Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 21/6/2024: Người đàn ông bị suy thận cấp do mất nước

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 21/6/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 21/6/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Người đàn ông bị suy thận cấp do mất nước

Chiều 20/6, theo tin từ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, khoa Nội thận - Tiết niệu của bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị nam bệnh nhân bị suy thận cấp do mất nước khi lao động ngoài trời nắng nóng liên tục trong nhiều ngày.

Cụ thể, bệnh nhân T.T.A (71 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, khi ăn uống bị nôn. Trước khi nhập viện 3 ngày, bệnh nhân có đi làm ruộng từ 7h đến trưa, giữa thời tiết nắng nóng. Trong suốt thời gian này, bệnh nhân chỉ mang theo 500ml nước để uống.

Sang ngày hôm sau, bệnh nhân xuất hiện tình trạng mệt mỏi, khó chịu, nôn khi ăn và uống nước. Bệnh nhân được gia đình đưa vào cơ sở y tế gần nhà để theo dõi điều trị.

Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân có tình trạng tăng ure, creatinin máu và được chẩn đoán bị suy thận cấp do thiếu nước.

Sau một ngày điều trị, bệnh nhân xuất hiện biến chứng của suy thận cấp là tăng kali máu (kali máu là 6,7 µmol/lít), tiên lượng phải lọc máu nên được chuyển đến Khoa Nội thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang để tiếp tục điều trị.

Sau 2 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân dần ổn định, chức năng thận có dấu hiệu phục hồi.

Bệnh nhân đang được chăm sóc, điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: Hà Nội Mới

Báo Hà Nội Mới dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuyên - Trưởng khoa Nội thận - Tiết niệu cho hay, với bệnh nhân suy thận cấp trong giai đoạn phục hồi sẽ tiểu nhiều hơn. Do đó, trong giai đoạn này, các bác sĩ phải theo dõi sát việc tiểu tiện của bệnh nhân để có kế hoạch bù nước và điện giải phù hợp. Nếu không bù đủ dịch, điện giải trong giai đoạn này thì bệnh nhân có nguy cơ rơi vào tình trạng rối loạn điện giải, mất nước.

“Hiện tại, bệnh nhân bài tiết được 5l nước tiểu trong một ngày. Chúng tôi phải theo dõi và bù lượng dịch tương đương cho bệnh nhân. Nếu tình trạng vẫn tiến triển tốt, dự kiến bệnh nhân sẽ xuất viện trong vài ngày tới”, Tiến sĩ Tuyên nói.

Phân tích rõ hơn về cơ chế gây suy thận cấp của bệnh nhân trên, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuyên, trời nắng nóng khiến chúng ta mất nước nhiều, mất điện giải. Nếu không được bù nước đúng mức sẽ dẫn tới giảm thể tích tuần hoàn. Điều này đồng nghĩa với việc giảm cung lượng máu đến mô và các cơ quan, đặc biệt là thận sẽ gây ra tình trạng suy thận cấp.

Do đó, khi trời nắng nóng, nếu chỉ làm việc trong môi trường bình thường, không quá nặng nhọc thì mỗi ngày chúng ta phải bù 3-4l nước. Với trường hợp phải làm việc trong môi trường nắng nóng khắc nghiệt như bệnh nhân nêu trên thì mức bù nước phải nhiều hơn. Trong khi đó, nam bệnh nhân 71 tuổi này lại chỉ uống 500ml nước xuyên suốt buổi sáng, dẫn đến tình trạng nêu trên.

Giai đoạn nắng nóng cao điểm tiềm ẩn nguy cơ gia tăng suy thận cấp do mất nước. Trên thực tế, chỉ trong 2 tháng cao điểm nắng nóng của năm 2023, khoa Nội thận - Tiết niệu đã tiếp nhận 5 bệnh nhân suy thận cấp do mất nước.

Từ thực trạng này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuyên khuyến cáo, trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay, người dân cần đảm bảo bổ sung đủ nước và điện giải để tránh các vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là suy thận cấp.

Nhập viện cấp cứu sau khi mổ lợn 3 tiếng

VietNamNet đưa tin, người đàn ông 57 tuổi (trú tại Yên Bái) được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn.

Theo con trai của bệnh nhân, hàng ngày ông và một người khác mổ lợn để bán. Ngày 15/6, 3 giờ sau khi đi làm về nhà, bệnh nhân bị sốt nhẹ, tăng huyết áp, sau đó lại tụt, vài giờ sau toàn thân phát ban. Gia đình đưa ông đến bệnh viện huyện rồi chuyển lên tỉnh và tuyến trên. 

