Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 25/6/2024: Thanh niên 17 tuổi nhập viện sau khi ăn phở

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 25/6/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 25/6/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Thanh niên 17 tuổi nhập viện sau khi ăn phở

Tạp chí Tri Thức dẫn thông tin từ các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho hay, bệnh nhân N.T.K. (17 tuổi) được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu sau khi đi ngoài phân lỏng 9 lần/ ngày trong suốt 2 ngày, kèm sốt, mệt mỏi... Những triệu chứng trên xuất hiện sau 6 giờ khi nam thanh niên đi ăn phở ở bên ngoài về.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm khuẩn tiêu hoá. Sau 3 ngày điều trị bằng truyền dịch, kháng sinh, giảm tiết, bảo vệ niêm mạc tiêu hoá, bệnh nhân K. đã ổn định và được ra viện.

Bác sĩ thăm khám cho người bệnh trước khi ra viện. Ảnh: Tri Thức

Theo bác sĩ nội trú Trần Văn Sơn ở khoa Nội hô hấp - Tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, vào mùa hè, bệnh viện thường tiếp nhận các trường hợp mắc bệnh lý tiêu hóa như tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm…

"Do thời tiết nóng ẩm, việc bảo quản chưa tốt khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu. Khi người bệnh ăn các loại thực phẩm này, vi khuẩn sẽ tấn công hệ tiêu hóa, gây rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn đường ruột, nặng hơn là ngộ độc", bác sĩ Sơn lý giải nguyên nhân.

Triệu chứng phổ biến của người bệnh mắc các bệnh lý về tiêu hóa gồm: đau bụng, đi tiêu lỏng, sốt, nôn, mệt mỏi… Một số người bệnh cùng lúc mắc thêm viêm họng, ho... Sau khoảng 2 ngày nhiễm virus, vi khuẩn, người bệnh có thể có các biểu hiện nôn, buồn nôn, sốt, tiêu chảy nhiều lần, kéo dài trong 3-10 ngày.

Nếu không được khám, điều trị kịp thời, người bệnh có thể mất nước, mất điện giải, thậm chí nguy hiểm tính mạng nếu ngộ độc hoặc nhiễm trùng nặng.

Cấp cứu người phụ nữ bị vỡ túi phình mạch não

Theo báo Tin Tức, bà  L.T.B (63 tuổi, ngụ TP.HCM) được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng đau đầu dữ dội, lơ mơ, yếu nửa người bên phải. 

ThS.BS. Phạm Định Chương ở khoa Nội thần kinh Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, kết quả kiểm chụp CT scan sọ não cho thấy, bệnh nhân B. bị vỡ túi phình mạch não. Đây là trường hợp đột quỵ não rất nặng và nguy hiểm, người bệnh có nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.

"Trước tình trạng của bệnh nhân, chúng tôi nhanh chóng tiến hành can thiệp nội mạch cấp cứu để tắc túi phình mạch máu não ngăn chặn không cho máu chảy ra trong não của người bệnh.

Người bệnh được thực hiện thủ thuật loại bỏ túi phình mạch não bằng hệ thống máy DSA 2 bình diện mới và hiện đại nhất hiện nay. Sau một tiếng can thiệp, túi phình đã được tắc hoàn toàn”, bác sĩ Chương cho biết thêm.

Sau gần 2 tuần điều trị, người phụ nữ đã có thể tự đi lại nhẹ nhàng, hết triệu chứng đau đầu. Ảnh: Báo Tin Tức

Theo bác sĩ, phình mạch máu não là hiện tượng thành mạch máu giãn khu trú tạo thành hình túi hoặc hình thoi. Dưới tác dụng của áp lực lên thành mạch máu, túi phình có thể gia tăng kích thước theo thời gian, gây chèn ép các tổ chức quan trọng xung quanh túi phình.

Biến chứng nguy hiểm nhất của túi phình mạch máu não là túi phình có thể vỡ và gây ra xuất huyết dưới nhện với tỷ lệ tử vong cao, từ 25 - 50%, có thể lên đến trên 80% nếu túi phình tái vỡ lần hai.

Sau can thiệp, bà B. tiếp tục được điều trị hồi sức thần kinh tích cực và vật lý trị liệu thường xuyên. Sau gần 2 tuần điều trị, người bệnh đã có thể tự đi lại nhẹ nhàng, hết triệu chứng đau đầu. Kết quả chụp CT Scan kiểm tra sau đó cho thấy máu trong khoang dưới nhện đã được hấp thu gần hoàn toàn.

Bị tổn thương đa cơ quan sau khi dùng kem chống nám mua trên mạng

Báo An Ninh Thủ Đô đưa tin ngày 24/6, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thông tin về nhiều trường hợp ngộ độc thủy ngân nguy hiểm vì dùng kem chống nám bán trôi nổi trên mạng.

Ca bệnh nặng nhất là chị L.T.D. (31 tuổi, ở Sơn La) được đưa đến Trung tâm chống độc ngày 8/6 trong tình trạng hôn mê sâu, tổn thương đa cơ quan (não, thận, gan, tim), phải thở máy.

Khoảng 5 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân thấy mệt dần, cảm giác gai rét, khát nước, đau đầu, sau đó lơ mơ dần và hôn mê. Bệnh nhân được người nhà đưa đến cấp cứu tại bệnh viện tỉnh, sau đó chuyển Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Lúc đầu khi mới tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ nghĩ đến tình trạng nhiễm trùng nhưng kết quả các xét nghiệm, kiểm tra phát hiện hàm lượng thủy ngân trong nước tiểu của bệnh nhân tăng cao 29mcg/L (bình thường dưới 20 mcg/L), thiếc niệu 65,13 mcg/L (bình thường dưới 4mcg/L).

Sau đó, tiếp tục xét nghiệm mẫu "kem tẩy nám" của người nhà bệnh nhân gửi đến cho thấy, sản phẩm chứa hàm lượng thủy ngân vượt ngưỡng quy định gần 4.000 lần cho phép.

Loại kem tẩy nám chứa thủy ngân mà người bệnh sử dụng trước khi nhập viện. Ảnh: An Ninh Thủ Đô

Sau 3 tuần điều trị tại Trung tâm chống độc, bệnh nhân đã thoát khỏi tình trạng nguy hiểm nhưng cần ít nhất 3 - 4 tháng nữa tiếp tục điều trị thải độc thủy ngân.

Theo lời kể từ bệnh nhân, chị đã mua trên mạng một loại kem dưỡng với giá chỉ 50.000 đồng/ một hộp với công dụng chống nám. Sau khi dùng hết 1 hộp, các nốt nám của chị mờ đi nên chị tiếp tục dùng, bôi đều đặn mỗi tối. Dùng đến hộp thứ 5, chị thấy cơ thể uể oải, mệt mỏi hơn. Ngày 8/6, khi đang ngồi, chị bỗng dưng lăn ra ngất xỉu, hôn mê...

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, không riêng ca bệnh trên mà từ đầu tháng 6/2024 đến nay, trung tâm tiếp nhận 4 trường hợp khác đều là phụ nữ, cũng nhiễm độc thủy ngân khi dùng kem chống nám, kem làm trắng trôi nổi trên mạng. Các kết quả xét nghiệm loại kem bệnh nhân dùng đều cho thấy hàm lượng thủy ngân vượt ngưỡng cho phép nhiều nghìn lần.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, trước khi sử dụng sản phẩm mỹ phẩm nào đó cần phải tìm hiểu kỹ, chỉ nên sử dụng những sản phẩm được sản xuất và phân phối từ những công ty uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Tin nổi bật