Tạp trí Tri Thức dẫn thông tin từ South China Morning Post cho biết, ngày 4/1, cuộc hội ngộ ấm áp giữa Peng Dingyi và gia đình ruột diễn ra tại thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) sau 30 năm xa cách.
Trước đó, vào năm 2016, khi đang lái taxi ở Quý Dương, Peng được một hành khách tiếp cận và trò chuyện như thể cả hai là những người bạn cũ. Ban đầu, anh cảm thấy bối rối nhưng rất nhanh đã nhận ra vị khách đã nhầm anh với một người khác, sau này hóa ra lại là người anh em sinh đôi thất lạc từ lâu của anh
Nhớ lại lần đầu gặp người anh song sinh, Peng kinh ngạc khi cả hai quá giống nhau. "Cảm giác như đang nhìn vào gương vậy, không cần xét nghiệm DNA. Chúng tôi giống nhau đến 90%", anh chia sẻ.
Đáng nói, cả hai không chỉ có những điểm tương đồng về ngoại hình mà thói quen cũng gần như giống hệt. Cặp anh em thậm chí còn bị bệnh vào cùng một ngày dù sống xa nhau.
Peng Dingyi gặp lại cha mẹ ruột sau 30 năm xa cách. Ảnh: SCMP
Dù đã đoàn tụ, cả hai đều không biết gia đình ruột thịt của mình ở đâu. 30 năm trước, khi người mẹ sinh con, bệnh viện thông báo với bà rằng cả hai đứa trẻ đều đã mất. Sau đó, hai anh em được nhận nuôi riêng.
Ban đầu, Peng được một bác sĩ chăm sóc. Sau đó, vị bác sĩ trao anh cho một cặp đôi nhận nuôi. Peng cũng là đứa con duy nhất cặp vợ chồng nuôi dưỡng. Đến năm 18 tuổi, thông qua một người họ hàng, anh mới phát hiện mình không phải con đẻ.
Peng nhiều lần cố gắng tìm cha mẹ ruột trên các trang web tìm người mất tích nhưng không có kết quả. Việc đoàn tụ được với anh trai đã khơi dậy quyết tâm tìm gia đình ruột của anh.
Tháng 12/2024, anh gửi lại thông tin của mình cho một trang web do các phụ huynh có con bị bắt cóc hoặc mất tích lập ra. Ngày 30/12/2024, anh đã tìm thấy cha mẹ ruột và hai chị gái.
Có khúc mắc về mặt cảm xúc, người anh song sinh của Peng đã từ chối gặp cha mẹ ruột. Trong khi đó, Peng được gia đình ruột chào đón trở về với một bữa tiệc hoành tráng vào ngày 4/1.
Trong video ghi lại, đám đông vây quanh anh, với màn biểu diễn trống và tình nguyện viên cầm biểu ngữ. Peng cho biết cha mẹ nuôi luôn ủng hộ anh tìm kiếm gia đình ruột.
"Cha mẹ nuôi đối xử với tôi rất tốt. Dù tôi đã tìm thấy bố mẹ ruột, tôi sẽ không bao giờ từ bỏ mối quan hệ mà tôi có với họ. Cả hai gia đình hiện tại đều là gia đình của tôi và tôi sẽ thường xuyên thăm hỏi hai bên", anh chia sẻ.
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, ngày 1/2, bác sĩ CKI Trần Minh Thành ở khoa Hồi sức – Tích cực – Chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa thông tin, các bác sĩ của bệnh viện vừa chạy đua với thời gian cứu sống bệnh nhân L.T.T. H. (giáo viên, 50 tuổi, trú tại TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).
