Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, sáng 31/1, TS.BS Nguyễn Thanh Xuân - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, sau gần 3 ngày được nội soi lấy dị vật, sức khỏe nữ bệnh nhân T.T.T. (35 tuổi, trú TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) ổn định, đang dần phục hồi, ăn cháo trở lại và dự kiến xuất viện sau 3 ngày nữa.
Trước đó, nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội kéo dài 2 ngày nhưng không đỡ, sốt nhẹ, đau toàn bụng, nhiều nhất ở hố chậu phải. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện hình ảnh một dị vật bất thường dài khoảng 4cm đâm thủng 2 quai ruột non kế cận ở hố chậu phải gây viêm phúc mạc khu trú.
Ngay trong đêm giao thừa, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Ekip phẫu thuật do TS.BS. Nguyễn Thanh Xuân, trưởng phiên trực ngoại Tiêu hóa thực hiện.
TS.BS Nguyễn Thanh Xuân - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế và ekip tiến hành ca phẫu thuật lấy bỏ dị vật. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Sau thời gian phẫu thuật kéo dài khoảng 1 giờ, ekip phẫu thuật lấy bỏ dị vật, khâu phục hồi ruột non và súc rửa sạch ổ bụng bằng phẫu thuật nội soi. Dị vật là mẫu xương cá, có mấu nhọn, kích thước dài khoảng 4cm, xuyên thủng thành ruột non. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được đưa vào phòng hồi sức theo dõi.
TS.BS Nguyễn Thanh Xuân chia sẻ, đây là một trường hợp cấp cứu ngoại khoa hiếm gặp, cần được chẩn đoán nhanh, chính xác và xử trí sớm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân.
Theo TS.BS Nguyễn Thanh Xuân, dị vật có thể gặp ở bất cứ đoạn nào của ống tiêu hóa, trong đó tổn thương thực quản và ruột non là vị trí thường gặp nhất. Dị vật thường là xương động vật hoặc các vật dụng trong đời sống sinh hoạt (tăm tre, đinh…).
Biến chứng khi bị dị vật đường tiêu hóa rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, có thể gây thủng tạng chảy máu, áp xe tại chỗ, nhiễm trùng máu, thậm chí tử vong.
Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần ăn chậm, nhai kỹ, tránh cười đùa trong khi ăn, cần nấu kỹ thức ăn cho người cao tuổi và trẻ em. Khi nghi ngờ nuốt dị vật, cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị can thiệp ngay, không tự ý điều trị tại nhà, tránh làm tổn thương thêm đường tiêu hóa.
"Ca phẫu thuật thành công một lần nữa khẳng định năng lực chuyên môn và sự tận tâm của đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện. Đồng thời, là lời nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của việc ăn uống an toàn và bảo vệ sức khỏe bản thân", TS.BS Nguyễn Thanh Xuân chia sẻ.
Tạp chí Tri Thức dẫn thông tin từ South China Morning Post cho hay, ngày 9/1, cậu bé 10 tuổi ở Vĩnh Ninh, khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ (Trung Quốc) trở thành tâm điểm một cuộc điều tra sau khi khiến bố mình gặp rắc rối.
Theo đó, cậu bé (chưa được tiết lộ tên) bị bố mắng vì không hoàn thành bài tập về nhà. Cảm thấy oan ức và tức giận, cậu bé bỏ chạy khỏi nhà và mượn điện thoại của một chủ cửa hàng địa phương để báo cảnh sát về bố mình. Cậu bé khẳng định bố đang tàng trữ cây anh túc ở nhà.
Khi bị cảnh sát địa phương hỏi, cậu bé khóc kể lại những thông tin mình biết. Sau đó, người bố thừa nhận và bày tỏ sự hối hận, ăn năn khi tàng trữ loại cây này. Ông giải thích cất giữ vì mục đích y tế, tin rằng nó có thể giúp chữa bệnh.
Người bố cũng ngỡ ngàng khi nhận ra hành động của mình không chỉ vi phạm pháp luật mà còn dẫn tới phản ứng dữ dội như vậy từ con trai mình. Vụ án cuối cùng được chuyển cho đơn vị chống ma túy để điều tra thêm.
Người bố giải thích cất giữ vì mục đích y tế, tin rằng cây anh túc có thể giúp chữa bệnh. Ảnh minh họa: Shutterstock
Vụ việc của cậu bé 10 tuổi thu hút sự chú ý trên mạng xã hội Trung Quốc và nhận nhiều phản ứng hài hước. "Cảnh sát nên thưởng cho cậu bé bằng cách thêm bài tập về nhà ở tất cả các môn", một cư dân mạng bình luận.
Được biết, theo luật pháp Trung Quốc, hành vi vận chuyển, mua bán, tàng trữ hoặc sử dụng trái phép một lượng nhỏ cây anh túc có thể bị phạt tù từ 10 - 15 ngày và phạt tiền lên tới 3.000 NDT (tương đương 400 USD). Những trường hợp ít nghiêm trọng hơn có thể bị phạt tù tới 5 ngày hoặc phạt tiền tới 500 NDT (tương đương 69 USD).
TTXVN đưa tin, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã triển khai đội y tế khẩn cấp đến Uganda để hỗ trợ quốc gia Đông Phi này ứng phó với đợt bùng phát mới về dịch Ebola khiến một nhân viên y tế ở thủ đô Kampala tử vong.
Theo thông báo ngày 30/1 của WHO, đội ngũ chuyên gia này sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và hậu cần cho Bộ Y tế Uganda nhằm tăng cường hệ thống giám sát và quản lý ca bệnh, huy động cộng đồng và cung cấp cho người dân cũng như các cơ quan chức năng sở tại những thông tin về nguy cơ liên quan đến sức khỏe và tính mạng.
Virus Ebola lây lan nhanh và gây nhiều triệu chứng nghiêm trọng như sốt, nôn mửa, tiêu chảy, đau nhức cơ thể và chảy máu nội tạng. Ảnh minh họa
Trước đó, Bộ Y tế Uganda đã tuyên bố bùng phát dịch Ebola sau khi một nam y tá 32 tuổi, làm việc tại một bệnh viện ở Kampala, tử vong vào chiều 29/1. Ban đầu, bệnh nhân có triệu chứng giống sốt và đã tìm đến nhiều cơ sở y tế.
Giới chức y tế xác nhận nam y tá trên nhiễm chủng virus Ebola Sudan, vốn chưa có thuốc điều trị hoặc vaccine được cấp phép tiêm phòng. Để phòng tránh dịch lây lan, Bộ Y tế Uganda quyết định cung cấp vaccine thử nghiệm để tiêm phòng cho những người đã có tiếp xúc với bệnh nhân tử vong. Trong khi đó, 45 người tiếp xúc gần đã được cách ly.
Virus Ebola lây lan nhanh và gây nhiều triệu chứng nghiêm trọng như sốt, nôn mửa, tiêu chảy, đau nhức cơ thể và chảy máu nội tạng. Theo WHO, tỷ lệ tử vong do virus này gây ra dao động từ 50%-89%, tùy theo phân nhóm virus. Năm 2022, Uganda từng ghi nhận đợt bùng phát virus Ebola Sudan khiến 164 người mắc bệnh, trong đó có 55 người tử vong.