khi vào khoa, bệnh nhân được thăm khám, làm các xét nghiệm cấp cứu và điện tim. Kết quả có biểu hiện của tăng kali máu. Nhận thấy đây là tình trạng tối cấp cứu ở bệnh nhân bệnh thận giai đoạn cuối, các bác sĩ đã chỉ định dùng thuốc điều trị và lọc máu cấp cứu.

Tuy nhiên, một bất ngờ đã xảy đến, trong thời gian chờ chuẩn bị máy lọc máu, người bệnh đột ngột ngừng tuần hoàn, mạch không bắt được, huyết áp không đo được. Kíp trực đã nhanh chóng nhận định, bệnh nhân ngừng tuần hoàn và tiến hành cấp cứu theo phác đồ.

Sau 5 phút cấp cứu, bệnh nhân có mạch trở lại, tim đập lại và được đưa đến phòng điều trị thận nhân tạo lọc máu cấp cứu. 30 phút sau lọc máu, người bệnh bắt đầu có nhịp tim đều, giảm dần cho đến hết các biểu hiệu của tăng kali máu.

Hiện tại, sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân đã ổn định, không đau ngực, nhịp tim đều, kết quả điện tim không còn dấu hiệu của tăng kali máu.

Cứu sống cụ bà 95 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp

Báo Bắc Giang đưa tin, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang vừa cứu sống bà 95 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp bằng phương pháp can thiệp động mạch vành. Đến nay, đây là trường bệnh nhân cao tuổi nhất mà bệnh viện can thiệp động mạch vành.

Theo đó, sáng 17/6, cụ bà N.T.M (95 tuổi, trú tại xã Đại Lâm, Lạng Giang, Bắc Giang) được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cấp cứu trong tình trạng vã hồ hôi, đau tức ngực trái nhiều, đau lan lên vùng cổ và cánh tay. Cơn đau kéo dài hơn 30 phút, kèm khó thở và mệt mỏi nhiều.

Qua điện tim, xét nghiệm cấp cứu, các bác sĩ xác định bệnh nhân có chỉ số men tim cao bất thường, khoảng 27 nghìn ng/L (người bình thường dưới 17,5 ng/L).

Nhận định tình trạng bệnh rất nặng, có biểu hiện của nhồi máu cơ tim cấp, các bác sĩ đã chụp, can thiệp động mạch vành cấp cứu. Kết quả chụp cho thấy hình ảnh tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước, hẹp nặng động mạch mũ và hẹp vừa động mạch vành phải. Sau đó, các bác sĩ tiến hành lấy huyết khối, nong và đặt stend động mạch vành.

Dự kiến bệnh nhân sẽ được ra viện trong vài ngày tới. Ảnh: Báo Bắc Giang

Sau khoảng 1 giờ can thiệp, mạch vành được tái thông hoàn toàn, bệnh nhân tỉnh, giảm đau ngực, hết khó thở, được chuyển về Khoa Nội tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) theo dõi, điều trị. Hiện sau 4 ngày thực hiện thủ thuật, tình trạng người bệnh đã ổn định, ăn uống được, dự kiến ra viện trong vài ngày tới.

Bác sĩ Giáp Văn Cương - Phó trưởng Khoa Nội tim mạch cho biết: “Với những bệnh nhân trên 90 tuổi, nếu xảy ra nhồi máu thì đa phần sẽ tử vong vì thể trạng thường gầy gò, suy kiệt. Việc cứu sống cụ M. nhờ gia đình phát hiện kịp thời, đến bệnh viện sớm và phản ứng nhanh, chính xác của các bác sĩ”.

Được biết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang triển khai can thiệp tim mạch từ năm 2018 với nhiều kỹ thuật cao như: Can thiệp động mạch vành, can thiệp động mạch ngoại biên, chụp - can thiệp động mạch não, đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn… Đến nay, Bệnh viện đã thực hiện hơn 1,8 nghìn ca can thiệp tim mạch, cứu sống nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch, giảm quá tải cho tuyến trên.

Tin nổi bật