Trước đó, bệnh nhân có một số triệu chứng như ho, sốt nhẹ, sổ mũi nên nghĩ chỉ bị cảm cúm thông thường. Ngày Tết, bệnh nhân được chồng chở đi ăn sáng, bất ngờ mệt nhiều rồi lịm đi nên được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Yersin Nha Trang sơ cứu và chuyển lên khoa Hồi sức - Tích cực - Chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa vào ngày 30/1 (tức mùng 2 Tết) trong tình trạng lơ mơ rồi hôn mê, mạch và huyết áp đều không đo được, nổi vân tím toàn thân.
Theo bác sĩ CKI Trần Minh Thành, bệnh nhân được cho thở máy, đặt huyết áp động mạch xâm lấn, cho chụp CT ngực có thuốc cản quang và làm các xét nghiệm liên quan.
Qua kết quả cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán viêm cơ tim nặng nên được bác sĩ tiến hành truyền thuốc vận mạch, thuốc tăng co bóp cơ tim, thuốc kháng sinh. Đến trưa ngày 1/2 (tức mùng 4 Tết), bệnh nhân đã tỉnh táo, không phải sử dụng thuốc vận mạch, không phải thở máy, còn thở thở oxy mũi.
Bệnh nhân hiện đã tỉnh táo, không phải sử dụng thuốc vận mạch, không phải thở máy, còn thở thở oxy mũi. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
TS.BS Nguyễn Lương Kỷ - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa khuyến cáo, viêm cơ tim là sự viêm nhiễm của các tế bào cơ tim thường do nhiễm trùng bởi virus hoặc tổn thương.
Thời tiết giao mùa, trời lạnh thường dễ làm khởi phát bệnh viêm cơ tim. Triệu chứng ban đầu của bệnh là ho, viêm họng, sốt. Khi có triệu chứng này, người dân nên đi khám ngay không nên để đến khi biến chứng nặng như khó thở, lịm người mới vào viện vì nhập viện muộn, cấp cứu cho bệnh nhân sẽ khó khăn.
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, theo báo cáo công tác khám chữa bệnh ngày 1/2 (tức mùng 4 Tết) của Bộ Y tế, trong 24 giờ qua (tính từ 7h ngày 31/1 - 7h ngày 1/2), tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu cho 69.759 lượt người bệnh. Tổng số người bệnh hiện đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh tại thời điểm 7h ngày 1/2 là 127.395 người.
Trong 8 ngày nghỉ Tết từ 25/1-1/2/2025, các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức khám, cấp cứu cho 548.151 lượt người bệnh. Tổng số người bệnh nhập viện điều trị nội trú trong 8 ngày qua là 194.457 người.
Số phẫu thuật trong 24 giờ qua là 2.523 ca, tổng số ca phẫu thuật trong 8 ngày nghỉ Tết là 19.262 ca, trong đó phẫu thuật cấp cứu do tai nạn là 3.275 ca.
Các chuyên gia thăm khám cho người bệnh điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Cũng trong 24 giờ qua (tính từ 7h ngày 31/1 - 7h ngày 1/2), có 21 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa; có 5 trường hợp khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế. Trong 8 ngày nghỉ Tết, có 481 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa; 47 trường hợp khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế, chưa ghi nhận ca tử vong.
Trong 8 ngày nghỉ Tết, có 709 người khám, cấp cứu do rối loạn tiêu hoá, ngộ độc thức ăn tự chế biến, say bia/rượu, trong đó 442 người phải nhập viện theo dõi, điều trị, chưa ghi nhận ca tử vong.
Theo TS.BS Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế về tăng cường công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết Ất Tỵ 2025, bảo đảm công tác thường trực cấp cứu chuyên môn, báo cáo trực đầy đủ. Chưa ghi nhận nhập viện do vụ tai nạn hoặc ngộ độc thực phẩm hàng loạt.
Tình hình khám, cấp cứu; nhập viện, tử vong tai nạn nghi do giao thông giảm rõ rệt so với cùng kỳ Tết Giáp Thìn 2024. Số trường hợp khám, cấp cứu tai nạn nghi do pháo nổ giảm so với cùng kỳ Tết Giáp Thìn 2024.