VTC News đưa tin, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận một người tên P.Đ.A (20 tuổi, ở Vĩnh Phúc) vào viện trong tình trạng đau bụng, sốt. Cách đây một tuần, người này ăn lẩu, sau đó đau bụng âm ỉ.
Tại bệnh viện, các bác sĩ thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết để đánh giá tổn thương, phát hiện 2 dị vật trong lòng ruột, chọc thủng thành ruột gây tình trạng nhiễm trùng trong ổ bụng.
ThS.BS Tào Minh Châu - khoa Phẫu thuật Cấp cứu tiêu hóa Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh nhân được mổ cấp cứu ngay trong đêm để lấy dị vật và xử lý tổn thương ruột. Các dị vật lấy ra hình dạng giống chiếc tăm nghi ngờ lẫn trong rau ăn lẩu.
ThS.BS Tào Minh Châu thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh: VTC News
Đây là trường hợp hi hữu, hiếm gặp nhưng có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh. Do vậy, người dân nên cẩn trọng trong ăn uống, nếu nuốt phải vật lạ nên đến các cơ sở tế uy tín trong thời gian sớm nhất để được khám chữa bệnh kịp thời.
Thời gian gần đây, nhiều người nhập viện do nuốt phải dị vật gây tổn thương ruột. Để tránh không nuốt các dị vật khi ăn uống mọi người cần lưu ý, khi ăn cá thì nên ăn cá đã lóc xương, ví dụ như là philê. Khi ăn trái cây có hạt nên bổ ngang chứ không bổ dọc vì khi bổ dọc hạt sẽ nằm song song với múi trái cây khó phát hiện ra hơn là bổ ngang.
Ngoài ra, nhiều người có thói quen xỉa răng bằng tăm thì nên chọn loại tăm bằng tinh bột, nếu có lỡ nuốt phải thì cũng sẽ tan ra trong cơ thể. Nếu trong nhà có người cao tuổi, trẻ nhỏ thì ngoài việc lựa chọn thực phẩm kỹ, cần lưu ý không nên cắt nhỏ vỉ thuốc để tránh việc không để ý mà nuốt cả vỏ thuốc.
Ngày 8/7, báo Người Lao Động dẫn thông tin từ ông Chu Trọng Trang - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An, cho biết trung tâm đã có báo cáo gửi Sở Y tế Nghệ An về kết quả điều tra, xử lý công tác phòng chống dịch bạch hầu sau trường hợp bệnh nhân ở bản Phà Khảo (xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) tử vong.
Theo báo cáo, 16h ngày 4/7, CDC Nghệ An nhận được thông tin từ Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An về một ca nghi bạch hầu. Trung tâm đã cử đoàn giám sát tiến hành điều tra và lấy mẫu xét nghiệm.
Cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm những người từng tiếp xúc với bệnh nhân tử vong. Ảnh: Người Lao Động
Nữ bệnh nhân là P.T.C. (18 tuổi, ngụ xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn). Bệnh nhân là học sinh của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn, vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2024.
Khai thác thông tin dịch tễ được biết ngày 26/6, bệnh nhânC. có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khàn tiếng. Bệnh nhân tự mua thuốc điều trị và vẫn tham gia dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2024 tại Trường THPT huyện Kỳ Sơn vào ngày 27/6 đến 28/6.
Sau khi thi xong, người bệnh về nhà nhưng bệnh không đỡ nên ngày 1/7 đã đến Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn khám và nhập viện điều trị. Đến ngày 4/7, bệnh không thuyên giảm nên bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục điều trị.
Bệnh nhân C. nhập viện với chẩn đoán bị sốc nhiễm khuẩn/bạch hầu, biến chứng viêm cơ tim, suy đa tạng, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu. Sau đó, bệnh nhân được gia đình xin về và tử vong vào lúc 4h ngày 5/7.
"Qua rà soát đã xác định được 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân C. từ lúc khởi phát đến lúc tử vong", ông Chu Trọng Trang cho hay.
Được biết, trong các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân C. ở ký túc xá có 2 người di chuyển từ huyện Kỳ Sơn ra tạm trú tại tỉnh Bắc Giang, trong đó chị M.T.B. đã được xét nghiệm cho kết quả dương tính với bạch hầu.
