Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 5/2: Hành trình kiên cường của sản phụ bị ung thư cổ tử cung

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Hành trình kiên cường của sản phụ bị ung thư cổ tử cung; Bé hơn 4 tuổi vô tình nuốt viên pin khi đang chơi… là những tin tức đời sống đáng chú ý ngày 5/2.

Hành trình kiên cường của sản phụ bị ung thư cổ tử cung

Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, sáng 4/2 (tức mùng 7 Tết Ất Tỵ), sản phụ H.P. (27 tuổi, ở Hoa Lư, Ninh Bình) hạ sinh bé trai khỏe mạnh, nặng 3,2 kg theo phương pháp mổ lấy thai.

Sau khi lấy thai nhi ra, các bác sĩ tiếp tục tiến hành phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung và nạo vét hạch vùng chậu để loại bỏ triệt để tế bào ung thư. Khối u sau khi cắt bỏ sẽ mang đi sinh thiết, giải phẫu mẫu bệnh nếu chưa di căn, ca phẫu thuật được đánh giá thành công.

Trước đó, khi mang thai ở tuần thứ 26, sản phụ phát hiện bị ung thư cổ tử cung. Dù đối diện với căn bệnh quái ác, chị vẫn kiên cường chiến đấu vì con, cùng với sự đồng hành tận tâm của đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện Phụ Sản Trung ương.

Chia sẻ về hành trình đầy thử thách của mình, chị P. nhớ lại: "Lúc thai được 22 tuần, tôi bắt đầu thấy ra máu thưa. Ban đầu, tôi nghĩ là dấu hiệu bình thường nhưng khi thai sang tuần thứ 25, tình trạng ra máu ngày càng nhiều, phát hiện có khối u của cổ tử cung. Kết quả sinh thiết sau đó xác nhận tôi mắc ung thư cổ tử cung".

Nhận tin dữ, chị P. không giấu nổi sự hoang mang và lo sợ: "Tôi rất sốc và lo lắng cho con. Vì tâm lý mang thai lần đầu, người bình thường đã lo lắng rồi chưa kể lại phát hiện mình mang căn bệnh quái ác khi thai nhi còn quá nhỏ. Nhưng khi đến Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, các y bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, giúp tôi vững tâm tiếp tục chiến đấu".

Bé trai chào đời khỏe mạnh, nặng 3,2 kg. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Là người trực tiếp điều trị và phẫu thuật cho bệnh nhân, TS.BS Nguyễn Văn Thắng - Trưởng khoa Phụ Ung thư, cho hay: “Chị P. khi đến bệnh viện thăm khám kết quả cho thấy mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn IB3, khối u kích thước khoảng 5 cm nhưng vẫn khu trú tại cổ tử cung. Nếu không can thiệp kịp thời, bệnh sẽ tiến triển nhanh, đe dọa tính mạng.

Đối với bệnh nhân không mang thai, thông thường sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u ngay lập tức. Tuy nhiên, với trường hợp đặc biệt này, chúng tôi quyết định điều trị bằng cách giữ thai và thực hiện pháp đồ điều trị bằng hóa chất để kiểm soát khối u, kéo dài tuần thai đến mức tối đa”.

"Chúng tôi đã hội chẩn kỹ lưỡng với lãnh đạo bệnh viện và các chuyên gia đầu ngành để đưa ra phác đồ tối ưu nhất, đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Bệnh nhân được truyền hóa chất 3 chu kỳ, theo dõi sát sao để thai nhi phát triển khỏe mạnh mà không bị ảnh hưởng”, TS.BS Nguyễn Văn Thắng chia sẻ thêm.

Trong suốt quá trình điều trị, sản phụ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. "Mỗi lần truyền hóa chất, tôi cảm thấy rất mệt, nhưng bác sĩ luôn động viên, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng phù hợp để con tôi vẫn phát triển tốt, mẹ duy trì sức khỏe ổn định. Tôi đã cố gắng từng ngày, mong hai mẹ con có thể cùng nhau vượt qua", chị kể.

