Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 6/2: Bộ Y tế thông tin về đợt dịch cúm mùa bùng phát ở Nhật Bản

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Bộ Y tế thông tin về đợt dịch cúm mùa bùng phát ở Nhật Bản; Bị cúm A, người đàn ông sốc nhiễm khuẩn, phải thở máy… là những tin tức đời sống đáng chú ý ngày 6/2.

Bộ Y tế thông tin về đợt dịch cúm mùa bùng phát ở Nhật Bản

Theo VietnamPlus, chiều 5/2, Bộ Y thông tin về đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản cũng như tại một số khu vực trên thế giới và khẳng định tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới để chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các biện pháp phù hợp, kịp thời.

Cụ thể, theo dữ liệu công bố (ngày 31/1/2025) của Viện Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản, từ ngày 2/9/2024 đến ngày 26/1/2025, tại Nhật Bản ghi nhận khoảng 9,5 triệu trường hợp mắc cúm mùa; trong đó, tuần cuối cùng của năm 2024 (từ 23/12-29/12/2024) đã ghi nhận hơn 317.000 trường hợp.

Tokyo, Hokkaido, Osaka và Fukuoka là các khu vực có đông dân cư và có nhiều điểm du lịch, tập trung đông người là các địa bàn bị ảnh hưởng nhất của đợt bùng phát dịch cúm mùa hiện tại. Đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản hiện nay, chủ yếu do cúm A gây ra nhưng vẫn còn nguy cơ bùng phát dịch do cúm B.

Đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản hiện nay, chủ yếu do cúm A gây ra nhưng vẫn còn nguy cơ bùng phát dịch do cúm B. Ảnh minh họa

Trước đó, theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới, ngày 7/1/2025, tại nhiều quốc gia ở Bắc bán cầu, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính có xu hướng gia tăng theo mùa vào thời điểm cuối năm do các tác nhân gây bệnh hô hấp như virus cúm mùa, RSV và các virus phổ biến khác như hMPV, mycoplasma pneumoniae.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ mắc các hội chứng cúm (ILI) hoặc nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính (ARI) ở một số quốc gia ở Bắc bán cầu đã tăng lên trong những tuần cuối năm 2024 và vượt qua mức cơ sở theo mùa thông thường.

Ngoài ra, theo kết quả giám sát cúm trên thế giới, bệnh cúm mùa cũng gia tăng ở nhiều quốc gia ở châu Âu (xuất hiện tất cả các phân nhóm của virus cúm), Bắc Mỹ (chủ yếu là cúm A), Trung Mỹ và Caribbean (chủ yếu là cúm A/H3N2), Tây Phi (chủ yếu là cúm B), Bắc Phi (chủ yếu là cúm A/H3N2), Đông Phi (chủ yếu là cúm B) và nhiều quốc gia ở châu Á (chủ yếu là cúm A(H1N1) pdm09), phù hợp với xu hướng điển hình cho thời điểm cuối năm.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp phù hợp, kịp thời và cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng nhưng không chủ quan, lơ là trước các diễn biến của tình hình dịch bệnh, nhất là trong thời điểm hiện tại với thời tiết thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan.

Bị cúm A, người đàn ông sốc nhiễm khuẩn, phải thở máy

Thời báo VTV đưa tin, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 8 bệnh nhân mắc cúm, một trong số đó đang phải đặt ECMO.

Bệnh nhân thứ nhất là L.V.T. (nam, 58 tuổi, trú tại Sơn Dương, Tuyên Quang), có tiền sử tăng huyết áp nhẹ nhưng không duy trì việc dùng thuốc đều đặn. Ngoài ra, bệnh nhân đã từng hút thuốc lá và thuốc lào suốt 30 năm, tuy nhiên, đã bỏ thuốc cách đây 10 năm.

