Theo tạp chí Gia Đình Việt Nam, người phụ nữ 28 tuổi (trú tại Yên Thanh, Uông Bí, Quảng Ninh) được đưa vào Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí trong tình trạng chấn thương nặng vùng cẳng tay, gãy đầu dưới xương quay, 1/3 dưới xương trụ, mỏm trâm trụ, trật khớp quay trụ dưới tay trái do vạt áo chống nắng cuốn theo tay vào bánh xe.
Các bác sĩ phẫu thuật kết hợp xương dưới hướng dẫn màn hình tăng sáng và xử trí vết thương ngoài da cho người bệnh. Sức khỏe người bệnh ổn định và đang được tiếp tục theo dõi tại bệnh viện.
Theo chia sẻ của các bác sĩ, việc chủ quan mặc áo chống nắng không đúng quy cách khi tham gia giao thông rất nguy hiểm, có thể gây tai nạn, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Nếu áo chống nắng quá dài thì có thể cắt bớt để tránh quét xuống đất và mắc kẹt vào bánh xe. Ảnh minh họa: Gia Đình Việt Nam
Áo chống nắng là vật bất li thân của chị em khi ra đường. Mặc áo chống nắng không chỉ tránh nắng, mà còn phòng nguy cơ cháy nắng, chặn tia UV, hạn chế nguy cơ ung thư da. Tuy nhiên, nhiều chị em có thói quen mặc áo chống nắng rộng, không kéo khóa, trùm kín chân, tà quá dài khi tham gia giao thông có thể gây ra nhiều hệ lụy.
Để hạn chế các vụ tai nạn đáng tiếc, chị em nên chọn áo, váy chống nắng không quá dài, rộng. Nếu quá dài thì có thể cắt bớt để tránh quét xuống đất và mắc kẹt vào bánh xe. Khi ngồi trên xe hoặc điều khiển xe, chị em nên kéo khóa, vén áo gọn gàng và quan sát kĩ càng trước khi xuất phát.
Các chị em tốt nhất nên chọn váy, áo chống nắng bó sát người nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả chống nắng. Chiều dài tốt nhất là đến mắt cá chân. Khi ngồi, không nên để váy, áo chống nắng trùm cả phần sau xe dễ bị mắc kẹt dẫn đến tai nạn.
Chất liệu vải cũng cần đảm bảo, tránh những chiếc váy quây có nguyên liệu thun mềm, khi đi xe dễ bị cuốn vào bánh sau. Lưu ý, không trùm kín mũ áo chống nắng lên đầu hoặc đội lên trên mũ bảo hiểm để tránh hạn chế tầm quan sát.
Ngoài ra, khi sử dụng thêm các phụ kiện chống nắng khác cần đảm bảo yếu tố quan sát, tầm nhìn và âm thanh để có thể dễ dàng quan sát và nghe thấy các âm thanh cảnh báo từ các phương tiện khác.
Báo Quảng Ngãi đưa tin, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi vừa tiếp nhận một ca bệnh có tình trạng đau vùng cổ, ho, thở mạnh phát ra tiếng kèn. Cụ thể, vào 20h30 ngày 15/6, bệnh nhi Đ.C (7 tuổi, ở xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) được đưa vào viện với tình trạng trên.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi chẩn đoán, bệnh nhi bị mắc dị vật là chiếc kèn nhựa trong đường thở. Ngay sau đó, bệnh nhi được tiến hành nội soi phế quản ống mềm gắp dị vật.
Quá trình này, các bác sĩ phát hiện kèn nhựa mắc ở đoạn 1/3 trên khí quản kích thước dài 2cm, rộng 1cm. Vì đây là dị vật kích thước lớn bít gần hết khí quản nên rất khó khăn trong quá trình gắp. Tuy nhiên với sự phối hợp nhịp nhàng giữa bác sĩ khoa Hô hấp và khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, dị vật đã được gắp ra thành công.
Sau nội soi, bệnh nhi được theo dõi sát tại khoa Gây mê hồi sức sau đó chuyển về khoa Hô hấp. Hiện tại, bệnh nhi tỉnh táo, linh hoạt, phổi thông khí tốt.
Dị vật là chiếc kèn nhựa mắc trong đường thở của bệnh nhi. Ảnh: Báo Quảng Ngãi
Theo chia sẻ của người nhà bệnh nhi, khoảng 17h ngày 15/6, trong lúc vui chơi cùng bạn, bé Đ.C có thổi kèn nhựa và vô tình hít kèn nhựa vào trong miệng. Sau đó, bé ho sặc sụa, đau họng, thở có nghe tiếng kèn. Gia đình đã vội đưa bé trai đi cấp cứu.
Bác sĩ Huỳnh Duy Thám - Trưởng khoa Nhi hô hấp khuyến cáo, phụ huynh không nên cho trẻ chơi những vật dụng, đồ chơi có kích thước nhỏ, vì trẻ có thể nuốt vào bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm đến tính mạng do mắc dị vật đường thở.
Trường hợp trẻ mắc dị vật đường thở, phụ huynh không cố gắng cho tay vào miệng trẻ để lấy dị vật ra mà cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để bác sĩ xử lý kịp thời.
Phụ huynh cũng cần trang bị kỹ năng xử trí khi trẻ mắc dị vật đề phòng trường hợp dị vật quá lớn sẽ gây bít đường thở hoàn toàn gây tử vong cho trẻ trước khi tới được bệnh viện.
Theo báo Đồng Nai, trong quá trình sinh hoạt tại nhà, cụ bà L.S. (100 tuổi, ngụ xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) bị té ngã dẫn đến chấn thương vùng đùi, háng. Gia đình sau đó tự bó thuốc cho cụ S. nhưng không khỏi.
Ngày 8/6, 1 tuần sau tai nạn, cụ S. được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để thăm khám do cụ bị đau nhiều ở vùng đùi kèm táo bón.
Bác sĩ CKII Lê Ngân - Trưởng khoa Ngoại – chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, cụ S. được chẩn đoán bị gãy cổ xương đùi. Ở những người lớn tuổi như cụ S., vết gãy sẽ không thể lành nên giải pháp tối ưu nhất là mổ thay khớp. Nếu không, cụ S. sẽ không thể đi lại được, đau đớn, nằm tại chỗ dẫn đến những biến chứng như loét, viêm phổi, phải sinh hoạt tại chỗ.
Ngày 12/6, trong vòng 30 phút, các bác sĩ đã thực hiện ca mổ thay khớp cho cụ S. 2 ngày sau mổ, cụ S. được tập đi lại.
Ngày 16/6, sức khỏe cụ S. ổn định và sẽ sớm được xuất viện. Sau khi xuất viện, cụ S. cần tập đi lại để sớm trở về cuộc sống bình thường.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân sau ca phẫu thuật. Ảnh: Báo Đồng Nai
Theo bác sĩ Lê Ngân, khó khăn nhất trong việc thực hiện ca mổ với những bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều bệnh nền (tim mạch, tiểu đường, phổi) như cụ S. là vấn đề gây mê hồi sức. Ngoài ra, xương của bệnh nhân rất loãng, việc kéo, nắn trong mổ rất dễ dẫn đến gãy xương. Do vậy, yêu cầu bác sĩ phải có trình độ chuyên môn cao, khéo léo, cẩn thận.
Bác sĩ Lê Ngân cho biết, trung bình mỗi năm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thực hiện từ 7-8 ca phẫu thuật thay khớp đùi, khớp háng cho các bệnh nhân từ 100 tuổi trở lên, cao tuổi nhất là 103 tuổi.