Khi thai nhi đạt 37 tuần – đủ trưởng thành để chào đời, ekip các bác sĩ quyết định thực hiện ca mổ lấy thai kết hợp phẫu thuật triệt căn ung thư cổ tử cung.

"Trong quá trình mổ cho bệnh nhân, chúng tôi gặp nhiều khó khăn vì bệnh nhân đang mang thai do tình trạng thay đổi giải phẫu sinh lý của bệnh nhân có thai, dẫn đến tình trạng tăng sinh các mạch máu và nguy cơ chảy máu nhiều trong quá trình mổ”, TS.BS Nguyễn Văn Thắng nói.

TS.BS Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết, do bệnh nhân đang mang thai, tình trạng giải phẫu sinh lý thay đổi, mạch máu tăng sinh mạnh nên nguy cơ mất máu cao. Các bác sĩ đã chuẩn bị kỹ lưỡng để kiểm soát tình trạng này. Rất may, ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi, mẹ tròn con vuông, sản phụ không cần truyền máu bổ sung.

Bé hơn 4 tuổi vô tình nuốt viên pin khi đang chơi

Theo Thời báo VTV, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long vừa thực hiện nội soi gắp dị vật là viên pin ở dạ dày cho bệnh nhi L.N.B.A. (hơn 4 tuổi, ở Bến Tre), do tình cờ nuốt phải trong lúc chơi.

Gia đình cho biết, bệnh nhi đang chơi thì vô tình nuốt 1 viên pin, ngay khi phát hiện, gia đình đã nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tại khoa Cấp cứu, ngay khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ đã nhanh chóng chỉ định chụp X-quang ổ bụng, kết quả phát hiện viên pin đã ở dạ dày.

Sau hội chẩn khẩn, các bác sĩ thống nhất chỉ định nội soi can thiệp. Ekip nội soi đã thành công lấy dị vật ra khỏi dạ dày bệnh nhi. Sức khỏe bệnh nhi ổn định và được xuất viện về ngay sau đó.

ThS.BS. Lê Vũ Trường cho biết, ở trường hợp bệnh nhi này, đã tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm vì khi nhập viện, viên pin đã xuống được dạ dày, không bị mắc lại ở vị trí thực quản hay đường thở và may mắn được đưa đến bệnh viện lấy ra kịp thời. Nếu không dị vật nằm lại trong đường tiêu hóa sẽ gây ra những biến chứng nặng nề hơn như thủng ruột, tắc ruột, chất hóa học trong pin rò rỉ gây hại đường tiêu hóa...

Bác sĩ Trường khuyến cáo, những trẻ trong độ tuổi từ 1-5 tuổi, thích khám phá nên có thể nuốt hay sặc vào đường thở hoặc nhét bất cứ dị vật nào vào các hốc tự nhiên của cơ thể. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, các gia đình thường chuẩn bị nhiều loại bánh, trái, thạch rau câu, hạt bí, hạt dưa, mứt... các đồ chơi trang trí với nhiều màu sắc mà trẻ rất thích.

Do đó, phụ huynh lưu ý cần giám sát, lựa chọn đồ ăn, đồ chơi phù hợp, tránh để trẻ chơi với những vật nhỏ, gọn vừa tầm tay, các loại đồ chơi, vật dụng có pin thì vị trí lắp pin nên được cố định chắc chắn…

Nếu phát hiện dị vật trong cơ thể bé, việc đầu tiên cha mẹ cần làm là phải bình tĩnh, tìm cách trấn an trẻ và nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế có đơn vị nội soi để xử trí gắp dị vật ra cho trẻ kịp thời.

Mang lại diện mạo mới cho người phụ nữ bị ung thư da đầu

Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, chị L.T.T (46 tuổi, dân tộc Tày, ở Tuyên Quang) được chẩn đoán ung thư da đầu và đã trải qua 4 lần mổ trước tại một bệnh viện khác. Do điều kiện kinh tế gia đình lại sống ở vùng sâu xa nên khi ung thư tái phát, chị T. không thể đến bệnh viện sớm.

