Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 16/6/2024: Bé gái bị ong vò vẽ đốt hơn 50 vết

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 16/6/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 16/6/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Bé gái bị ong vò vẽ đốt hơn 50 vết

Tạp chí Tri Thức dẫn thông tin từ bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho hay, bệnh nhi là bé N.T.T.Th. (11 tuổi, ngụ Cần Đước, Long An), nhập viện trong tình trạng lơ mơ, mê, tím tái, thở co kéo 46 lần/phút, mạch nhẹ chi mát, huyết áp khó đo, vàng da vàng mắt, tiểu ít màu xá xị.

Vết ong đốt rải rác khắp người bé có khoảng 52 mũi, có vài nốt đốt bị hoại tử trung tâm, sưng bầm tím xung quanh (đầu có 10 đốt, tay phải có 21 đốt, tay trái có 2 đốt , 2 chân có 19 đốt).

Kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ có biểu hiện toan hóa máu, tổn thương thận, gan, tán huyết. Bệnh nhi được chẩn đoán phản vệ độ III do ong vò vẽ đốt giờ thứ 3, suy hô hấp, tổn thương đa cơ quan.

Sau gần 2 tuần điều trị, qua 3 đợt lọc máu liên tục, tình trạng của bệnh nhi cải thiện dần. Ảnh: Tri Thức

Bác sĩ lập tức xử trí đặt nội khí quản giúp thở, chống sốc phản vệ theo phác đồ, kháng sinh, vitamin K1, hội chẩn ê kíp lọc máu, tiến hành lọc máu cho trẻ.

Kết quả sau gần 2 tuần điều trị, qua 3 đợt lọc máu liên tục, tình trạng trẻ cải thiện dần, được cai máy thở, chức năng gan thận trở về bình thường, tỉnh táo, tiểu khá.

Qua trường hợp này, bác sĩ Tiến khuyến cáo đến phụ huynh cẩn thận trong mùa hè, trẻ được nghỉ hè, được vui vẻ đi chơi, tránh leo trèo hái trái cây có thể bị tai nạn do ngã và bị ong tấn công do vô tình hay cố ý chọc phá tổ ong.

Phụ huynh nên kiểm soát phát quang những tổ ong xung quanh nhà và trong vườn. Khi đi cấm trại trong rừng hay vườn cây cần lưu ý tránh mặc những quần áo sặc sỡ hay thoa nhiều dầu thơm dễ thu đàn ong đến tấn công.

Hà Nội ghi nhận ca viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm 2024

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội vừa ghi nhận 1 ca mắc viêm não Nhật Bản; bệnh nhân là bé trai 12 tuổi, ở huyện Phúc Thọ. Đây cũng là ca bệnh đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản trên địa bàn Hà Nội trong năm 2024.

Bệnh nhi khởi phát với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, sau đó xuất hiện thêm biểu hiện bị cứng gáy, đi lại loạng choạng và được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Kết quả xét nghiệm dịch não tủy của bệnh nhi cho thấy bệnh nhi dương tính với virus viêm não Nhật Bản. Trước đó, bệnh nhi này đã được tiêm 4 mũi vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản.

Để phòng viêm não Nhật Bản, trẻ cần được tiêm mũi 1 khi được 12 tháng tuổi; mũi hai sau mũi một 1-2 tuần; mũi ba cách mũi hai một năm. Ảnh minh họa

Báo Tin Tức dẫn thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, viêm não, màng não do virus, vi khuẩn không có dấu hiệu điển hình mà biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, tùy từng độ tuổi.

Thường bệnh nhân có những triệu chứng giống với các bệnh viêm đường hô hấp khác như: Sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn vọt hay có những trẻ cũng không biểu hiện những triệu chứng đó.

Vì thế, khi trẻ có bất cứ triệu chứng nào giống như cảm cúm, sốt, sổ mũi, đặc biệt là kêu đau đầu và nôn, sốt cao mà việc dùng thuốc hạ sốt không mang nhiều hiệu quả giảm sốt, giảm đau; triệu chứng buồn nôn, nôn không liên quan đến bữa ăn, cha mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện để được theo dõi, chẩn đoán và điều trị sớm, giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm cho bé.

Khi thăm khám, các bác sĩ cần theo dõi bệnh nhi xem trẻ có bị cứng cổ, cứng gáy, cứng cơ toàn thân không… để quyết định chọc dịch não tủy chẩn đoán xác định.

Với thể viêm não, viêm màng não do vi khuẩn, chỉ sau một đến hai ngày bị viêm não, bệnh đã có thể chuyển sang giai đoạn nặng hơn khiến não bị tổn thương, nguy cơ tử vong rất cao. Nếu cứu được cũng sẽ để lại những di chứng nặng nề về thần kinh. Nếu được phát hiện sớm, não chưa bị tổn thương, tỷ lệ điều trị thành công sẽ cao hơn, ít di chứng thần kinh hơn.

Tăm dài khoảng 6cm xuyên thủng đại tràng bệnh nhân 17 tuổi

VTV Times đưa tin, nam bệnh nhân 17 tuổi, nhập viện vì đau bụng hạ vị hai ngày, khai thác tiền sử bệnh nhân không nhớ đã ăn hay nuốt dị vật nào. Qua thăm khám lâm sàng và chụp cắt lớp vi tính ổ bụng, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị viêm phúc mạc do thủng đại tràng do dị vật (nghi do tăm).

Bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu bằng phẫu thuật mở bụng. Trong quá trình mổ các bác sĩ đã lấy 1 cây tăm dài khoảng 6cm, đầu nhọn, xuyên thủng đại tràng Sigma. Bệnh nhân sau mổ điều trị hậu phẫu ổn định, xuất viện sau 7 ngày điều trị.

Dị vật là 1 cây tăm dài khoảng 6cm, đầu nhọn. Ảnh: VTV Times

TS.BS Đỗ Mạnh Toàn - Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình,  người thực hiện ca mổ chia sẻ: “Thủng ống tiêu hóa do dị vật là một bệnh cảnh ít gặp, tuy nhiên hàng năm tại khoa ngoại cũng gặp một số ca thủng đại tràng mà nguyên nhân hay gặp nhất là do tăm, do xương cá”.

Qua ca bệnh trên, TS.BS Đỗ Mạnh Toàn khuyến cáo, không nên ngậm tăm sau khi ăn uống vì sau khi ăn thấy buồn ngủ và người bệnh vô tình nuốt tăm vào trong bụng mà không biết.

Trường hợp người bệnh nuốt dị vật mà phát hiện sớm khi dị vật chưa xuống ruột non cần đến ngay cơ sở y tế để được xử trí bằng việc gắp dị vật qua nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng, tránh để dị vật rơi xuống ruột non, đại tràng gây thủng ruột.

Tin nổi bật