Theo thông tin trên báo Hải Dương, Bệnh viện Phụ sản Hải Dương vừa cứu sống 2 mẹ con sản phụ Phạm Thị L. (35 tuổi, quê Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) khi đang trong tình trạng nguy kịch.
Cụ thể, ngày 8/7, TS.BS CKII Nguyễn Xuân Huy - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Dương cho biết sau 2 ngày cấp cứu và điều trị tích cực tại Bệnh viện Phụ sản Hải Dương và Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), sức khỏe của sản phụ Phạm Thị L. đã cơ bản ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt và ăn được ít cháo. Tình trạng sức khỏe sơ sinh của cháu bé (con của chị L) cũng tiến triển tốt.
Trước đó, chiều 5/7, chị L. vào Bệnh viện Phụ sản Hải Dương khi đang mang thai lần 2, được 39 tuần và chuyển dạ đẻ. Sản phụ có tiền sử khỏe mạnh, lần mang thai thứ nhất đẻ thường và lần này cũng được bác sĩ chỉ định theo dõi chờ đẻ.
Khoảng 5h ngày 6/7, đúng vào giai đoạn sắp sinh, chị L. bỗng lên cơn co giật, người vật vã, tím tái, huyết áp tụt, độ bão hòa của ô xy trong máu giảm. Các bác sĩ xác định chị L. bị thuyên tắc mạch ối, nguy cơ tử vong cao cho mẹ và con.
Sự nhanh nhạy, chính xác trong chuyên môn của lãnh đạo, nhân viên y tế Bệnh viện Phụ sản Hải Dương đã giúp mẹ con sản phụ L. thoát khỏi “cửa tử”. Ảnh: Báo Hải Dương
Trước tình huống cấp bách trên, chị L. ngay lập tức được hội chẩn, chỉ định thở oxy, hồi sức và chuyển thẳng lên phòng mổ. Tại đây, chị được đặt nội khí quản, thở máy, hồi sức tích cực để nâng huyết áp, duy trì hỗ trợ hô hấp, tim mạch.
Song song với hồi sức tích cực, TS.BS Nguyễn Xuân Huy trực tiếp chỉ đạo ekip phẫu thuật nhanh chóng mổ lấy thai, đồng thời duy trì các biện pháp hồi sức tích cực cho sản phụ.
Con trai chị L. chào đời nặng 3.400 gram song nhịp tim, nhịp thở yếu nên được hồi sức sơ sinh tích cực, tình trạng khá dần lên. Cháu bé sau đó đã chuyển sang Bệnh viện Nhi Hải Dương theo dõi, chăm sóc và điều trị tiếp.
Tuy nhiên, trong quá trình mổ lấy thai xuất hiện tình huống tử cung của chị L. bị đờ, không co được do diễn biến của bệnh. Các bác sĩ buộc phải cắt bỏ tử cung để cầm máu; đồng thời, truyền 10 đơn vị máu và huyết tương từ nguồn dự trữ của bệnh viện và của một số nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân hiến để cấp cứu sản phụ này.
Sau mổ, chị L. được tiếp tục hồi sức tích cực, theo dõi sát sao, dùng các thuốc vận mạch để duy trì huyết áp, độ bão hòa ô xy trong máu, các chỉ số sinh tồn, tuần hoàn và hô hấp.
Khoảng 2 tiếng sau, độ bão hòa oxy trong máu của sản phụ tăng lên 96-98%, nhịp tim, huyết áp dần ổn định. Bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, song để đề phòng những diễn biến phức tạp, nguy cơ rối loạn đông máu kéo dài có thể xảy ra, ngay trong ngày, Bệnh viện Phụ sản Hải Dương đã chuyển chị L. lên Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục điều trị, chăm sóc. Con trai chị cũng được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị.
Sự nhanh nhạy, chính xác trong chuyên môn của lãnh đạo, nhân viên y tế Bệnh viện Phụ sản Hải Dương đã giúp mẹ con chị L. thoát khỏi “cửa tử”, được gia đình cảm phục, yêu mến.