Khoảng ba tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các triệu chứng ho, sốt và khó thở. Bệnh nhân tự điều trị tại nhà trong suốt một tuần tình trạng không cải thiện. Bệnh nhân nhập viện tại cơ sở y tế và được xét nghiệm cúm A với kết quả dương tính.

Mặc dù đã được điều trị tích cực nhưng tình trạng khó thở của bệnh nhân ngày càng trầm trọng, dẫn đến suy hô hấp nặng và phải tiến hành đặt ống nội khí quản. Sau bốn ngày điều trị, bệnh nhân hết sốt. Tuy nhiên ba ngày gần đây, sốt cao đã tái phát lên tới 39 độ C. Xét nghiệm dịch phế quản phát hiện vi khuẩn, khiến tình trạng bệnh diễn tiến nhanh chóng và tiến tới sốc nhiễm trùng.

Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương với tình trạng sốc nhiễm khuẩn, phải thở máy. Phổi bệnh nhân tổn thương lan tỏa gần như toàn bộ hai bên, dẫn đến tình trạng suy hô hấp nặng và ứ đọng CO2 nghiêm trọng. Chụp phim phổi cho thấy tổn thương lan rộng khoảng 80-90%, gần như mất hoàn toàn chức năng thông khí, chỉ số CO2 trong máu tăng rất cao.

Tình trạng suy hô hấp không cải thiện, bệnh nhân được chỉ định đặt ECMO (hệ thống oxy hóa qua màng ngoài cơ thể). Sau khi đặt ECMO, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân tạm thời ổn định nhưng tình trạng sốc và nhiễm trùng nặng vẫn cần theo dõi chặt chẽ.

Một bệnh nhân diễn tiến nặng sau mắc cúm A đang điều trị ở Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Đại Biểu Nhân Dân

Bệnh nhân thứ 2 là V.V.U. (nam, 62 tuổi, trú tại Đông Triều, Quảng Ninh) có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) trong 7 năm qua, tuy nhiên việc kiểm soát bệnh lý không được tốt. Bệnh nhân ít đi khám định kỳ, không theo dõi tình trạng bệnh thường xuyên. Trong vòng một năm qua, bệnh nhân đã phải nhập viện khoảng 5 lần do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Trước khi nhập viện khoảng 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, khó thở tăng dần. Bệnh nhân được đưa vào điều trị tại cơ sở y tế 2 ngày nhưng tình trạng suy hô hấp tiến triển nặng hơn, buộc phải đặt ống nội khí quản. Sau khi có kết quả xét nghiệm cúm A dương tính, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Tại Trung tâm Hồi sức tích cực, bệnh nhân trong tình trạng đã đặt ống nội khí quản do suy hô hấp nặng. Sau 2 tuần điều trị, tiên lượng của bệnh nhân vẫn rất nặng. Hiện tại, bệnh nhân vẫn phải duy trì đặt ống nội khí quản và ăn qua sonde dạ dày do không thể tự ăn.

ThS.BS Võ Đức Linh ở Trung tâm Hồi sức tích cực thông tin, cúm A ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến những bệnh nhân có bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính. Do virus cúm tác động trực tiếp lên phổi, những bệnh nhân đã có tổn thương phổi từ trước sẽ dễ tiến triển nặng hơn so với người khỏe mạnh. Trường hợp của bệnh nhân thứ 2 tình trạng suy hô hấp tăng rất nhanh chỉ trong 2-3 ngày, khiến bệnh nhân phải đặt ống nội khí quản trong thời gian ngắn.

Theo ThS.BS Võ Đức Linh, đối với người bệnh mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cần đi khám định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa để điều chỉnh thuốc phù hợp. Bên cạnh đó, người mắc các bệnh lý nền cần tiêm vaccine phòng cúm hàng năm. Cần tuân thủ các biện pháp bảo vệ cá nhân, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.

