Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 3/2: Người đàn ông đi viện sau tai nạn khi nấu lẩu tại nhà

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Người đàn ông đi viện sau tai nạn khi nấu lẩu tại nhà; Cấp cứu kịp thời người phụ nữ chửa ngoài tử cung vỡ, choáng… là những tin tức đời sống đáng chú ý ngày 3/2.

Người đàn ông đi viện sau tai nạn khi nấu lẩu tại nhà

Theo VietNamNet, TS.BS Phan Bá Hải - Phó trưởng khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết tình huống bất ngờ xảy ra tối 1/2 (tức mùng 4 Tết) khi người đàn ông 49 tuổi làm nghề đầu bếp ở Hà Nội dùng bếp ga mini nấu lẩu tại nhà.

Bệnh nhân vào viện cấp cứu ngay sau khi xảy ra tai nạn trong tình trạng tổn thương nặng nề nhiều vị trí trên cơ thể. Cụ thể, bệnh nhân bị dập nát một số ngón, chấn thương vùng hàm mặt, ngực... Sáng 2/2, bệnh nhân được chuyển phòng mổ. 

Bác sĩ chia sẻ, các chấn thương do nổ không e ngại các mảnh nhỏ (như lựu đạn hay mìn tự chế) gây sát thương lớn nhưng chấn thương bên trong cơ thể thường nguy hiểm hơn. Không ít trường hợp 1-2 ngày sau khi xảy ra tai nạn bệnh nhân "tưởng như bình thường" nhưng tới ngày thứ 3 phát hiện tràn dịch màng phổi do chảy máu, chấn thương nội tạng, tổn thương tim, gãy xương sườn...

Tai nạn xảy ra khi người đàn ông dùng bếp ga mini nấu lẩu tại nhà. Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trung bình 4 ngày đầu nghỉ Tết Ất Tỵ (từ 29 tháng Chạp đến hết mùng 3 Tết), mỗi ngày có khoảng 100 ca cấp cứu, tai nạn, giảm khoảng 20-30% so với các năm. Số bệnh nhân cấp cứu tăng nhiều nhất ngày mùng 2 và mùng 3 Tết (120 ca/ngày), từ mùng 4 giảm dần. 

"Năm nay, số ca tai nạn giao thông chiếm khoảng 50% tổng số ca cấp cứu trong ngày. Cách đây vài năm, con số này chiếm tới 80-90%, bệnh viện phải dừng hết lịch mổ phiên để ưu tiên mổ cấp cứu”, bác sĩ Hải cho biết. Đặc biệt, số ca cấp cứu do tai nạn giao thông phải xét nghiệm nồng độ cồn rất ít.

Ngoài tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ cao nhất, tai nạn sinh hoạt (ngã cầu thang, nổ bình ga...) và pháo nổ xếp lần lượt thứ 2 và 3 trong mô hình bệnh tật, tai nạn vào cấp cứu.

Sáng 2/2 (tức mùng 5 Tết), tại khoa Chi trên và Y học thể thao đang điều trị cho 3 bệnh nhân bị tai nạn do pháo nổ, trong đó 1 ca đã phẫu thuật, 1 ca vừa chuyển vào phòng mổ và 1 ca đang chờ mổ.

Những ca cấp cứu do pháo nổ có tổn thương khá nặng nề, thường là 2 cánh tay, ngực, bụng, mặt, thậm chí vùng kín… "Năm nay, có trường hợp bị cụt hai bàn tay, có ca bị mù vĩnh viễn do sóng xung kích làm vỡ nhãn cầu", bác sĩ thông tin.

Báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) ngày 2/2 cho biết, trong 8 ngày nghỉ Tết (từ 7h ngày 25/1 - tức 26 Tết đến 7h ngày 2/2 - tức mùng 5 Tết), các cơ sở y tế trong cả nước đã khám, cấp cứu cho gần 550.000 lượt người bệnh; gần 195.000 người phải nhập viện điều trị nội trú. 

Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật tổng cộng cho 18.929 ca, trong đó phẫu thuật cấp cứu do tai nạn là 3.301 ca. Trong 8 ngày từ 25/1-2/2, có 16.518 trẻ chào đời.

Cùng thời gian này, gần 10.000 người nhập viện điều trị nội trú hoặc theo dõi vì nghi liên quan đến TNGT; 2.538 người phải chuyển viện; 160 người tử vong.

Theo đánh giá của Cục Quản lý khám chữa bệnh, các chỉ số về số khám, cấp cứu, nhập viện điều trị nội trú hay tử vong nghi do tai nạn giao thông trong Tết Ất Tỵ 2025 đều giảm mạnh so với Tết Giáp Thìn 2024.

Cấp cứu kịp thời người phụ nữ chửa ngoài tử cung vỡ, choáng

Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, ngày 1/2, khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản -Trung tâm y tế huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) cho biết, vừa cấp cứu kịp thời một bệnh nhân chửa ngoài tử cung vỡ, choáng.

Trước đó, vào khoảng 9h cùng ngày, chị L. (24 tuổi, trú xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, đau bụng nhiều vùng hạ vị, huyết áp tụt. Chị L. được các bác sĩ chẩn đoán chửa ngoài tử cung bên phải vỡ, choáng. Đây là một trường hợp cấp cứu khẩn cấp.

Ngay lập tức, các bác sĩ phẫu thuật khẩn cấp cho bệnh nhân. Trong quá trình phẫu thuật nội soi, các bác sĩ quan sát thấy máu nhiều trong ổ bụng (khoảng 700ml), khối chửa ở đoạn bóng vòi tử cung bên phải, đã vỡ, đang chảy máu. Kíp phẫu thuật tiến hành cặp cắt khối chửa ngoài để ngăn chảy máu.

Sau khoảng 30 phút phẫu thuật, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, tiếp tục được hồi sức, theo dõi sát tại khoa, chuẩn bị truyền máu nếu cần… Tiên lượng bệnh nhân ổn định.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Theo chuyên gia, thai ngoài tử cung là tình trạng bất thường vị trí làm tổ của thai. Túi thai sẽ không nằm trong buồng tử cung mà làm tổ ở những vị trí khác như vòi tử cung, buồng trứng, cổ tử cung, ổ bụng…

Thai ngoài tử cung vỡ là một cấp cứu trong sản phụ khoa, đe dọa nghiêm trọng tính mạng phụ nữ nếu không đến bệnh viện kịp thời và nếu chẩn đoán xử trí chậm. Yếu tố nguy cơ gây thai ngoài tử cung gồm: người có tiền sử bị thai ngoài tử cung, nạo phá thai, viêm nhiễm phụ khoa, viêm vòi trứng, dị dạng cơ quan sinh dục, từng phẫu thuật vùng chậu…

Các bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần cảnh giác thai ngoài tử cung, nếu có hiện tượng trễ kinh hoặc ra máu âm đạo bất thường, đau bụng dưới, ra huyết âm đạo rỉ rả kéo dài, nhất là nếu đau tăng dần, mệt nhiều, vã mồ hôi, ngất xỉu… cần phải được vào khám ngay tại các bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất.

Tin nổi bật