Theo Ths.Bs Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn theo dõi liên cầu lợn.

Từ 2h ngày 17/6, ông xuất hiện các ban xuất huyết hoại tử trên da tăng nhanh kèm theo suy hô hấp được đặt ống nội khí quản và chuyển đến khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân xuất huyết hoại tử toàn thân, mặt, suy đa cơ phủ tạng, tổn thương gan, thận, rối loạn đông máu…

Bác sĩ Phúc cho biết thêm gần Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thường xuyên tiếp nhận và điều trị các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn được chuyển đến. Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng rất nguy kịch, suy đa phủ tạng và rối loạn đông máu nghiêm trọng. Có những bệnh nhân được chữa khỏi nhưng phải cắt bỏ đầu ngón tay hoặc ngón chân.

Bệnh liên cầu khuẩn lợn do vi khuẩn Streptococcus suis gây ra. Liên cầu khuẩn truyền sang người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến hoặc ăn thịt, tiết canh lợn bệnh.

Bệnh nhân có triệu chứng sốt, nhức đầu, nôn, cứng gáy, rối loạn tri giác, ù tai, điếc tai. Trường hợp nặng có thể tiến triển nhanh chóng hội chứng sốc nhiễm khuẩn, trụy mạch, tụt huyết áp, rối loạn đông máu nặng, ban xuất huyết hoạt tử toàn thân, tắc mạch, suy đa phủ tạng, hôn mê và tử vong.

Để phòng tránh bệnh, bác sĩ Phúc khuyến cáo người dân cần nấu chín thịt lợn. Không ăn lợn chết, các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn, đồng thời sử dụng các trang bị bảo hộ khi giết mổ, chế biến thịt lợn sống.

Nam thanh niên 23 tuổi bị rắn cạp nia cắn khi đang ngủ

Theo tạp chí Tri Thức, vừa qua, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã cứu thành công 2 thanh niên bị rắn cạp nia tấn công trong lúc ngủ.

Hai bệnh nhân là C.S.P (23 tuổi) và G.T.M (15 tuổi, cùng quê ở Bắc Hà, Lào Cai). Cả hai đều là người dân tộc thiểu số, xuống Bắc Giang (Nội Hoàng, Yên Dũng) thuê trọ, làm công.

“Đang ngủ, tôi bỗng thấy đau nhói ở mu bàn chân phải. Khoảng một giờ sau, tôi thấy tức ngực, khó thở dần, chân tay yếu, nghi ngờ đã bị rắn cắn nên nhờ người quen đưa vào bệnh viện”, anh P. kể lại.

Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang vừa cứu thành công 2 thanh niên bị rắn cạp nia tấn công trong lúc ngủ. Ảnh minh họa: Flicrk

Trong đêm 20/5, hai bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Hiếu - Phó Trưởng khoa khoa hồi sức tích cực - Chống độc, cho biết bệnh nhân M. là trường hợp đặc biệt bởi khi vào viện, người bệnh đã liệt cơ hoàn toàn, suy hô hấp, liệt tứ chi, cơ lực 0/5, mất hết các phản xạ, đồng tử giãn.

Nhận định các bệnh nhân có tình trạng nặng, nguy cơ ảnh hưởng tính mạng, các bác sĩ nhanh chóng thăm khám lâm sàng kết hợp diễn biến của bệnh để kết luận nguyên nhân khiến 2 người bệnh mất hết các phản xạ là do rắn cạp nia cắn.

Người bệnh được chỉ định lọc máu hấp phụ bằng quả lọc MG350 để loại trừ độc chất. Sau 3 quả lọc, tình trạng liệt cơ của bệnh nhân đã có dấu hiệu cải thiện.

Sau một tháng điều trị bằng nhiều phương pháp hồi sức tích cực, tình trạng của 2 bệnh nhân đã cải thiện dần, cai được máy thở, rút ống nội khí quản, cơ lực tứ chi từ 0/5 đến 5/5. Hiện tại, sức khoẻ của cả 2 bệnh nhân ổn định và được xuất viện.

“Với trường hợp bị rắn cạp nia cắn, nếu được cấp cứu và điều trị kịp thời bằng các biện pháp hồi sức tích cực, có thể hồi phục hoàn toàn không để lại di chứng. Ngược lại, người bệnh có thể nguy hiểm tính mạng do liệt cơ hô hấp, hoặc để lại di chứng liệt và hôn mê vĩnh viễn do thiếu oxy não kéo dài, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”, bác sĩ Hiếu chia sẻ.

Tin nổi bật