Trong khi đó, ThS.BS Phạm Văn Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực lưu ý, những người có bệnh nền, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm cần đặc biệt cẩn trọng khi nhiễm cúm. Bệnh cúm có thể trở nên nguy hiểm, dẫn đến tổn thương phổi lan tỏa, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đan tạng và thậm chí tử vong.

Ngoài ra, nhiều người có tâm lý chủ quan khi mắc cúm, cho rằng chỉ là bệnh nhẹ và không đi khám sớm. Tuy nhiên, đối với những người có hệ miễn dịch suy giảm, cúm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, làm tổn thương cơ thể ở mức độ nghiêm trọng.

Khi bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân mới nhập viện thì đã ở trong tình trạng suy đa cơ quan, tiên lượng điều trị sẽ rất khó khăn. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị cúm sớm là vô cùng quan trọng.

Phẫu thuật cho sản phụ bị rau cài răng lược thể trầm trọng nhất

Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, ngày 5/2, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, đã phẫu thuật thành công cho một sản phụ thai bị rau cài răng lược thể Percreta. Đây được xem là rau cài răng lược thể trầm trọng nhất, do bánh nhau xuyên qua hết lớp cơ tử cung và bám đến thành bàng quang ở phía trước.

Cụ thể, sản phụ H.T.L. (30 tuổi, ở thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An) nhập viện trong tình trạng ra máu âm đạo bất thường khi thai được 35 tuần 5 ngày. Bệnh nhân có tiền sử hai lần sinh mổ, hai lần thai lưu (6–7 tuần) và được chẩn đoán rau tiền đạo trung tâm – rau cài răng lược thể Percreta trên nền vết mổ đẻ cũ. Kết quả siêu âm cho thấy rau tiền đạo trung tâm bám lan qua lỗ trong cổ tử cung, rau cài răng lược thể Percreta nằm sát vị trí vết mổ lấy thai cũ.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ ghi nhận mặt trước tử cung có nhiều mạch máu tăng sinh, xuyên từ thành tử cung vào bàng quang, bánh rau bám chặt vào cơ tử cung. Ekip phẫu thuật đã tiến hành mổ lấy thai và bảo tồn tử cung một thì. Ca phẫu thuật diễn ra nhanh chóng, chính xác và an toàn. Bé gái chào đời khỏe mạnh, nặng 2.200 gram.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Ths Trần Xuân Cảnh – Trưởng khoa Sản bệnh Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, rau cài răng lược là bệnh lý thường gặp ở thai phụ có rau tiền đạo và từng sinh mổ. Vị trí bánh rau thường bám vào sẹo mổ cũ trên cơ tử cung.

“Ca phẫu thuật được kiểm soát chặt chẽ trong từng thao tác nhằm hạn chế mất máu, đảm bảo quyền chủ động và tránh tình huống bị động. Trong suốt quá trình mổ, sản phụ chỉ mất khoảng 500ml máu, tương đương với một ca mổ sinh thông thường.

Sự hỗ trợ vững vàng của chuyên ngành Gây mê hồi sức đóng vai trò không thể thiếu trong phẫu thuật các ca rau cài răng lược. Nhờ đó, các bác sĩ đã thực hiện thành công ca mổ lấy thai và bảo tồn tử cung cho sản phụ một cách an toàn.

Giữ được tử cung cho người mẹ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ giúp bảo toàn khả năng sinh sản mà còn tác động tích cực đến tâm lý và sức khỏe lâu dài của người phụ nữ”, bác sĩ Cảnh chia sẻ.

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh các tai biến sản khoa nguy hiểm do rau cài răng lược, sản phụ cần khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín, đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ để phát hiện sớm tình trạng rau tiền đạo, rau cài răng lược.

Nếu được chẩn đoán mắc bệnh lý này, thai phụ cần được theo dõi chặt chẽ tại các cơ sở chuyên khoa sản để can thiệp kịp thời, giảm nguy cơ biến chứng cho cả mẹ và bé.

Tin nổi bật