Khi khối u lan rộng, chị T. mới đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để điều trị. Khối u xuất hiện nhiều vị trí, toàn bộ vùng da ung thư chiếm tới 2/3 da đầu, nóng và có điểm chảy máu, kèm theo những vùng da cũ từ các lần phẫu thuật trước. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy khối u đã xâm lấn vào xương sọ.

Mục tiêu phẫu thuật không chỉ là loại bỏ khối u, cắt vùng xương sọ bị xâm lấn mà còn phải tái tạo lại da đầu và xương vòm sọ để đảm bảo chức năng bảo vệ hộp sọ cũng như thẩm mỹ và cho người bệnh. Đội ngũ chuyên gia của bệnh viện đã lên kế hoạch tỉ mỉ, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất cho ca mổ kéo dài nhiều giờ đồng hồ.

Nữ bệnh nhân hiện đã phục hồi cả về mặt chức năng và thẩm mỹ. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

TS.BS Bùi Mai Anh ở khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình và Thẫm mỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ, bệnh nhân phải phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối u da đầu, bao gồm cả phần xương sọ bị xâm lấn.

Ca mổ được phối hợp cùng bác sĩ phẫu thuật thần kinh để cắt phần xương sọ bị ảnh hưởng. Mục tiêu là tái tạo lại hình thể da đầu và vùng đầu của bệnh nhân một cách tốt nhất giúp bệnh nhân đạt được cả phần xương sọ tạo hình lẫn phần da đầu tạo hình che phủ trong cùng một lần mổ.

Sau khi cắt bỏ xương sọ, bác sĩ sẽ sử dụng vật liệu titan để tạo hình lại phần xương sọ, đồng thời che phủ miếng lưới titan bằng da lấy từ đùi bệnh nhân bằng kỹ thuật vi phẫu.

Do diện tích phải cắt bỏ rất rộng (khoảng 25 x 30 cm, gần như toàn bộ da đầu), các bác sĩ đã phải lấy phần da từ đùi và chia vạt da thành các đảo da một cách linh hoạt đủ ôm tròn hình thể hộp sọ để tái tạo lại chức năng và thẩm mỹ cho người bệnh.

"Đây là một trong những kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực vi phẫu thuật do phải đảm bảo việc phẫu tích mạch không làm tổn thương các nhánh xuyên da rất nhỏ (<0.5mm) cấp máu tới từng đảo da. Sau đó, vạt da dạng chùm được chuyển lên vùng đầu và nối mạch máu với kích thước rất nhỏ để vạt da có thể sống. Ca phẫu thuật kéo dài 12 giờ đồng hồ", TS.BS Bùi Mai Anh nói.

Trong khi đó, TS.BS. Bùi Huy Mạnh ở khoa Phẫu thuật Thần kinh 1 tham gia ca mổ cho biết, bệnh nhân có khối ung thư da đầu xâm lấn xương sọ nên có chỉ định cắt bỏ phần xương sọ bị xâm lấn và được tạo hình lại hộp sọ cùng thì là cần thiết để bảo vệ tổ chức thần kinh trung ương. Việc phối hợp giữa các chuyên khoa trong những bệnh lý khó như ca bệnh này sẽ mang lại kết quả tối ưu cho bệnh nhân.

Sau hơn 1 tháng phẫu thuật, tình trạng da đầu của bệnh nhân đã ổn định tốt. Hiện tại, bệnh nhân đã phục hồi cả về mặt chức năng và thẩm mỹ.

Người bệnh xúc động chia sẻ: "Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể vượt qua được căn bệnh này. Nhờ sự tận tâm và tay nghề tuyệt vời của các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tôi đã được trao cơ hội sống một lần nữa".

Tin nổi bật