Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 4/4: Cứu bé 12 tuổi bị tổn thương tim nghiêm trọng

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Bộ Y tế thông tin về các trường hợp mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân ở Nga; Cứu bé 12 tuổi bị tổn thương tim nghiêm trọng… là những tin tức đời sống đáng chú ý ngày 4/4.

Bộ Y tế thông tin về các trường hợp mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân ở Nga

Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) vừa có báo cáo nhanh thông tin về các trường hợp mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân tại Liên bang Nga.

Cục Phòng bệnh cho biết, những ngày gần đây, hệ thống giám sát dựa vào sự kiện ghi nhận thông tin từ các kênh truyền thông báo chí và mạng xã hội về các trường hợp mắc bệnh không rõ nguyên nhân trên người tại Liên bang Nga.

Theo đó, ngày 31/3/2025, một số trang thông tin điện từ nước ngoài đưa tin về việc ghi nhận các trường hợp mắc bệnh không rõ nguyên nhân trên người tại Liên bang Nga.

Ban đầu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như: mệt mỏi, đau người, suy nhược như các bệnh lý thông thường theo mùa. Tuy nhiên, sau vài ngày (3- 4 ngày), xuất hiện các triệu chứng sốt cao (39 độ C), ho dữ dội đến mức chảy nước mắt và đờm có lẫn máu, mệt mỏi phải nằm liệt giường. 

Nhiều bệnh nhân có xét nghiệm âm tính với COVID-19 và cúm. Chưa xác định tác nhân gây bệnh mới trên những bệnh nhân này.

Tổ chức Y tế Thế giới đang liên hệ với cơ quan y tế tại Liên bang Nga để làm rõ thêm thông tin. Ảnh minh họa: URA NEWS

Sau khi ghi nhận các thông tin nêu trên, Cục phòng bệnh đã liên hệ với Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam để xác minh, làm rõ thông tin. Đến thời điểm hiện tại, thông tin ban đầu từ Cơ quan Đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) của Tổ chức Y tế Thế giới tại khu vực châu Âu, một số trường hợp bệnh đã xác định nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm vi khuẩn Mycoplasma. 

Tổ chức Y tế Thế giới đang liên hệ với cơ quan y tế tại Liên bang Nga để làm rõ thêm thông tin.

Vi khuẩn Mycoplasma gây nhiễm trùng đường hô hấp làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp (gồm cả họng, khí quản và phối); bệnh lây truyền từ người sang người qua các giọt dịch tiết nhỏ chứa vi khuẩn do ho, hắt hơi; bệnh có thể được điều trị bằng kháng sinh.

Cục Phòng bệnh cũng cho biết, trên cơ sở các thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, Cục Phòng bệnh đã chủ động theo dõi, giám sát thông tin về diễn biến tình hình các ca bệnh và các biện pháp phòng chống tại Liên bang Nga.

Cục Phòng bệnh sẽ tiếp tục bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh; phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới, đầu mối thực hiện IHR của Liên bang Nga để cập nhật thông tin và chủ động cung cấp, chia sẻ thông tin đầy đủ chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng nhưng đồng thời không chủ quan, lơ là trước các diễn biến của tình hình dịch bệnh, nhất là trong giai đoạn giao mùa hiện nay với điều kiện thời tiết thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan.

Cứu bé 12 tuổi bị tổn thương tim nghiêm trọng

Báo Đồng Nai đưa tin, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai mới đây đã phối hợp cứu sống bệnh nhân T.L.B.V. (12 tuổi, ngụ xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) bị tổn thương tim nghiêm trọng, có nguy cơ tử vong cao.

Trước đó, ngày 30/3, bệnh nhân có triệu chứng đau ngực, khó thở, khi nằm và ngồi không thở được. Gia đình đã đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để cấp cứu. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tràn dịch màng ngoài tim, có chèn ép tim cấp. 

Các bác sĩ sau đó đã tiến hành chọc dịch màng ngoài tim cho bệnh nhân. Khi chọc dịch màng ngoài tim, dịch tái lập lại rất nhanh sau khi đã hút hết dịch cũ.

Nghi ngờ bệnh nhân có tổn thương tim nghiêm trọng, lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã liên hệ chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tiếp tục điều trị.

Sau phẫu thuật 3 ngày, bệnh nhân đã ổn định, sẽ sớm được xuất viện. Ảnh: Báo Đồng Nai

TS.BS Võ Tuấn Anh - Trưởng khoa Ngoại lồng ngực – tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, qua phim chụp CT, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có chỗ vỡ ở thành động mạch chủ. Đây là tổn thương rất nghiêm trọng, nếu không được xử lý kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao.

Ngay lập tức, bệnh nhân được đưa vào phòng phẫu thuật. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có một lỗ thủng ở trên động mạch chủ ngực lên nên đã tiến hành khâu lỗ thủng và kiểm tra không phát hiện có thương tổn nào khác. Sau phẫu thuật 3 ngày, bệnh nhân đã ổn định, sẽ sớm được xuất viện.

Theo bác sĩ Tuấn Anh, có 3 yếu tố làm nên thành công của trường hợp này. Thứ nhất là sự phối hợp tốt giữa 2 bệnh viện. Từ lúc chuyển bệnh nhân từ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai sang đến phòng mổ của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chưa đầy 30 phút.

Tiếp đến là nhờ sự phối hợp rất tốt giữa khoa Ngoại lồng ngực – tim mạch, khoa Gây mê hồi sức, khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ngoài ra, nhờ chương trình mổ tim hở nên ekip mổ tim của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai có thể xử lý được các thương tổn tim phức tạp nên đã kịp thời cứu sống người bệnh. Trường hợp này nếu chuyển viện xa, bệnh nhân có nguy cơ tử vong do tình trạng bệnh nặng.

Người thân của bệnh nhân cho hay, gần 2 tháng trước, bé V. có bị tai nạn đập ngực xuống đất nhưng gia đình không để ý. Có khả năng tai nạn này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tổn thương trên.

Hãi hùng phát hiện con vắt còn sống trong mũi người phụ nữ

Theo báo Pháp Luật TP.HCM, ngày 3/4, bác sĩ Trương Đức Cường ở Trung tâm Y tế huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk), cho biết các bác sĩ tại trung tâm vừa gắp một con vắt từ trong mũi một nữ bệnh nhân.

Cụ thể, bác sĩ Cường chia sẻ, vào sáng cùng ngày, một bệnh nhân được người nhà đưa tới Trung tâm Y tế huyện Lắk thăm khám trong tình trạng bị chảy máu mũi.

Người nhà bệnh nhân cho biết, khoảng một tuần trước, bà đi bắt cá ở suối về thì bị chảy máu mũi liên tục. Người nhà nghĩ bà bị chảy máu cam, tự điều trị nhưng không khỏi.

Con vắt được gắp ra ngoài. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM

Sau khi thăm khám, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Lắk phát hiện trong mũi bệnh nhân có sinh vật đang động đậy. Các bác sĩ sau đó đã gắp được một con vắt đang sống từ sâu trong mũi bệnh nhân.

Theo bác sĩ Cường, con vắt gặp môi trường thuận lợi nên phát triển và dài hơn 6cm. Việc con vắt ký sinh trong mũi khiến mũi của bệnh nhân bị viêm nhiễm, niêm mạc sưng loét nặng...

Tin nổi bật