Báo Hà Tĩnh đưa tin, Trung tâm Y tế TP.Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) vừa tiến hành gắp nội soi thành công chiếc đinh sắt dài 3cm ra khỏi dạ dày của một bệnh nhân làm nghề cơ khí.
Cụ thể, bệnh nhân L.V.S (trú xã Thạch Bình, TP.Hà Tĩnh) vừa đến khám tại Trung tâm Y tế TP. Hà Tĩnh trong tình trạng đau vùng giữa bụng, xung quanh rốn. Qua nội soi, các bác sĩ phát hiện dạ dày xung huyết có nhiều trợt nông, trợt đỏ tập trung nhiều ở hang vị, có dị vật kim loại găm vào thành dạ dày.
Trước tình trạng đó, các bác sĩ tiến hành gắp dị vật qua nội soi. Dị vật được xác định là đinh sắt dài 3cm. Bệnh nhân sau được gắp dị vật sức khỏe đã ổn định, tỉnh táo, có đau nhẹ. Sau 3 ngày, bệnh nhân có thể xuất viện.
Các bác sĩ tiến hành gắp dị vật qua nội soi. Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Được biết, bệnh nhân L.V.S là thợ cơ khí, trong quá trình làm việc đã bị đinh sắt văng vào và nuốt xuống dạ dày. Tuy nhiên, bệnh nhân không hề biết việc bản thân đã nuốt đinh sắt. Cách đây gần 1 tuần, bệnh nhân có dấu hiệu đau nhẹ ở dạ dày, sau vài ngày cơn đau tăng dần, lan lên ngực và hai vai.
Bác sĩ Trung tâm Y tế TP. Hà Tĩnh khuyến cáo, người dân khi làm các công việc như hàn, xì... tiếp xúc với kim loại nhỏ nên dùng bảo hộ lao động cẩn thận, cần có kính, khẩu trang đầy đủ, tránh trường hợp dị vật len lỏi vào họng, dạ dày gây hậu quả đáng tiếc.
Trong trường hợp xuất hiện những cơn đau bất thường, cần khẩn trương đến các cơ sở y tế để được phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo VietNamNet, trong tuần qua, các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp nhận một số trường hợp bị chó cắn với nhiều vết thương phức tạp.
Điển hình là trường hợp ông T.Q.P (55 tuổi, trú tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) vào viện cấp cứu sau khi bị chó cắn. Bệnh nhân có hai vết thương nặng ở chân trái, mép vết thương bầm dập, tổn thương gân cơ. Các bác sĩ đã khẩn trương tiến hành sát trùng, sơ cứu và khâu vết thương, đồng thời tiêm phòng cho bệnh nhân.
Trường hợp khác là bệnh nhân H.C.G. (73 tuổi, trú tại huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc), vào viện cấp cứu với 8 vết thương dưới đùi phải, vết dài nhất khoảng 3cm, bầm dập, tổn thương gân cơ, chảy nhiều máu qua vết thương.
Hai bệnh nhân nói trên đều bị chó nhà cắn gây tổn thương nặng. Theo bác sĩ CKI Dương Ngọc Hưng - Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, chó cắn không chỉ gây thương tích trên cơ thể còn ảnh hưởng tới tinh thần người bệnh.
Chó cắn là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh dại. Khi khởi phát bệnh, tỷ lệ sống sót ở động vật và người gần như bằng không.
Khi bị chó, mèo, vật nuôi cắn, người bệnh vẫn khỏe mạnh, không có triệu chứng. Virus dại ủ bệnh trong cơ thể khoảng 1 - 3 tháng. Sau đó, người bệnh bắt đầu bị sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi, uể oải, cảm giác sợ hãi, vị trí cắn tê đau.
Virus di chuyển lên hệ thống thần kinh trung ương và phá hủy hoàn toàn các tế bào thần kinh. Hiện nay chưa có biện pháp điều trị cho người mắc bệnh dại khi đã lên cơn, tỷ lệ tử vong là 100%.
Theo thông tin trên báo Sức Khỏe & Đời Sống, khoa Khám bệnh Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi tiếp nhận bệnh nhi P.M.Đ (2 tuổi, ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) vào thăm khám trong tình trạng ngạt mũi, chảy nước mũi, khó thở, quấy khóc nhiều.
Gia đình kể, bệnh nhi đau, khó chịu, quấy khóc 2 ngày qua nhưng gia đình chỉ nghĩ đơn giản là con bị đau mũi họng nên đưa vào bệnh viện để thăm khám.
Dị vật được các bác sĩ nội soi gắp ra từ mũi bệnh nhi. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Qua khám nội soi, bác sĩ phát hiện mũi phải bệnh nhi có dị vật hình trụ tròn, nghi ngờ là viên pin điện tử đồng hồ đeo tay. Sau đó, các bác sĩ đã tiến hành nội soi lấy dị vật nghi viên pin điện tử ra khỏi mũi của bệnh nhi, đồng thời xử lý sạch mô hoại tử, bơm rửa mũi.
Bác sĩ Trần Thị Kim Tuyến - Liên chuyên khoa Răng Hàm Mặt - Mắt - Tai Mũi Họng, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi, khuyến cáo phụ huynh tránh cho trẻ tiếp xúc với các vật nhỏ, nhọn như tăm xỉa răng, pin và các đồ chơi có thể tháo rời...
Trong trường hợp nghi ngờ trẻ có dị vật trong mũi, phụ huynh nên đưa đến bệnh viện chuyên khoa để được xử trí kịp thời.