Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 18/6/2024: Ngã từ độ cao hơn 3m, cụ ông gãy 7 xương sườn

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 18/6/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 18/6/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Ngã từ độ cao hơn 3m, cụ ông gãy 7 xương sườn

VTV Times đưa tin, cụ ông  N.V.V. (76 tuổi, trú tại Quảng Ninh) bị ngã từ trên mái bếp với độ cao hơn 3m xuống nền cứng. Sau ngã, bệnh nhân tỉnh, đau chảy máu đầu, đau vùng ngực phải, không khó thở, chưa xử trí gì, ngay lập tức được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) cấp cứu.

Ghi nhận lúc vào viện, bệnh nhân có vết thương vùng chẩm, ngực phải di động kém, đau ngang mức xương sườn từ 4 đến 10 phải. Bệnh nhân được xử trí khâu vết thương, tiêm uốn ván, cố định ngực bằng đai xương sườn.

Chụp cắt lớp vi tính, siêu âm ổ bụng, chụp X-quang cho thấy: hình ảnh gãy cung sau xương sườn 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 phải, tổn thương xương sọ. Sau hội chẩn, bệnh nhân được chẩn đoán chấn thương đầu, ngực, bụng - vết thương đầu, gãy kín cung sau xương sườn 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 phải, theo dõi chấn thương sọ não.

Bệnh nhân được điều trị thuốc giảm đau, kháng sinh và theo dõi tại khoa Ngoại. Sau 1 ngày điều trị tại khoa, bệnh nhân còn đau ngực phải, ăn uống được, bệnh nhân ổn định.

Bác sĩ kiểm tra tình trạng của người bệnh sau điều trị. Ảnh: VTV Times

Bác sĩ Nguyễn Minh Chắc ở khoa Ngoại cho biết, gãy xương trong chấn thương ngực rất phổ biến, nhất là sau tai nạn giao thông, ngã, tai nạn sinh hoạt hay lao động. Tỷ lệ gãy xương sườn khoảng 10% trong số các ca chấn thương ngực.

Bên cạnh gãy xương sườn, chấn thương ngực còn gây tổn thương xương đòn hoặc xương bả vai, phần trên của bụng, phổi, mạch máu, tim, cơ, mô mềm và xương ức.

Nhiều chấn thương ở ngực có thể gây tử vong ngay hoặc sau vài giờ, phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng đến các cơ quan trọng như tim, phổi, mạch máu lớn.

Để giảm rủi ro tử vong, giảm di chứng, bệnh nhân khi gặp chấn thương vùng ngực cần theo dõi sát dấu hiệu bất thường. Sau khi chấn thương ngực, người bệnh cảm thấy cơn đau tăng dần hoặc khó thở dữ dội cần đến bệnh viện ngay.

Trường hợp chấn thương nhẹ thường biểu hiện triệu chứng đau khi cử động vai, cánh tay hoặc cơ thể, cơn đau tăng lên khi hít thở sâu, ho hoặc hắt hơi. Lúc này, bác sĩ cho thuốc uống, có thể điều trị tại nhà. Người bệnh cần đến viện khi mức độ đau không giảm sau vài ngày hoặc xuất hiện những triệu chứng bất thường khác. 

Mổ cấp cứu cho sản phụ bị suy thai ở tuần 39

Theo tạp chí Tri Thức, các bác sĩ khoa Sản Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương, Hà Nội cho biết đã phát hiện và mổ cấp cứu thành công cho sản phụ T.T.H. (24 tuổi, ở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) bị suy thai ở tuần thứ 39 do thai bị dây rau quấn cổ 3 vòng.

Trước đó, chị H. (mang thai lần đầu) đến cơ sở y tế này khám định kỳ. Trong quá trình thăm khám và siêu âm, bác sĩ phát hiện sản phụ có dấu hiệu suy thai khẩn cấp với tần số tim thai dao động thấp.

Trước tình hình đe dọa sinh tồn của thai nhi, các bác sĩ đã hội chẩn và thống nhất đưa ra phương án phẫu thuật khẩn cấp để cứu em bé. Nhờ sự phối hợp giữa ekip sản khoa và gây mê hồi sức, ca phẫu thuật cấp cứu thành công. Bé trai chào đời cân nặng 2,9 kg, sức khoẻ ổn định.

Theo bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng khoa Sản, suy thai hay thai yếu là bệnh lý do thai thiếu oxy trong máu hoặc thiếu oxy trong tổ chức khi đang sống trong tử cung. Biểu hiện thay đổi ở nhịp tim thai (được phát hiện bằng máy theo dõi tim thai) như nhịp nhanh, nhịp chậm, nhịp giảm muộn hoặc các dấu hiệu bất thường khác.

"Suy thai không chỉ nguy hiểm đến tính mạng thai nhi mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của thai phụ", bác sĩ Hà nhấn mạnh.

Dây rốn ở gần vùng cổ thai nhi, hay dây rốn quấn cổ, là tình trạng tạm thời trong thai kỳ, thường được phát hiện trên siêu âm. Nguy cơ chỉ xảy ra khi dây rốn siết chặt cổ thai nhi hoặc bị thắt nút khiến thiếu máu đến thai.

Để chăm sóc và bảo vệ thai kỳ khỏe mạnh, bác sĩ khuyến cáo mẹ bầu cần tuân thủ lịch khám thai định kỳ. Khi có các triệu chứng bất thường như thai nhi không/ít cử động, âm đạo chảy máu, cơn gò tử cung liên tục... thai phụ cần đi khám ngay để được các bác sĩ tư vấn, xử trí kịp thời.

Nhập viện vì nuốt phải răng giả khi uống thuốc

Theo tờ Công An TP.HCM, chiều 17/6, bác sĩ Nguyễn Thanh Tiên – Trưởng khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết, vừa phẫu thuật cứu kịp thời một trường hợp hóc dị vật thực quản.

Trước đó, tối 16/6, ông H.C. (52 tuổi, ngụ thôn Phước An, xã Bình Hải, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nuốt đau, nuốt vướng, đau ngực, khó thở và không ăn uống được.

Người nhà cho biết, trong lúc uống thuốc, ông C. không may nuốt phải răng giả. Qua thăm khám và chụp cắt lớp vi tính 32 lát, bác sĩ nhận định có dị vật đoạn D1-D2 dài 3cm.

Bệnh nhân nhanh chóng được đưa vào khoa Gây mê hồi sức và tiến hành hành phẫu thuật nội soi ống cứng. Tại đây, các bác sĩ đã lấy thành công dị vật là một cung răng giả sắc nhọn.

Các bác sĩ đã lấy thành công dị vật là một cung răng giả sắc nhọn. Ảnh: Công An TP.HCM

Bác sĩ Tiên chia sẻ, ca nội soi diễn ra khoảng 40 phút, dị vật được lấy ra là hàm răng giả có kích thước 2x3cm. Do cấu tạo của hàm răng giả có nhiều mấu nên bám chặt vào thực quản, khiến quá trình nội soi gặp nhiều khó khăn so với các dị vật thông thường khác.

“Người dân nên thận trọng khi ăn uống để tránh trường hợp hóc dị vật gây ảnh hưởng đến tiêu hoá và có thể đe doạ đến tính mạng. Nếu không may nuốt các dị vật cần đến ngay cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời, không nên áp dụng các mẹo dân gian như: uống nước, nuốt cơm hoặc cố móc họng để dị vật trôi xuống dưới sẽ gây ra khó khăn hơn trong việc điều trị…”, bác sĩ Tiên khuyến cáo.

Tin nổi bật